• Zalo

Muốn vào đại học, phải có ‘chứng chỉ trình độ sẵn sàng’

Giáo dụcThứ Ba, 11/02/2014 12:48:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nhà giáo Nhân dân, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng thí sinh muốn vào đại học, cao đẳng, bên cạnh bằng tốt nghiệp THPT, phải có thêm “chứng chỉ trình độ sẵn sàng”.

Bày tỏ ý kiến trước quan điểm của Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ về việc cần phải có một kỳ thi quốc gia chung từ năm 2015, NGND, GS-TS Võ Tòng Xuân gửi đến VTC News bài viết sau.

Chúng ta cần nhìn nhận rằng việc quản lý về chất lượng giáo dục và đào tào như hiện hành chỉ quản lý đầu vào mà hầu như bỏ lỏng đầu ra. Chúng ta không lạ gì với tin tức trên các phương tiện truyền thông và quan sát tại thực tế tệ nạn “bằng thật học giả” vì Bộ GD-ĐT đã buông lỏng đầu ra.

Điều kiện tiên quyết nhất cần làm ngay là Bộ GD-ĐT tập trung quản lý thật chặt đầu ra, bằng cách thiết lập nhiều Trung Tâm Khảo Thí tại khắp các vùng trọng điểm trên toàn quốc để tổ chức định kỳ những cuộc thi kiểm định trình độ chuẩn của các loại bằng cấp mà các trường trung học, cao đẳng và đại học đã cấp.

GS Võ Tòng Xuân

 

Đối với học sinh trung học, Trung tâm tổ chức kỳ thi “Chứng chỉ trình độ sẵn sàng vào ĐH-CĐ” của học sinh đã có chứng chỉ tốt nghiệp THPT mỗi năm 3-4 lần.

Đối với các trường CĐ và ĐH, Trung tâm sẽ phối hợp với Hội Nghề nghiệp chuyên môn để tổ chức mỗi năm một đợt thi “Chứng chỉ trình độ chuyên môn” thí dụ “Chứng chỉ đạt trình độ Luật sư,”Chứng chỉ đạt trình độ Cử nhân Quản trị Kinh doanh,” “Chứng chỉ đạt trình độ Bác sĩ Đa khoa” v.v… Về các loại thi, chúng ta sẽ có:

1.     Thi tốt nghiệp THPT
Trước giải phóng, tờ chứng chỉ tốt nghiệp bậc học căn bản nhất của mỗi công dân một quốc gia được gọi là “Bằng cấp Tú Tài” (Baccalauréat).
Người có bằng cấp này là một cô hay cậu tú có tài, vì đã học xong cấp học căn bản này người công dân đã nắm được kiến thức tổng quát về thiên nhiên vũ trụ và xã hội loài người, có thể hội nhập vào đời sống xã hội.
Nhưng ngày nay chúng ta không dám gọi “bằng cấp Tú Tài” vì học xong lớp 12 học sinh đã trải qua quá nhiều bài thi nhồi sọ theo kiểu đọc chép mà họ học để thi chứ không phải để hiểu và áp dụng trong đời sống.
Cô thầy tốt nghiệp từ trường sư phạm ra theo chương trình cũng dạy như thế, nên không thể dạy cho giáo sinh hiểu mà chỉ dạy cho  học sinh thi. Do đó chúng ta cần mạnh dạn đổi mới chương trình đào tạo giáo viên, song song với đổi mới chương trình học phổ thông.
Trong khi chờ đợisự đổi mới cơ bản đó, chúng ta cần khắc phục tình trạng thi cử ở bậc phổ thông hiện nay. Chính Bộ GD-ĐT trước đây chưa muốn bỏ thi tuyển sinh quốc gia là vì không tin tưởng vào chất lượng các bằng cấp tốt nghiệp THPT và điểm hạng trong học bạ ở các lớp THPT.
Các kỳ thi THPT ngày nay bị ảnh hưởng rất lớn bởi phụ huynh của hoc sinh và của lãnh đạo tỉnh. Bệnh thành tích này khó trị lắm. Vì chất lượng giáo viên không giỏi đồng đều mà phải đạt chỉ tiêu cao cho học sinh lên lớp, trong khi học sinh học hành tiếp thu không đồng đều nhưng cũng được cho lên lớp năm này sang năm kia, mà sau này Bộ thường gọi là “ngồi nhầm lớp.”
Lãnh đạo tỉnh lại muốn thấy học sinh của tỉnh mình được đậu cao đến tỉ lệ 90% hoặc trên nữa, nên các kết quả thi cử ở bậc phổ thông của Việt Nam ta quả là không thể xác định chất lượng qua điểm thi các loại.
Tôi nghĩ đây là vấn đề không thể cải tiến được vì các lý do nêu trên. Do đó chúng ta nên để cho các Sở GD-ĐT tự tổ chức thi tốt nghiệp THPT với kinh phí của tỉnh họ, và đạt kết quả sẽ như tỉnh đã chỉ đạo như trước giờ.
Một phương án thứ hai ít tốn kém cho ngân sách tỉnh là cứ căn cứ vào điểm lên lớp hàng năm từ lớp 1 đến 12 của mỗi học sinh mà Sở GD&ĐT của tỉnh sẽ cấp Chứng chỉ tốt nghiệp bậc phổ thông cho họ.
Bầu chọn
Có nên tổ chức một kỳ thi quốc gia chung?
 
2.     Thi tuyển sinh CĐ-ĐH:
Đây là cuộc thi “sống chết” đối với mọi học sinh trung học và phụ huynh của họ. Hàng năm, cả triệu học sinh vừa tốt nghiệp THPT phải cố gắng dành được một chỗ ghế trong số hơn 400 trường đại học hoặc cao đẳng.
Bộ GD-ĐT đã thiết kế kiểu thi “3 chung” để tuyển sinh vào ĐH-CĐ. Qua thực tế gần 15 năm nay, qui trình “3 chung” ngày càng bộc lộ những bất cập, gây tốn kém quá nhiều cho ngân sách quốc gia và ngân sách gia đình.
Toàn xã hội trở nên căng thẳng ở mỗi đợt thi, nhất là đối với các sĩ tử. Vì thế Bộ GD-ĐT đã cải tiến kiểu tuyển sinh “3 chung”, và cho phép một số trường đại học tự tổ chức tuyển sinh riêng.
Như thế việc tuyển sinh cũng tiếp tục tốn kém về phía nhà trường, trong thí sinh lại không cơ hội nộp đơn thi vào nhiều trường để hy vọng vào được mọt trường.
Để đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh và học sinh, và để tránh lãng phí cho Bộ và nhà trường, tôi đề nghị một qui trình “tuyển sinh theo xét tuyển” như dưới đây: 

Qui trình tuyển sinh CĐ-ĐH mới: XÉT TUYỂN

Qui trình tuyển sinh theo xét tuyển cho phép mọi thí sinh có thể nộp đơn tại nhiều trường đại học/cao đẳng cùng một lúc trong nhiều đợt trong năm (nếu thi “ba chung,” mỗi thí sinh có thể nộp đơn cho nhiều trường ĐH/CĐ nhưng đến lúc thi thì chỉ thi tại một trường của khối thi, tức là chỉ thi được hai lần/năm).

Nộp đơn thí sinh phải có 2 chứng chỉ cốt lõi: “Chứng chỉ tốt nghiệp bậc phổ thông”“Chứng chỉ trình độ sẵn sàng vào ĐH-CĐ.”

Như trên đã nói, chất lượng tốt nghiệp phổ thông thường không trung thực vì bị ảnh hưởng tác động của xã hội, nên phải có chứng chỉ đạt trình độ sẵn sàng vào ĐH-CĐ do cơ quan độc lập đánh giá, không bị ảnh hưởng áp lực của chính quyền hoặc phụ huynh như hiện nay. Qui trình gồm các bước sau đây:

Bước 1: Thí sinh đăng ký thi lấy “Chứng chỉ trình độ sẵn sàng vào ĐH-CĐ” tại Trung Tâm Khảo thí gần nhà mình nhất, đóng tiền lệ phí và dự thi, rồi lấy phiếu điểm kết quả thi đó để đính kèm theo hồ sơ xin được tuyển vào học ở trường CĐ-ĐH mà họ chọn. Nếu kết quả chưa đạt chuẩn, thí sinh sẽ ôn tập lại, đăng ký và đóng lệ phí thi lại lần 2, lần 3, lần 4… đến khi đạt chuẩn.

