• Zalo

Muốn không mang tiếng 'ăn may', Bồ Đào Nha phải thành công ở World Cup 2018

World Cup 2018Thứ Bảy, 02/06/2018 06:52:00 +07:00Google News

World Cup 2018 sẽ là thước đo chính xác nhất cho sức mạnh của Bồ Đào Nha sau chức vô địch EURO 2016 mang đậm dấu ấn của "thần may mắn".

Từ xưa đến nay, bóng đá luôn tồn tại một quy luật bất tử: muốn tạo dựng kỷ nguyên thống trị, mọi đội bóng phải bắt đầu với một hoặc vài chức vô địch. Không đế chế nào trong lịch sử bóng đá không được khởi tạo từ vinh quang. Tuy nhiên, điều ngược lại không đúng. Không phải đội bóng nào đoạt chức vô địch cũng tạo dựng được kỷ nguyên thống trị.

Có những chiếc cúp chỉ đánh dấu "một phút huy hoàng" rồi chợt tắt, và lịch sử chứng kiến không ít đội bóng lên ngôi vô địch rồi xuống dốc không phanh sau đó. Hy Lạp vô địch EURO 2004 và vẫn chưa có ngày trở lại đỉnh cao. Italia lên ngôi ở World Cup 2006, trước khi chìm vào khủng hoảng. Năm nay, thậm chí đội bóng áo Thiên thanh còn phải ngồi nhà xem World Cup 2018 vì không vượt qua được vòng loại.

Chức vô địch không phải "bảo chứng" cho vinh quang. Bồ Đào Nha hiểu rõ, nhất là khi Cristiano Ronaldo cùng các đồng đội được khoác tấm bào của nhà vua trong sự hoài nghi tột độ của cả thế giới.

bodaonha

 Bồ Đào Nha có thực sự đẳng cấp?

Hệ thống tìm kiếm Google thậm chí còn "ưu ái" lưu giữ cho Bồ Đào Nha một cụm từ khóa nổi tiếng "lucky Portugal EURO 2016", tạm dịch là Bồ Đào Nha... ăn may ở EURO 2016. Cụm từ rất cồng kềnh, song có đến 277.000 kết quả trùng khớp. Sự may mắn của thầy trò HLV Fernando Santos là điều phổ biến đến mức... ai cũng thấy.

Bồ Đào Nha gặp may, bởi họ là đội bóng duy nhất có mặt ở vòng 1/8 mà không có chiến thắng nào ở vòng bảng. Thể thức lựa chọn 4/6 đội xếp thứ 3 xuất sắc nhất đã mở ra cho Bồ Đào Nha con đường sống, trong bối cảnh đội bóng được mệnh danh là "Brazil châu Âu" không thắng cả Iceland, Áo và Hungary. Ý tưởng mở rộng quy mô EURO lên 24 đội được khởi xướng bởi Michel Platini, và huyền thoại người Pháp đã khiến cả dân tộc phải đổ lệ khi vô tình trao tấm vé vớt cho Bồ Đào Nha.

Thậm chí, nếu Iceland không ghi bàn trong những phút cuối trong trận quyết đấu với Áo, Bồ Đào Nha sẽ đứng nhì bảng và phải nằm chung nhánh với toàn những người khổng lồ như Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha hay Anh. Thay vào đó, vị trí thứ 3 giúp đội bóng của HLV Santos chỉ phải gặp Ba Lan, Xứ Wales hay Croatia - những đối thủ dù không yếu, song cũng bớt "gai góc" hơn nhánh đấu bên kia.

Nhìn lại hành trình của Bồ Đào Nha ở EURO 2016, người ta có thể tìm ra hàng trăm chữ "nếu" để đội bóng này không thể vô địch. Điều đó chỉ khiến chức vô địch của Bồ Đào Nha thêm phần huyền bí và vinh quang hơn.

Bồ Đào Nha lên ngôi vô địch với duy nhất 1 trận thắng trong 90 phút chính thức (hạ Xứ Wales 2-0). Còn lại, thầy trò HLV Santos hòa Croatia 0-0, hòa Ba Lan 1-1 và hòa Pháp 0-0 (thắng trong hiệp phụ hoặc loạt sút luân lưu). Bồ Đào Nha không ít lần "chết hụt" trên hành trình xưng vương, tiêu biểu trong trận chung kết khi Pháp liên tiếp dồn ép và tạo cả tá cơ hội về khung thành của Rui Patricio. Sự xuất sắc của người gác đền chưa từng khoác áo đội bóng lớn nào ở châu Âu, cùng với cả vận may khi Andre Pierre-Gignac sút bóng chạm cột trong những phút bù giờ đã một tay kéo Bồ Đào Nha khỏi vũng lầy sinh-tử.

eder-portugal-france-euro-2016-final_3741683

 Cú sút này đã giúp lịch sử Bồ Đào Nha bước sang trang mới.

Để rồi, "người hùng" Eder xuất hiện, tung ra cú sút vô tiền khoáng hậu để đưa đội nhà đến với danh hiệu vô địch. Giải đấu năm ấy, mọi thứ chống lại Bồ Đào Nha, nhưng Chúa đứng về phía họ.

So sánh với cấp CLB, chức vô địch mang màu sắc may mắn của Bồ Đào Nha khá giống với cách Real Madrid hoàn tất cú hattrick danh hiệu Champions League. Phải thừa nhận, Real mùa nào cũng... gặp may, thậm chí là may đến độ không ngờ trên chặng đường tiến tới ngai vàng. Không đếm xuể số lần Real đứng trước nguy cơ bị loại, nhưng cứ khi gần... "tử", lại có một bàn tay vô hình giúp Real trở về ngưỡng "sinh".

