• Zalo

Muốn tăng thu thuế, phải tạo điều kiện để người nộp tự giác

Kinh tếThứ Ba, 28/10/2014 03:56:00 +07:00 Google News

Biện pháp quan trọng nhất để tăng thu thuế là phải tạo điều kiện để người dân tự giác trong việc nốp thuế.

(VTC News) –  Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, biện pháp quan trọng nhất để tăng thu thuế là phải tạo điều kiện để người dân tự giác trong việc nốp thuế.

Kiên trì mục tiêu cải cách thuế

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), hiện nay tỷ lệ động viên từ thu thuế trong ngân sách nhà nước (NSNN) chiếm khoảng 25%, trong đó số thu từ dầu thô khoảng 8-9%.

“Rõ ràng chúng ta làm ra chưa đủ để chi tiêu, nền kinh tế tích luỹ đóng góp cho thuế chưa đáng kể và đang ăn vào tài nguyên”, ông Phụng bình luận.

Tuy nhiên cũng theo ông Phụng, trong giai đoạn từ 2008 đến 2010, số thu ngân sách trừ dầu thô đã tăng từ 18,4% lên 20,6%, cho thấy ngân sách đã giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên.

Cũng theo lãnh đạo của Tổng cục Thuế, cơ cấu thu thuế sẽ thay đổi theo hướng tăng nguồn thu nội địa, phấn đấu đến năm 2015 thu nội địa chiếm 70% thu NSNN, và đến 2020 đạt trên 80%.
Cần tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp có ý thức tự giác trong kê khai, nộp thuế  (Ảnh minh họa)

Cùng với đó tốc độ tăng thu bình quân mà Tổng cục Thuế đã đặt ra là 16-18%/năm, nhưng do mấy năm nay kinh tế khó khăn nên đều không đạt tới tốc độ này. Ngay trong dự toán năm 2015 mục tiêu đặt ra là tăng thu 14% so với năm trước, song cũng được dự báo là sẽ thực hiện vô cùng chật vật.

Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cũng khẳng định sẽ kiên trì với các mục tiêu đã đặt ra thông qua thực hiện cải cách thuế giai đoạn 4. Trong đó định hướng xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, thống nhất công bằng, hiệu quả, phù hợp thể chế, với mức động viên hợp lý, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước, để thuế trở thành một trong những công cụ quản lý vĩ mô hiệu quả, hiệu lực.

Tỷ lệ huy động thu NSNN và tỷ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí trên GDP ở mức hợp lý theo hướng giảm mức động viên về thuế trên một đơn vị hàng hoá, dịch vụ để khuyến khích cạnh tranh, tích tụ vốn cho sản xuất kinh doanh.

Điều này cũng hàm ý rằng các gánh nặng về thuế sẽ giảm dần theo hướng giảm tỷ lệ thu trên một đơn vị hàng hoá, thu hẹp các loại thuế phí, cũng như cải cách thủ tục hành chính về thuế…

Hiện nay, hệ thống thuế Việt Nam có 10 loại thuế, 2 loại tiền sử dụng đất và thuê đất, cùng gần 300 khoản phí và lệ phí.

Chia sẻ kinh nghiệm thu thuế

Cùng chia sẻ kinh nghiệm quản lý thuế với Việt Nam, GS. TS Xing Li, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tài khoá, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, quá trình cải cách thuế ở quốc gia này tới nay đã đạt được những thành công nhất định và có thể rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.
 
Bà Xing Li cho biết, cơ quan thuế của Trung Quốc hiện quản lý 18 loại thuế lớn và hoàn toàn không có phí, lệ phí. Đồng thời để đồng bộ về cơ cấu thuế, Trung Quốc đã nhiều lần điều chỉnh để cân bằng mức thuế giữa các đối tượng, chẳng hạn đánh thuế ngang bằng thuế TNDN giữa DN tư nhân và DN nước ngoài, thống nhất chế độ thuế giữa thành thị và nông thôn…

Đồng tình với cách làm này của phía Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết Việt Nam cũng đang tiến hành cải cách việc quản lý phí và lệ phí. Theo đó cùng với xã hội hoá đầu tư công, nhiều khoản phí và lệ phí sẽ chuyển giao dần cho tư nhân quản lý.

“Hành lang pháp lý cho loại hình này cũng đang hình thành khi cơ quan quản lý đang xây dựng luật phí và lệ phí để thay thế cho pháp lệnh. Danh mục phí lệ phí sẽ ít đi rất nhiều”, ông Phụng khẳng định.

Ngoài ra, cơ cấu thuế thời gian tới cũng sẽ có nhiều thay đổi. Cụ thể như số thu từ dầu thô giảm dần. Số thu từ thuế xuất nhập khẩu dự kiến cũng giảm một phần do giảm thuế quan theo các quy định của WTO, đặc biệt là sự cắt giảm mạnh mẽ của thuế ô tô. Sự đóng góp khá ổn định từ thuế TNDN (trừ dầu thô) và thuế TTĐB, là hai sắc thuế giữ nguồn thu tương đối ổn định dù không cao nhất. Thuế tài sản, tài nguyên đóng góp rất ít. Thuế GTGT đóng vai trò ngày càng quan trọng. Thuế TNCN cũng đang tăng lên từ một xuất phát điểm thấp.

Bà Xing Li cho biết, Trung Quốc rất muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam ở việc thu thuế TNCN bởi đây được đánh giá là sắc thuế phức tạp và tốn nhiều công sức nhất để quản lý. Song việc tăng thu loại thuế này thời gian qua tại Việt Nam cho thấy cơ quan thuế đã đạt được thành công bước đầu.

Ông Phụng chia sẻ, người nộp thuế TNCN gồm 3 đối tượng chính. Trong đó người làm công ăn lương khấu trừ tại nguồn, với người có nhiều nguồn thu nhập thì cuối năm thanh toán.

Người làm kinh doanh cũng quản lý theo cách tương tự, kê khai doanh thu trừ đi chi phí. Song đặc điểm riêng của Việt Nam là có hội đồng tư vấn thuế xã phường, có thành phần cả người kinh doanh và cơ quan tại địa phương giám sát cho Chính phủ.

Đối tượng thứ 3 là chuyển nhượng BĐS, trước đây đánh thuế 4%, song hiện đã hạ xuống 2% để người dân tự giác kê khai. Cùng với đó, giá tính thuế cũng được quy định theo giá của chính quyền địa phương chứ không phải giá giao dịch (thường cao hơn giá quy định). Nhờ đó người dân tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế.  

Khanh Đoàn

Bình luận
vtcnews.vn