Bước 2: Trung tâm Khảo thí sẽ cấp Phiếu Kết Quả (số lượng phiếu tùy yêu cầu của thí sinh) cho thí sinh đính kèm hồ sơ xin nhập học tại trường ĐH-CĐ theo ý thích của mình. Thí sinh có thể nộp đơn cho nhiều trường, không giới hạn, không còn căng thẳng như trước.

Tâm lý của thí sinh và gia đình là nộp đơn càng nhiều nơi càng tốt, may ra có một trường sẽ nhận họ. Thi “3 chung” thì chỉ thi được 2 nơi trong 2 đợt thi cho các khối mà thôi.

Bước 3: Hội đồng Xét tuyển của trường CĐ-ĐH sẽ xét và đánh giá từng đơn của thí sinh (chủ yếu đọc kỹ bài trả lời của thí sinh đối với các câu hỏi tìm hiểu nguyện vọng và dự kiến chuyên môn tương lai của thí sinh; tham khảo Phiếu Kết quả Khảo thí, và thư giới thiệu của 3 giáo viên của thí sinh); chọn những đơn được đánh giá cao nhất; mời các em được chọn vào phỏng vấn lần cuối trước khi chấp nhận vào học.

Bộ GD-ĐT qui định ngày nhập học của các trường ĐH, CĐ. Đến ngày ấy, thí sinh được tuyển mà không có mặt tại trường thì kể như thí sinh đó đã đến nhập học ở một trường khác trong số những trường mà thí sinh đó đã nộp đơn.

So sánh những bất lợi do quy trình tuyển sinh hiện tại gây ra hàng năm và những lợi ích do quy trình tuyển sinh mới cải tiến sẽ đem lại:

 

Qui trình tuyển sinh “3 chung”

Qui trình tuyển sinh cải tiến mới:

 

- Xã hội rất căng thẳng từ Thủ tướng, Bộ trưởng xuống đến người thường dân ở xã, phường.

- Xã hội không còn lý do gì để căn thẳng nữa, vì mọi khâu được tổ chức rất bình thường.

- Nhà nước Trung ương và địa phương phải huy động cùng một lúc mọi ngành, mọi người

- Không phải huy động mọi ngành, mọi người nữa.

- Nhà trường phải huy động mọi cán bộ của từng trường ĐH và mượn giáo viên và lớp học của các trường phổ thông trong vùng.

- Nhà trường chỉ huy động giám khảo từ từng Khoa chuyên môn của mình dể xét các đơn thi, không phải tổ chức linh đình tốn kém như hiện nay.

- Tốn kém để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho mỗi kỳ thi, từ sản xuất đề thi, coi thi đến chấm thi và xử lý kết quả thi.

- Chỉ còn tốn kém về tổ chức in, sao đề thi THPT và coi thi THPT mà thôi (nếu địa phương tổ chức). Gần như không tốn gì cho tuyển sinh cả.

- Phụ huynh lo lắng tốn kém tối đa cho con em mình:

(1) Học ôn thi cấp tốc trong các lò luyện thi,

(2) Chuẩn bị khăn gói đi thi,

(3) Mỗi học sinh chỉ thi được ở 2 trường trong khi phải tốn tiền nộp đơn cho nhiều trường, gây tình trạng ảo.

- Phụ huynh không còn tốn tiền nhiều như hiện nay nữa:

(1) Không còn học ôn thi cấp tốc hoặc dài hạn nữa;

(2) Không tốn kém chi phí cho con em đi thi tuyển sinh và mình theo hộ tống.

(3) Sau khi có kết quả được Trung Tâm Khảo thí gần nhà nhất cấp “Chứng chỉ trình độ sẵn sàng vào ĐH-CĐ” có ghi rõ “Kết quả điểm thi” thí sinh mới được cho nộp đơn xin xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Có thể nộp đơn cho bao nhiêu trường ĐH-CĐ tuỳ ý, không giới hạn.

- Thí sinh nộp đơn xin dự thi trong khi chưa biết đậu rớt Tú tài, mỗi người được nộp nhiều hồ sơ cho nhiều trường, nhưng đến ngày thi chỉ thi được tại 1 trường trong mỗi đợt gây tình trạng thí sinh ảo rất lớn, rất tốn kém cho thí sinh và rất tốn kém cho các trường tổ chức thi.

- Học sinh nộp đơn tại nhiều trường để xin xét tuyển, cơ may sẽ được một trường chọn. Sẽ xảy ra nhiều trường hợp ảo, nhưng không tốn kém như hiện nay. Thí sinh nào không có mặt vào ngày qui định thì kể như đã vào học ở trường khác.

 

- Khủng hoảng nhà trọ cho sĩ tử và phụ huynh

- Không còn khủng hoảng nhất thời về nhà trọ nữa.

- Phụ huynh “ăn bụi ngủ bờ” từng giờ lo lắng cho con em mình.

- Không còn cảnh phụ huynh “ăn bụi ngủ bờ” như hiện nay nữa.

- Bài thi trắc nghiệm luôn luôn có trường hợp “học tài thi mạng,” thí sinh sẽ nhắm mắt trả lời a, b, c, d theo may rủi, không cần tính toán! Và thực tế đã có những thí sinh đậu khi trình độ không đạt.

- Giảm thiểu tình trạng “học tài thi mạng” vì mỗi thí sinh nộp đơn đều phải làm bài tự luận và, người được chọn vào vòng trong sẽ được phỏng vấn sau đó, nên không thể có trường hợp chọn không đúng người.

- Kết quả tuyển sinh: xét lần lượt theo theo nguyện vọng 1, rồi lại chờ đến NV2, rồi lại chờ đến NV3, rất bất tiện, nhà trường không tổ chức một ngày khai giảng thống nhất được. Nhóm NV3 vào học trễ hơn NV1 ít nhất 3 tuần lễ.

- Các trường công bố kết quả xét tuyển, và Bộ GD-ĐT qui định ngày SV trúng tuyển đến đăng ký nhập học. Đúng ngày đó, SV ảo nào không đến trường này thì có nghĩa là SV đó đã chọn một trường khác trong số những trường đã nộp đơn.

- Tổng hợp lại: kiểu tổ chức tuyển sinh như “3 chung” đã gây tốn kém quá lớn cho ngân sách quốc gia, ngân sách của từng hộ gia đình, và cho toàn xã hội, nhưng lại không chọn thật đúng đối tượng vào học.

- Giảm đến mức tối thiểu các tốn kém của ngân sách quốc gia và ngân sách từng gia đình. Nhiều dịch vụ trong xã hội (luyện thi, coi thi, bán hàng, nhà trọ, giao thông, v.v.) sẽ mất cơ hội làm ăn vì không còn tuyển sinh “3 chung”.

Tôi chắc chắn quy trình tuyển sinh cải tiến, thực chất là qui trình xét tuyển vào đại học từ kết quả “Chứng chỉ trình độ sẵn sàng vào ĐH-CĐ” sẽ xảy ra một cách hợp lý hơn kiểu tuyển sinh “3 chung”. Đặc điểm lợi ích của qui trình xét tuyển là:

Đối với thí sinh và gia đình:

 
 
GS-TS Võ Tòng Xuân, Anh hùng Lao động, được biết đến nhiều nhất nhờ sự đóng góp của ông giúp đưa Việt Nam từ một nước nhập khẩu gạo thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới.

Ông từng giữ các chức vụ: Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL; Hiệu trưởng ĐH An Giang và hiện là quyền Hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ.

Giáo sư đang đảm đương chương trình trồng lúa ở châu Phi, chương trình “4 nhà và cây lúa”, chương trình cây mía ở Tây Ninh, dự án khu công nghệ cao ở Hậu Giang.