Real được gọi là "chân mệnh thiên tử", tức kẻ sinh ra đã mang thiên mệnh vô địch. Đó là lời khen văn vẻ và... sang trọng hơn so với câu nói đời thường là "đã hay lại còn may". Vậy Bồ Đào Nha có xứng đáng gọi là "chân mệnh thiên tử" khi vượt mọi trắc trở để vô địch EURO 2016 không?

Chắc chắn là không. Lý do rất đơn giản: Real vô địch với dàn cầu thủ xuất chúng và bản lĩnh hơn người, còn Bồ Đào Nha lại không có những yếu tố nội tại hoàn hảo như "Kền kền trắng". Không ai trong số những quân bài của HLV Santos xứng đáng với từ "xuất chúng" trừ Ronaldo. Real trở lại ngai vàng Champions League ở mùa giải kế tiếp ngay sau khi đăng quang, còn Bồ Đào Nha lại bộc lộc quá nhiều vấn đề và suýt nữa phải ngồi nhà xem World Cup cùng với Italia, Hà Lan hay Chile.

Quan trọng hơn, rất nhiều cầu thủ sắm vai trụ cột của Bồ Đào Nha năm ấy đã xuống dốc không phanh. Renato Sanches - cầu thủ trẻ xuất sắc nhất EURO 2016, sa sút thảm hại ở... Swansea City và để lại "tai tiếng" nhiều hơn danh tiếng với đường chuyền trở thành đề tài chế giễu trên toàn nước Anh.

sanches 3

 Renato Sanches trở thành "cục nợ" ở Swansea.

Luis Nani mờ nhạt ở Lazio, Jose Fonte trôi dạt sang Trung Quốc và đứng chót bảng cùng đội bóng mới, Cedric Soares chật vật trụ hạng cùng Southampton, Andre Gomes là bản hợp đồng thất bại của Barcelona, Joao Mario không thể hiện được nhiều ở West Ham, trong khi Adrien Silva, Wiliam Carvalho chưa có những bước đột phá.

Đau đớn nhất phải kể đến Eder - người ghi bàn thắng bằng vàng để Bồ Đào Nha thắng Pháp. Sau chức vô địch định mệnh, Eder chuyển sang một đội bóng... Pháp là Lille, phải sống trong sự thù hận và ghi bàn nhỏ giọt. Eder có thể trách cứ người Pháp ghét mình, nhưng đâu thể che giấu sự thật: anh, cũng như rất nhiều đồng đội khác ở Bồ Đào Nha, chỉ là cầu thủ tầm cỡ hạng hai hay hạng ba. HLV Santos cũng chẳng bao giờ được đánh giá cao dẫu đã bổ sung chức vô địch EURO vào bảng thành tích sự nghiệp.

3/4 đội hình Bồ Đào Nha ở EURO 2016 không thể hiện được sức bật dù có bệ phóng vững chắc. Không ít trong số đó thậm chí biến mất trên bản đồ các vì tinh tú châu Âu. Ngoài Ronaldo và phần nào đó là Bernardo Silva, dấu ấn người Bồ Đào Nha ở các đội bóng lớn tại châu Âu gần như là con số 0 - quá khiêm tốn nếu đặt cạnh chất lượng cầu thủ Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Brazil hay Argentina. Bao năm qua, Ronaldo là người Bồ Đào Nha duy nhất làm nên lịch sử.

Nhìn sang Đức hay Tây Ban Nha - những đội bóng tạo được cú hích ngoạn mục khi lên đỉnh tại EURO hoặc World Cup, người Bồ Đào Nha hẳn phải chạnh lòng. Ở Champions League, FC Porto bị Liverpool đè bẹp 5 bàn không gỡ ngay tại sân nhà. Benfica từ lâu không còn hù dọa được ai, trong khi Sporting Lisbon dính vào tai tiếng khó tin giữa chủ tịch và toàn thể đội bóng (chủ tịch sa thải cả đội vì... bất tuân lệnh ông).

ronaldo 4

 Ronaldo là ngôi sao cô đơn ở Bồ Đào Nha.

Nhiều đội bóng tại World Cup đã bắt đầu trẻ hóa để xây dựng nền móng cho lớp kế cận, còn Bồ Đào Nha vẫn... đứng yên và phải đặt số phận vào những cầu thủ nhiều khả năng có kỳ World Cup cuối cùng như Rui Patricio, Ronaldo, Ricardo Quaresma hay Fonte...

Bồ Đào Nha không thể cứ mãi "vuốt ve" danh xưng đương kim vô địch châu Âu, khi trước mắt là tương lai bấp bênh.

Một lần nữa, phải khẳng định Bồ Đào Nha không hoàn toàn "ăn may" khi vô địch EURO 2016. Đội bóng của HLV Santos đã thể hiện bản lĩnh và sức chiến đấu bền bỉ để đi đến tận cùng vinh quang, chứ không phải "há miệng chờ sung". Bồ Đào Nha không ăn may, song thành tựu ấy lại không phản ánh đẳng cấp, chất lượng cầu thủ cũng như chất lượng của nền bóng đá nước này.

Sự tụt dốc "tập thể" của cả đội và những biến chuyển tiêu cực của Bồ Đào Nha trong 2 năm qua đã cho thấy điều đó. Giờ là lúc "Brazil châu Âu" phải tận dụng cơ hội ở World Cup 2018 để vãn hồi danh dự. Nhưng sẽ không dễ dàng, khi không đội bóng nào còn nhìn Bồ Đào Nha như ẩn số khó lường nữa. Phải ra sân với tư thế nhà vua châu Âu sẽ mang đến trải nghiệm rất khác.

Một trải nghiệm có thể nâng tầm, hoặc nhấn chìm đội bóng này mãi mãi!

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn