• Zalo

Muôn kiểu 'bình dân hóa' dịch vụ ăn chơi chốn Sài thành

Thời sựThứ Ba, 18/06/2013 07:32:00 +07:00Google News

Các loại tệ nạn xã hội được ví là bầu sữa để dung dưỡng tội phạm.

Các loại tệ nạn xã hội được ví là bầu sữa để dung dưỡng tội phạm.

Bởi từ đây phát sinh ra vấn nạn bảo kê, cho vay nặng lãi, mua bán trái phép chất ma túy, hoạt động mua bán dâm, đâm thuê chém mướn, thanh toán giữa các băng nhóm giang hồ…

Ở chiều hướng ngược lại, các điểm tệ nạn xã hội (TNXH) còn là nơi kiếm tiền của các ông trùm, điểm đến của những tên tội phạm và nơi “dừng chân” của những thành phần bất hảo trong xã hội.

Chính vì vậy mà một trong những giải pháp phòng chống tội phạm hiệu quả là phải triệt xóa các tụ điểm TNXH để trong sạch hóa địa bàn. Thế nhưng, TNXH ở TP HCM vẫn đang là vấn đề nhức nhối.


cà phê chòi, ăn chơi, thác loạn, sài thành, tệ nạn xã hội
Một cà phê chòi ở miệt ngoại thành 

Khủng hoảng kinh tế kéo dài ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân nhất là người lao động có thu nhập thấp. Không có tiền thì những cuộc chơi xa xỉ không thể diễn ra.

Nắm bắt được thực tế đó, nhiều đối tượng kinh doanh có đầu óc đen tối đã “bình dân hóa” các dịch vụ ăn chơi như cà phê, hớt tóc thanh nữ… để phục vụ cho đối tượng này. Hiện loại hình này xuất hiện nhiều ở những vùng ven, ngoại thành TP HCM như quận 8, Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú…


Qua những ngày đi thực tế, chúng tôi mới lý giải được vì sao các quán cà phê kích dục, hớt tóc thanh nữ vẫn tồn tại một cách ngang nhiên dù hoạt động hết sức công khai, rầm rộ.

Trên những nẻo đường… dụ khách!


Đặc điểm chung của các quán cà phê kích dục, hớt tóc thanh nữ, gội đầu nam mọc lên rất nhiều tại các quận, huyện ngoại thành, địa bàn giáp ranh là giá rất “mềm” và vừa túi tiền của người lao động nghèo. Tuy nhiên, những “thượng đế” này cũng được phục vụ chẳng khác nào những người lắm tiền nhiều của.

Con đường An Dương Vương giáp ranh giữa phường 10, quận 6 và phường An Lạc, quận Bình Tân là nơi tập trung nhiều hộ dân sinh sống bằng nghề lao động phổ thông đến từ khắp các tỉnh, thành. Tuy là con đường nhầy nhụa bùn đất, hai bên bị lấn chiếm bởi các chợ tự phát nhưng suốt chiều dài đoạn đường có đủ kiểu quán xá bình dân để phục vụ cho nhu cầu ăn chơi của “thượng đế” bình dân.

Đặc điểm của các quán cà phê trá hình nơi này cũng giống như các nơi khác và rất dễ nhận ra. Đó là vài chiếc bàn được kê chỏng chơ, phía trước đặt vài cây cao kiểng che khuất tầm nhìn của người đi đường; bên trong quán ánh đèn mờ ảo, đỏ xanh với một căn nhà ẩm thấp được ngăn thành nhiều phòng nhỏ bằng vật liệu thô sơ. Để thu hút khách, các tiếp viên ở đây ăn mặc “mát mẻ” đến độ không thể “mát” hơn để bù lại cho nhan sắc thuộc dạng “hàng quá đát”.

Tấp vào quán cà phê P.T. chúng tôi được 5-6 tiếp viên rôm rả mời chào, nói năng dẻo ngọt như đã quen nhau từ kiếp trước. Không rào trước đón sau như những quán khác, cô tiếp viên tên Thủy vừa đặt hai chai nước ngọt xuống bàn liền kéo ghế ngồi gần chúng tôi rồi hôn lấy hôn để: “Uống xong chai nước hai anh vào mát-xa luôn nhé. Ở đây giá cả bình dân mà em út nhiệt tình lắm, cả tiền nước và mát-xa chỉ có một trăm ngàn à! Nếu hai anh muốn tới bến luôn thì cho tụi em thêm vài chục!”.

Tôi chưa kịp phản ứng gì thì Thủy đã vội quay đi để chào đón ba thanh niên mặc đồng phục công nhân có lẽ là khách quen của quán. Những người này bỏ qua công đoạn gọi nước uống mà đi thẳng vào trong quán để mát-xa. Cùng lúc đó tiếng bà chủ đong đỏng gọi tiếp viên vào phục vụ cho khách mối. Lúc đầu tôi còn nghe vài tiếng đấm bóp qua loa, sau đó thì im bặt…

Khoảng nửa tiếng sau, 3 người thanh niên bước ra rồi nhanh chóng rời khỏi quán như sợ ai đó thấy mình. Họ vừa đi, Thủy nắm tay chúng tôi kéo vào trong, tôi tỏ ra ngại ngùng: “Thôi chỗ này kỳ lắm, hẹn em ở nhà nghỉ nha?” Tôi vừa dứt lời Thủy liền cho số điện thoại rồi chỉ đến một nhà nghỉ gần đó: “Anh cứ tới nơi rồi gọi cho em. Giá em 2 xị (200.000 đồng), tiền phòng sáu chục ngàn anh lo, ok?”.

