MWC News kể về nỗi đau 'bí mật' trong cuộc chiến VN

Thời sựThứ Ba, 07/08/2012 04:12:00 +07:00

Có những hình ảnh từ cuộc chiến Mỹ gây ra ở Việt Nam đã ăn sâu vào tâm trí của cả một thế hệ người Mỹ đã sống qua nó.

Nhân kỷ niệm 51 năm ngày Mỹ bắt đầu rải chất độc da cam ở miền Nam Việt Nam (10/8/1961-10/8/2012), tờ MWC News (Media with conscience) đã đăng tải một bài viết về vấn đề di chứng chất độc da cam ở Việt Nam và trách nhiệm của chính phủ Mỹ.

Dưới đây là trích dịch bài viết:

Có những hình ảnh từ cuộc chiến Mỹ gây ra ở Việt Nam đã ăn sâu vào tâm trí của cả một thế hệ người Mỹ đã sống qua nó. Đó là hình ảnh một cô bé trần truồng chạy ra từ ngôi làng bị thiêu rụi bởi bom napalm, với những mảnh da bị lột vẫn dính vào cơ thể. Đó là những thi thể chất chồng ở làng Mỹ Lai, nơi 504 dân thường vô tội đã bị lính Mỹ thảm sát.

Một hình ảnh khác là tiếng thét đau đớn của một nữ sinh viên bên thi thể của một người bạn bị bắn chết ở ĐH Kent State vì phản đối cuộc chiến phi lý của Mỹ.

Gần đây, đó là hình ảnh những giọt nước mắt của nhóm cựu chiến binh phản chiến, hối hận trước những tội ác mà họ đã gây ra trong cuộc chiến ở Việt Nam.

Đó là những hình ảnh đau lòng. Nó phơi bày ra sự khủng khiếp của chiến tranh. Cuộc chiến tranh của Mỹ chống lại người Việt Nam đã được ghi hình, trong khi hình ảnh của cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq đã và đang cố tình bị che giấu trước dân chúng.

Nhưng trong cuộc chiến Việt Nam, đã có một câu chuyện kinh hoàng không được ghi lại trong suốt 10 năm (1961-1971), đó là việc người Mỹ phun hàng triệu lít chất diệt cỏ độc hại trong một khu vực rộng lớn của miền Nam Việt Nam.

Những hóa chất này đã tiếp xúc với gần 5 triệu người, chủ yếu là dân thường, và để lại những hậu quả chết người cho đến ngày nay. Các chất diệt cỏ độc hại, đáng chú ý nhất là chất độc da cam, đều có chứa dioxin - một trong những hoá chất nguy hiểm nhất được con người biết đến.

Nó đã được Tổ chức Y tế Thế giới và Viện Hàn lâm Y khoa Mỹ công nhận là một chất gây ung thư, cũng như gây dị tật bẩm sinh đối với thai nhi.

Chiến tranh đã chấm dứt ở Việt Nam nhiều thập niên, nhưng nỗi đau da cam vẫn tồn tại dai dẳng. 

Kể từ khi được phun lần đầu tiên vào 51 năm trước, cho đến ngày hôm nay, hàng triệu người Việt đã chết, hoặc hoàn toàn bị tàn phế, cả về thể chất cũng như thinh thần, những bệnh tật mà chính phủ Mỹ thừa nhận có liên quan đến chất độc da cam và đã dựa vào đó để bồi thường cho cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam.

Nhưng người Việt Nam mới là những nạn nhân trực tiếp của chất độc da cam. Loại chất độc này tàn phá với một cường độ mạnh khủng khiếp tới môi trường và sức khỏe con người. Những đứa trẻ thuộc thế hệ thứ 2, thậm chí là thứ 3 của những người đã từng tiếp xúc với chất độc da cam tại các điểm nóng chiến tranh vẫn đang phải chịu các dị tật và các chứng bệnh mà cơ quan y tế cho rằng đó là hậu quả của chất độc này.

Những người Việt Nam trực tiếp tiếp xúc với hóa chất bị mắc bệnh ung thư gan, bệnh phổi và tim, khuyết tật đến khả năng sinh sản, các rối loạn da và thần kinh. Thế hệ con cháu của họ bị dị tật nghiêm trọng về thể chất và tinh thần cũng như nhiều loại bệnh tật, tuổi thọ bị thu hẹp.

Nhiều khu rừng trên một diện tích rộng lớn của miền Nam Việt Nam đã bị tàn phá. Môi trường được hình thành trong nhiều thế kỷ đã bị hủy diệt và sẽ không thể hồi sinh được sự đa dạng từng có trong hàng trăm năm tới.

Nhiều loài động, thực vật rừng quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng, làm ảnh hưởng đến các cộng đồng dân cư sống nhờ vào việc khai thác chúng. Các dòng sông và nước ngầm ở một số vùng đã bị ô nhiễm vì hóa chất. Xói mòn và sa mạc hóa có nguy cơ làm thay đổi môi trường, gây ra sự xáo trộn đời sống.


Trong 51 năm qua, người dân Việt Nam đã cố gắng giải quyết hậu quả chiến tranh bằng nhiều cách, trong đó có cuộc vận động để chính phủ Mỹ và các công ty hóa học nhận trách nhiệm cho thảm họa đã xảy ra.
Nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam chưa nhận được sự bồi thường từ phía Mỹ. 

Bắt đầu vào năm 2004, một nỗ lực pháp lý đã được các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tiến hành nhằm vào các công ty hóa chất tại tòa án liên bang Mỹ. Dù không thành công, nỗ lực này đã tạo ra một phong trào có tổ chức, yêu cầu Mỹ chịu trách nhiệm về việc sử dụng hoá chất nguy hiểm trên quần thể dân cư.

Phong trào này đã dẫn đến dự thảo pháp luật HR 2634 năm 2011 về các nạn nhân của chất độc da cam, với yêu cầu cung cấp dịch vụ y tế, phục hồi chức năng và bồi thường cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam, khắc phục hậu quả của ô nhiễm dioxin ô tại các "điểm nóng", cung cấp dịch vụ y tế cho trẻ em và con cháu của các cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam và người Mỹ gốc Việt, những người đã được sinh ra với bệnh và dị tật.

Các cựu chiến binh Mỹ đã được bồi thường với tổng chi phí khoảng 1,52 tỉ USD mỗi năm bằng tiến thuế của người dân. Các công ty hóa chất, cụ thể là Dow và Monsanto, hưởng lợi từ sản xuất chất độc da cam, chỉ phải chịu phí tổn rẻ mạt trong vụ kiện của các cựu chiến binh để bồi thường cho họ, khi cho rằng những di chứng của chất độc da cam nằm ngoài ý muốn của nhà sản xuất.

Tuy nhiên, đối với người Việt Nam -những đối tượng tiếp tục bị ảnh hưởng từ thảm họa do Mỹ gây ra hầu như vẫn không nhận được một sự công nhận nào từ chính quyền Mỹ.

Có thể nói, người Mỹ đang trốn tránh trách nhiệm về những tội ác chiến tranh do mình gây ra trên quốc gia khác.

Trong năm 1945, tại hội nghị sáng lập của Liên Hiệp Quốc, các quốc gia trên thế giới đã thống nhất quan điểm về việc ngăn chặn các tai họa của chiến tranh, khẳng định niềm tin vào các quyền cơ bản, phẩm giá của con người, thiết lập các quy định về nghĩa vụ quốc tế giữa các quốc gia, thúc đẩy tiến bộ xã hội, nâng cao mức sống của con người… Những nguyên tắc này cần được khẳng định trong vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam.

Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn