Ở Việt Nam, mỗi ngày có 9 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung (theo số liệu mới nhất của Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình (RaFH) phối hợp với Quỹ Ung thư CTC Australia). Cứ khoảng 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung. Mỗi năm, có trên 5.000 trường hợp mắc và hơn 2.000 trường hợp tử vong vì bệnh này. Thủ phạm gây bệnh là HPV (human papillomavirus). Đây là virus có hàng trăm tuýp khác nhau, nhưng có 4 tuýp gây nguy hiểm hơn cả là HPV 6, 11, 16 và 18.
CỨ YÊU KHÔNG AN TOÀN LÀ "DÍNH" HPV?
Đúng vậy, HPV lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua da. Một số trường hợp lây nhiễm HPV do dùng chung dụng cụ cắt móng, quần áo, khăn tắm song rất hiếm gặp. Một số ít khác lây từ mẹ sang con khi người mẹ bị nhiễm HPV trước lúc sinh con.
Dù "áo mưa" có thể giúp ngăn ngừa phần lớn khả năng nhiễm HPV, nhưng không thể đạt hiệu quả 100%. Khác với HIV lây qua đường máu, dịch cơ thể (tinh dịch, dịch âm đạo), HPV chỉ cần tiếp xúc qua da, nơi có u nhú là có thể lây nhiễm ngay. Vì thế, khi "yêu" không theo con đường truyền thống mà "yêu" bằng tay, miệng, "cửa sau" và tiếp xúc với nơi có u nhú, bạn và chồng sẽ dễ lây HPV cho nhau.
HPV dễ dàng lây nhiễm khi quan hệ bằng tay, miệng, "cửa sau"... |
HPV NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO?
50% người trong độ tuổi có quan hệ chăn gối sẽ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời, theo tiến sĩ - bác sĩ Cao Hữu Nghĩa, thuộc Viện Pasteur TP.HCM. Nếu cơ thể khỏe mạnh, bạn sẽ tự sạch nhiễm. Với người kém may mắn, HPV sẽ tồn tại gây mụn cóc và các loại ung thư.
Bốn tuýp HPV nguy hiểm nhất là HPV 6, 11 (gây mụn cóc) và HPV 16, 18 (gây ung thư cổ tử cung, âm đạo). Do HPV không đi vào máu nên khi cơ thể nhiễm sẽ không tự sinh kháng thể, và sẽ bị nhiễm lại khi tiếp xúc với nó. Việc tái nhiễm sẽ tăng nguy cơ ung thư. Tuy vậy, bạn có thể phòng HPV nhờ tiêm vaccine.
THỜI ĐIỂM NÀO NÊN CHÍCH NGỪA HPV?
Nhiều người bỏ qua phương pháp chích ngừa vì nghĩ rằng lỡ "yêu" rồi thì chích làm chi. Tuy nhiên, theo thạc sĩ - bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh, thuộc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bé gái hay phụ nữ nên chích ngừa HPV vào độ tuổi từ 9-26, dù có quan hệ tình dục hay chưa.
Dù đã có quan hệ tình dục, bạn gái dưới 26 tuổi vẫn nên chích ngừa HPV. |
Thực tế cho thấy chích ngừa HPV mang lại hiệu quả ngừa bệnh đến 99%. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có quan hệ tình dục, thậm chí đã bị nhiễm HPV, thì việc chích ngừa HPV vẫn có tác dụng. Chích ngừa HPV sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa các tuýp HPV chưa mắc. Bên cạnh đó, cơ thể cũng khỏe mạnh hơn, giúp mau hết nhiễm với tuýp HPV đã mắc và phòng tái nhiễm.
Thực tế lâm sàng cho thấy, ngay cả với những người mắc HPV và có mức độ CIN 2-3 (mức độ loạn sản 2 và 3) khi làm xét nghiệm Pap smear, thì việc chích ngừa HPV vẫn có hiệu quả, giúp bệnh nhân mau lành tổn thương và phòng chống ung thư.
LƯU Ý KHI CHÍCH NGỪA HPV
Tiến sĩ - bác sĩ Cao Hữu Nghĩa khuyên rằng, khi tiêm vaccine bạn cần có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh cấp tính hay đang sốt. Vaccine ngừa HPV chỉ có tác dụng phụ tại chỗ như sưng, nóng, đỏ, đau ở vết tiêm. Một số ít trường hợp có thể bị nổi mẩn hay ngứa, nhưng các triệu chứng này sẽ giảm dần và mất hẳn. Sau khi tiêm, bạn cần theo dõi tại địa điểm tiêm trong 30 phút và tiếp tục theo dõi các ngày sau đó tại nhà.
Tiêm ngừa HPV gồm 3 mũi: chích mũi thứ nhất, 2 tháng sau chích mũi thứ hai, 4 tháng tiếp theo chích mũi thứ ba. Với người có quan hệ tình dục, sau khi tiêm, vẫn cần thực hiện sàng lọc tế bào âm đạo (xét nghiệp Pap smear) định kỳ mỗi sáu tháng.
Tổng thời gian để chích xong 3 mũi HPV là 6 tháng.
Vaccine tứ giá ngừa HPV giúp phòng ngừa 4 tuýp HPV 6, 11, 16, 18 và được chỉ định để ngừa ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, mào gà sinh dục và ung thư hậu môn ở nam giới. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine này ngừa:
- 99% các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung liên quan đến HPV 16, 18 và ung thư cổ tử cung không xâm lấn.
- 95% trường hợp loạn sản cổ tử cung mức độ thấp và tổn thương tiền ung thư gây ra bởi HPV 6, 11, 16 hay 18.
- 99% trường hợp sùi mào gà sinh dục gây ra bởi HPV 6 và 11.
Lam Dung
Bình luận