Tôi đồng ý. Bà chủ quán nghe vậy chen vào: “Hai em cho chị xin số điện thoại đi, khi nào có “hàng mới” chị sẽ gọi đến”. Tôi đọc bừa một điện thoại rồi cùng anh bạn lên xe vọt mất…

Rời đường An Dương Vương, chúng tôi tìm đến đường Nguyễn Thị Tú nằm trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa B (Bình Tân) vốn cũng là một “thiên đường” của tệ cà phê mại dâm. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, tuyến đường này còn xuất hiện hàng loạt tiệm hớt tóc, gội đầu nam bình dân.

Mỗi nơi có từ 5-7 cô gái ăn mặc hở hang, chẳng có tay nghề mà chủ yếu lấy kích dục để lôi kéo khách. Cùng với tuyến đường này, nhiều ngày liền dạo qua các tuyến đường Lê Văn Lương (quận 7); Tô Ký, quốc lộ 22 (Hóc Môn); Vành Đai Trong, Tên Lửa, Hương lộ 2, Tỉnh lộ 10, Hồ Học Lãm (Bình Tân); Tân Sơn (quận Gò Vấp); quốc lộ 50 (Bình Chánh); Phạm Thế Hiển (quận 8); Kha Vạn Cân (Thủ Đức) …chúng tôi phát hiện hàng loạt các quán cà phê đèn mờ, cà phê chòi mọc lên như nấm.

Một kiểu nhân rộng đáng sợ

Đặc điểm dễ nhận thấy của các quán cà phê, hớt tóc kích dục bình dân này là trông khá tồi tàn và thường nằm ở khu vực vùng giáp ranh để dễ dàng di chuyển qua lại khi bị kiểm tra. Còn các cô gái bán dâm hầu hết là hàng dạt từ các điểm tệ nạn ở nội thành hoặc đã “tuổi cao” (ngoài 30 tuổi) không còn phù hợp với loại hình bia ôm, mát-xa.

Đó là chưa kể nhiều cô đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ, bị nghiện ma túy nên chấp nhận buông xuôi cuộc đời. Thường thì “tú bà” thuê một địa điểm rẻ tiền rồi đặt vài cái bàn, phía bên trong có vài chiếc giường gội đầu cũ được ngăn bằng vải. Nếu khách muốn “đi” thì đến các nhà nghỉ quen gần đó. Hoạt động được một thời gian, nếu bị động thì chuyển sang địa điểm khác và cứ thế năm này qua tháng nọ.

Tuy không có chiêu để đối phó với cơ quan chức năng nhưng nhiều “trùm” tệ nạn bình dân thì có thừa thủ đoạn kể kiếm tiền từ những người đồng cảnh. Mà trường hợp của “trùm” tệ nạn tên Hồng, quê ở Bến Tre là một điển hình. Hồng trước đây là gái bia ôm nhưng sau khi cặp bồ với một “ma cô” thì chị ta bỏ nghề và kinh doanh bán cà phê.

Đôi vợ chồng này ban đầu cũng có ý định hoàn lương, song, với đầu óc đen tối dần dà họ nghĩ ra kiểu kinh doanh tệ nạn nhắm vào đối tượng bình dân. Thế là họ lân la tìm về ngoại thành, tập hợp lượng em út khá lớn để mở cùng một lúc ba quán cà phê kích dục ở Bình Chánh, Bình Tân và Hóc Môn.

Tuy nhiên, sau khi gầy dựng quán có khách tương đối đông, Hồng đã chuyển nhượng (bao gồm cả tiếp viên) hết cho người khác kiếm lời vài chục triệu đồng mỗi quán. Sau đó thị tiếp tục đi thuê mặt bằng mở quán rồi lại bán đi…

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì cách làm này của Hồng hiện nay đang rất được nhiều “trùm” tệ nạn học hỏi theo. Đây là một kiểu nhân rộng rất đáng sợ, nó lý giải tại sao trong những năm qua quán cà phê bình dân (trong đó có cà phê kích dục) ở TP HCM cứ ngày một bùng nổ trong khi đó theo “qui hoạch một số ngành nghề thương mại và dịch vụ trong lĩnh vực văn hoá – xã hội nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội” có từ năm 2004 thì hầu như các quận, huyện đã ngưng cấp phép hoặc cấp rất hạn chế.

Theo thống kê của UBND TP HCM hiện nay toàn TP có đến 7.638 quán cà phê nhạc, đó là chưa kể hơn ngàn quán cà phê hoạt động không phép đang tồn tại khắp nơi… Đó chính là một điều kiện để tệ nạn tồn tại và phát triển gây nhức nhối về ANTT trên địa bàn thành phố.




Theo CAND
Bình luận
vtcnews.vn