Chiêu trò của bọn lừa đảo
Chị Hương Giang, cư trú tại phố Giảng Võ, quận Đống Đa, Hà Nội, gần đây đã liên tục nhận các cuộc gọi yêu cầu xuống nhận hàng từ những đối tượng mập mờ về địa chỉ gửi và yêu cầu chuyển khoản tiền trước. Nghi ngờ sự mờ ám, chị Giang quyết định trả tiền mặt sau khi kiểm tra hàng tại địa chỉ. Nghe vậy, kẻ mạo danh shipper liền cúp máy, để lộ rõ dấu hiệu lừa đảo.
Đầu tháng 10/2024, Công an TP Hà Nội đã tạm giữ Phan Văn Tùng, sinh năm 1998, trú tại Thanh Trì, Hà Nội, để điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc giả mạo làm shipper giao hàng. Tùng khai nhận đã lợi dụng kinh nghiệm làm nhân viên giao hàng để đánh lừa khách hàng, chiếm đoạt hơn 130 triệu đồng từ hàng trăm nạn nhân, bằng cách giả mạo là nhân viên giao hàng và yêu cầu chuyển tiền qua ngân hàng.
Tương tự, Công an phường Bồ Đề, quận Long Biên tiếp nhận tin trình báo của bà H (sinh năm 1958, hộ khẩu thường trú Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) về việc bà bị đối tượng giả danh shipper lừa đảo gọi điện nhận hàng. Do không có nhà nên bà đã chuyển khoản tiền hàng cho đối tượng. Tuy nhiên, đối tượng gọi lại báo chưa nhận được tiền rồi hướng dẫn bà nhấn vào đường link đối tượng gửi. Khi làm theo hướng dẫn xong, bà H phát hiện 2 tài khoản ngân hàng bị mất gần 100 triệu đồng.
Theo Công an thành phố Hà Nội, thủ đoạn của các đối tượng là thu thập thông tin người dân trên trang mua hàng online; mua thông tin khách hàng qua các phiên livestream trên mạng xã hội; truy cập trang mua hàng trên nền tảng mạng xã hội…
Sau đó, đối tượng giả danh là nhân viên giao hàng của các đơn vị giao hàng uy tín gọi điện hỏi khách có nhà không. Do bận hoặc không có ở nhà để nhận hàng và số tiền thanh toán không lớn nên khách hàng dễ dàng đồng ý chuyển khoản thanh toán cho đối tượng. Sau khi người dân chuyển khoản thành công, các đối tượng thông báo chưa nhận được tiền hoặc có sự nhầm lẫn số tài khoản, hệ thống tự động trừ 3 - 3,5 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của khách hàng.
Nạn nhân muốn lấy lại tiền, đối tượng gửi đường link liên kết đến trang web và số điện thoại giả mạo của đơn vị giao hàng để liên hệ.Khi người dân bấm vào đường liên kết giả mạo sẽ có nguy cơ điện thoại bị nhiễm mã độc, chiếm đoạt thông tin cá nhân quan trọng và mất quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử dẫn đến đối tượng dễ dàng lấy cắp tiền.
Bên cạnh việc giả mạo shipper, các doanh nghiệp bưu chính cũng bị lợi dụng để lừa đảo tuyển dụng. Vietnam Post trong hai tháng gần đây liên tục đưa ra cảnh báo trên các kênh chính thức về việc bị giả mạo thương hiệu. Vietnam Post khuyến cáo khách hàng không nên làm theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo và không truy cập vào các đường link lạ.
Để bảo vệ khách hàng, Vietnam Post và Viettel Post đã triển khai giải pháp định danh cuộc gọi của bưu tá. Quá trình định danh cuộc gọi đã mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn lừa đảo. Là chủ một cửa hàng online, chị L.T.S thường xuyên nhắc nhở khách hàng cảnh giác và kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển khoản hoặc thực hiện bất kỳ giao dịch nào qua shipper giả mạo. Chị cũng khuyến cáo khách hàng yêu cầu shipper chụp ảnh gói hàng, vận đơn để xác nhận với cửa hàng.
Những cảnh báo này là lời nhắc nhở quan trọng cho mọi người nhằm nâng cao nhận thức và bảo vệ tài sản trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi.
Cảnh giác những bất thường
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), gần đây có sự gia tăng các website giả mạo thương hiệu như Giao Hàng Tiết Kiệm, Tiki, Shopee, Lazada nhằm lừa đảo người tiêu dùng.
Ông Vũ Ngọc Sơn, chuyên gia từ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cho biết nguyên nhân khiến nhiều người bị lừa đảo là do tâm lý cả nể, thương tình đối với shipper. Lợi dụng điều này, các đối tượng đã tinh vi dẫn dụ nạn nhân rơi vào bẫy của chúng. Để phòng ngừa, ông Sơn khuyến nghị người dùng nên quản lý chặt chẽ đơn hàng của mình, chỉ nên liên lạc với shipper qua app chính thức của nhà cung cấp dịch vụ, và tránh truy cập các liên kết không rõ ràng.
Một phương pháp hiệu quả là các doanh nghiệp nên kết hợp biện pháp định danh cuộc gọi của shipper với ứng dụng giao hàng, giúp người dùng dễ dàng theo dõi đơn hàng và thông tin liên hệ của nhân viên giao hàng.
Ngoài ra, ông Sơn cũng cảnh báo về cạm bẫy từ các cuộc gọi lừa đảo tự xưng là nhân viên giao hàng yêu cầu người nhận chuyển khoản thanh toán COD. Sau khi chuyển tiền, nạn nhân được yêu cầu truy cập vào đường link giả mạo để hủy đăng ký hội viên, điều này có thể dẫn đến việc bị đánh cắp thông tin cá nhân và tiền từ tài khoản ngân hàng.
Cuối cùng, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân hãy cảnh giác với thông tin không rõ nguồn gốc và luôn xác minh thông tin qua các kênh chính thống để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.
Bình luận