Giáo sư nhận rất nhiều danh hiệu, trong đó có Huy chương Công trạng Nông nghiệp Pháp, Bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada về "Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới", Nikkei Châu Á về Tăng trưởng Vùng. 

Ngoài ra, ông cũng là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, như Quỹ Rockefeller, Viện Quản lý châu Á và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế…
Chọn trường và nộp đơn: học sinh không còn chọn trường theo kiểu “tỉ lệ chọi” nữa, mà phải chọn trường có đúng ngành mình thích. Nộp đơn theo mẫu của trường, đính kèm “Chứng chỉ trình độ sẵn sàng vào ĐH-CĐ”.
Tuỳ những đòi hỏi cá biệt của từng trường đại học, rất có thể trường yêu cầu mỗi ứng viên phải làm một bài tự luận về ngành nghề mình chọn (kể lại quá trình vượt khó của anh/chị để học xong THPT;  tại sao anh/chị thích chọn ngành này; dự kiến sẽ sử dụng kiến thức và kỹ năng về ngành này vào những việc gì…).
Mỗi học sinh có thể nộp đơn cho nhiều trường có dạy về ngành này, không chỉ nộp cho một, hai trường (1 trường thi đợt 1, 1 trường thi đợt 2) mà thôi như hiện nay.

Đối với trường đại học:

Trường đại học cũng không còn nhận sinh viên theo kiểu “tỉ lệ chọi, khối thi bất hợp lý” như hiện nay, mà sẽ chọn đúng người cho từng ngành học. “Hội đồng xét tuyển” của mỗi trường sẽ lần lượt xét điểm thi tốt nghiệp THPT theo yêu cầu ngành học.
Ví dụ, ngành Tin học sẽ chọn trong số học sinh giỏi Toán, Lý và Anh văn; ngành Kinh tế sẽ chọn học sinh giỏi Toán, Anh văn, Ngữ văn, thay vì chỉ chọn được học sinh Khối A gồm Toán, Lý, Hoá như hiện nay).
Kế đó, những giám khảo thuộc ngành chuyên môn nào sẽ đọc các bài tự luận của ứng viên ngành đó để chọn những bài xuất sắc nhất để xếp hạng với các điểm thi kia.
Những ứng viên trúng tuyển sẽ được xếp theo điểm thi THPT và điểm bài tự luận, xếp từ cao xuống thấp, và sau cùng sẽ được phỏng vấn trực tiếp.
Tất cả các trường công bố kết quả xét tuyển cùng thời điểm, và mỗi ứng viên trúng tuyển phải đến trường đăng ký vào thời hạn chót mà các trường qui định.
Sau thời hạn chót đó mà ứng viên trúng tuyển không đến đăng ký tại trường này, được hiểu là họ đã đến đăng ký tại một trường khác rồi, vì có thể là ứng viên đã được trúng xét tuyển bởi nhiều trường. Mỗi ứng viên, do đó phải tự quyết định sẽ gút lại muốn học ở trường nào, rồi đến đăng ký cho đúng hạn.
Quy trình đổi mới xét tuyển vào đại học trên đây đưa đến nhiều lợi ích cho toàn xã hội. Từ bỏ kiểu tuyển sinh “3 chung” chuyển sang qui trình xét tuyển như trên sẽ đem lại sự bình an và công bằng xã hội, giảm tốn kém ngân sách từng gia đình và ngân sách quốc gia, và sinh viên sẽ học đúng ngành nghề mình yêu thích cũng như các trường cũng chọn được đúng sinh viên mình cần đào tạo.
Tôi tin tưởng sự đổi mới qui trình thi cử của hệ thống giáo dục Việt Nam như mô tả trên đây, Việt nam sẽ đào tạo thật hữu hiệu những nhân tài để tham gia xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

NGND, GS-TS Võ Tòng Xuân

Độc giả có đồng ý với quan điểm của tác giả? Hãy gửi ý kiến bình luận cho chúng tôi theo ô thảo luận cuối bài viết để làm sáng tỏ vấn đề rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai đất nước này. 
Bình luận
vtcnews.vn