Ralf Rangnick ưa thích những cầu thủ trẻ và đủ thể lực để đáp ứng cường độ vận động cao. Đó lại không phải những đặc điểm của Cristiano Ronaldo ở tuổi 36.
Điều làm nên tên tuổi của HLV Rangnick ở châu Âu không phải những danh hiệu. Công trình lớn nhất của ông là xây dựng nên 2 thế lực của bóng đá Đức từ con số không – Hoffenheim và RB Leipzig. Nhưng, Rangnick chưa bao giờ dẫn dắt một đội bóng lớn.
Một CLB tầm cỡ như Manchester United có những vấn đề mà chỉ nhìn vào cũng thấy được sự xung đột với những triết lý của nhà cầm quân người Đức. Đó là sự góp mặt của các ngôi sao mà đôi khi chiến thuật và hệ thống được xây dựng để phục vụ họ, chứ không phải ngược lại. Cristiano Ronaldo là một ví dụ.
Các cổ động viên Man Utd có thể hình dung ra được đội bóng của họ chơi theo kiểu của Liverpool – đội vừa đánh bại Quỷ đỏ tới 5-0 ngay tại Old Trafford cách đây chưa lâu.
Rangnick được gọi là “cha đẻ” của triết lý gegenpressing, thứ bóng đá ở cường độ cao, đòi hỏi các cầu thủ phải chạy rất nhiều và gây sức ép một cách có hệ thống để đoạt lại bóng trong chân đối thủ. Trong quan điểm của Rangnick, không có thứ gọi là “gây áp lực một chút”.
Điều đó đồng nghĩa với việc không có Ronaldo.
Siêu sao người Bồ Đào Nha là cầu thủ thực hiện pressing ít nhất trong số các tiền đạo thi đấu thường xuyên ở Ngoại Hạng Anh mùa này. Đó là đặc điểm của Ronaldo. Anh vốn không phải một cầu thủ chăm pressing, từ khi còn trẻ.
“Khi Ronaldo chơi ở vị trí trung phong, đội bóng sẽ không thể áp sát từ tuyến đầu. Do vậy, ý tưởng cho Man Utd chơi theo áp sát với Ronaldo đứng cao nhất sẽ không bao giờ thành hiện thực. Cậu ấy đã không làm thế từ 10, 15 năm trước rồi”, cựu đội trưởng Man Utd Gary Neville bình luận từ cách đây 2 tháng.
Sau 9 lần ra sân ở Ngoại Hạng Anh mùa này, Ronaldo chỉ thực hiện tổng cộng 39 lần gây áp lực cho cầu thủ cầm bóng của đối phương. Cùng số phút thi đấu nhưng Roberto Firmino – một tiền đạo điển hình của một đội bóng điển hình theo phong cách gegenpressing – có thống kê cao gấp gần 3 lần con số đó.
Cách đây vài năm khi còn dẫn dắt RB Leipzig, HLV Rangnick từng nói đùa một câu về việc không muốn có Ronaldo, và cả Lionel Messi, trong đội hình. “Thật vô lý khi nghĩ đến chuyện làm việc với họ ở đây. Họ đã lớn tuổi, và đắt nữa”, vị chuyên gia người Đức bình luận.
Một trong những quy tắc quan trọng khi xây dựng đội bóng của HLV Rangnick trước đây là ưu tiên những cầu thủ trẻ, thậm chí là chỉ ký hợp đồng với cầu thủ từ 23 tuổi trở xuống (khi dẫn dắt Hoffenheim). Lý do là các cầu thủ trong tay Rangnick cần phải ở lứa tuổi sung sức nhất để có thể đáp ứng được cường độ vận động cao và không ngừng nghỉ trong mọi trận đấu.
Ronaldo ở tuổi 36 vẫn duy trì được trạng thái thể chất đáng nể đủ để anh tiếp tục chơi bóng đỉnh cao. Tuy nhiên, khó có thể đòi hỏi ngôi sao này chạy nhiều như những đàn em cỡ Marcus Rashford, Jadon Sancho hay Mason Greenwood, kể cả khi anh muốn làm như vậy.
Tuy nhiên, Man Utd và Ronaldo là trường hợp rất khác so với những đội bóng mà Rangnick từng nắm quyền trước đây. Để áp dụng thành công triết lý của mình, nhà cầm quân người Đức đòi hỏi quyền lực cao nhất ở đội bóng. Ông từng từ chức ở Schalke 04 vì ban lãnh đạo CLB thực hiện một vụ chuyển nhượng mà không hỏi ý kiến.
Ronaldo luôn là ngôi sao lớn nhất ở mọi đội bóng mà anh khoác áo. Tầm ảnh hưởng của anh trong một vài hoàn cảnh thậm chí còn lớn hơn cả HLV trưởng. Đối với một HLV tạm quyền, không sử dụng Ronaldo có thể gây ra những phản ứng khó lường trong nội bộ và cả những sức ép từ bên ngoài.
Dẫu vậy, ở một góc độ khác, Ronaldo cũng mang đến cho HLV Rangnick những điểm khác so với các CLB trước đây của ông. Đó là hiệu quả tính bằng bàn thắng – thứ trực tiếp mang về điểm số cho một đội bóng.
Một phần ba số bàn thắng của Man Utd mùa này được ghi bởi Ronaldo, hầu hết trong số đó là mở tỉ số, gỡ hòa hoặc đưa đội nhà vượt lên. Nếu không có các bàn thắng của CR7, Quỷ đỏ lúc này đang đứng cuối bảng ở Champions League.
Ronaldo đánh đổi cường độ vận động để có những bàn thắng. Hiệu suất ghi bàn của một chân sút hàng đầu châu Âu là điều đáng để các HLV của Real Madrid, Juventus và cả Ole Gunnar Solskjaer sẵn sàng chấp nhận hi sinh một vị trí trong hệ thống gây áp lực. Rangnick chưa bao giờ có trong tay một cầu thủ như vậy và câu hỏi dành cho vị HLV tạm quyền mới đến này là liệu anh ta có xứng đáng với một ngoại lệ hay không.
"Cha đẻ" của gegenpressing đã tạo ra một hệ thống gây sức ép đồng bộ với 11 cầu thủ. Ở Man Utd, Rangnick sẽ kiên trì với triết lý nổi tiếng của mình hay sẽ điều chỉnh một chút để biến nó thành một hệ thống 10 người cộng thêm Ronaldo?
Bình luận