Cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là sự kiện ngoại giao lớn nhất trong năm của các nguyên thủ và các nhà ngoại giao hàng đầu thế giới. Tại đây các nhà lãnh đạo thế giới bàn về các vấn đề từ mù chữ, đói nghèo đến biến đổi khí hậu, hoà bình nhân loại, chống khủng bố, vũ khí hạt nhân. Để giảm bớt tính chất nghiêm trọng, đôi khi gay gắt quá mức của các phiên họp, tạp chí Brightthemag đã khai thác một số khía cạnh, tình huống hài hước đằng sau những cuộc họp dài, căng thẳng triền miên.
Bình đẳng về chiều cao
Có một tin đồn khá dai dẳng rằng các nhà lãnh đạo sẽ được chuẩn bị các bục gỗ để trông có cùng một chiều cao khi đứng lên phát biểu và đưa ra các tuyên bố. Vì vậy, những người có chiều cao chênh lệch như Cố Chủ tịch Cuba Fidel Castro, Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hay Cựu Tổng thống Obama trông không mấy khác biệt khi đứng sau bục phát biểu.
Sắp xếp chỗ ngủ ấm cúng
Cách đây vài năm, một số nhân viên ngoại giao của một phái đoàn tới thành phố New York dự phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, vào tháng 9 năm đó, giá khách sạn New York đã tăng vọt. Rất may, các chính trị gia và các nhà ngoại giao của quốc gia này đã được sắp xếp nghỉ lại bên trong các phòng họp của trụ sở Liên Hợp Quốc.
Có thể ngủ ở bất cứ đâu
Với những cuộc đàm phán kéo dài trong nhiều giờ, và triền miên hết ngày này qua ngày khác, chuyện thành viên của nhiều phái đoàn tranh thủ chợp mắt giữa giờ giải lao là điều rất đỗi bình thường và không hiếm gặp. Thậm chí một đại sứ Pháp còn xuất bản một cuốn sách hướng dẫn về những nơi có thể tranh thủ ngủ tại trụ sở Liên Hợp Quốc.
Phát biểu nhầm
Một bộ trưởng đã đưa ra các nhận xét trong một cuộc họp cấp cao. Nhưng ngay trước bài phát biểu của mình, ông đã vô tình cầm nhầm mảnh giấy và đọc nhận xét của một bộ trưởng khác ngồi cạnh như chính bài phát biểu của mình. Một nhân viên trong phái đoàn của vị bộ trưởng này khi hay chuyện đã không thể làm gì để vãn hồi. Cuối cùng, một người khác trong phái đoàn đã lao vào phòng họp, vỗ nhẹ vào vai vị bộ trưởng và lặng lẽ thông báo cho ông về sự nhầm lẫn tai hại này. Vị bộ trưởng này sau đó bắt đầu lại bằng chính bài phát biểu của mình như không có chuyện gì xảy ra.
Tận dụng cơ hội để mua sắm
Việc Apple vô tình tung ra các sản phẩm mới không lâu trước kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã giúp họ thu hút được một lượng khách hàng đặc biệt.
Theo Brightthemag, một số thành viên phái đoàn ngoại giao của các nước bị bắt gặp xếp hàng tại cửa hàng Apple ở ga Grand Central, cách không xa trụ sở của Liên Hợp Quốc để sắm những mẫu Iphone mới nhất cho bạn bè và gia đình ở quê nhà. Một số nhà ngoại giao khác lại dành trọn những phút cuối cùng của họ trong chuyến công tác sang New York tại cửa hàng bách hóa nổi tiếng Bloomingdale's.
Ông Obama đổi khách sạn
Sau khi một công ty bảo hiểm Trung Quốc mua lại chuỗi khách sạn Waldorf Astoria, nơi lưu trú truyền thống của nhiều đời tổng thống và quan chức cấp cao Mỹ trong thời gian tham dự Đại Hội đồng, Tổng thống Obama đã quyết định chuyển sang ở một nơi khác. Không ai rõ lý do ông chuyển đi, có thể là vì một tuyên bố ngầm hay đơn giản chỉ là lo sợ bị trở thành tầm ngắm của hoạt động gián điệp từ Trung Quốc.
Gián điệp
Năm 1960, Đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge đã chủ trì một cuộc họp về việc một máy bay gián điệp Mỹ bị bắn hạ ở Liên Xô. Vào giữa cuộc tranh luận, ông đã mang ra món quà Liên Xô tặng và lấy ra từ đó một chiếc micro siêu nhỏ gắn trên một một con chim đại bàng bằng một cái nhíp.
Vệ sỹ đánh nhau với nhân viên an ninh
Năm 2011, các vệ sỹ của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tranh cãi và đánh nhau với các nhân viên an ninh bên trong trụ sở tổ chức Liên Hợp Quốc.
Một quan chức giấu tên cho biết vụ lộn xộn xảy ra khi các nhân viên an ninh chặn lối vào của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ do ông đi nhầm lối khi cố gắng tiến vào bên trong khán phòng Đại hội đồng để nghe bài phát biểu của Thủ tướng Palestine Mahmoud Abbas. Bộ phận an ninh toà nhà sau đó đã phải sơ tán các nhà ngoại giao ra bên ngoài cho tới khi tình hình được kiểm soát.
Quá giờ
Các nhà lãnh đạo thế giới có 15 phút để phát biểu tại Đại Hội đồng. Nhưng với nhiều người, 15 phút là chưa đủ.
Năm 2009, nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi từng khiến cả hội trường khó xử với bài "thuyết trình" dài tới 100 phút. Tới phút thứ 75, phiên dịch của ông đã phải nói lớn vào micro bằng tiếng Ả-Rập rằng mình không thể chịu được thêm nữa. 25 phút còn lại vì vậy được thông dịch bởi một phiên dịch khác.
Bình luận