Tiến sĩ Michele Borba, nhà tâm lý giáo dục được công nhận quốc tế, chuyên gia về nạn bắt nạt học đường chia sẻ trên US News bí quyết để trẻ mở lời với bố mẹ về tình huống bị bắt nạt.
Phụ huynh thường hỏi tôi làm thế nào để biết con đang bị bắt nạt ở trường khi con không chủ động nói về chuyện đó.
Vấn đề này không hề dễ "điều tra". Nhưng nếu con thực sự đang rơi vào tình huống này, bạn cần biết để giải quyết sớm, hạn chế tổn thương về cả tinh thần lẫn thể xác.
Vậy bạn có thể làm gì nếu trẻ không tự nguyện cung cấp thông tin? Hãy hỏi đúng câu cần thiết và chú ý đến những dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị bắt nạt. Dưới đây là bảy câu hỏi gợi ý của tôi.
Đó có phải là tai nạn không?
Những vết cào chảy máu hay bầm xước mà không được giải thích cụ thể, quần áo xộc xệch hay có vết rách, dụng cụ học tập hay tiền ăn trưa bị mất có thể là manh mối giúp bạn tìm ra sự thật. Nếu các dấu hiệu trên xuất hiện thường xuyên, bạn nên đặc biệt lưu tâm.
Bắt nạt thường là hành động có chủ ý, không phải vô tình. Do đó, bạn có thể hỏi sâu hơn nếu biết con bị làm đau: "Bạn ấy có cố ý không?", "Con có bảo bạn ngừng lại không?", "Bạn có tiếp tục làm bất chấp lời con nói không?".
Con ngồi ở đâu?
Cố tình để một đứa trẻ ngồi một mình trong căng tin là hành vi bắt nạt kiểu tẩy chay. Cách để dò hỏi về chuyện này là "Con ngồi ở đâu?", "Có ai ngồi cạnh con không?", "Các bạn khác ngồi ở chỗ nào?".
Nếu con không có ai để ngồi cùng hay trò chuyện vào những lúc như thế, bạn hãy giúp con kết bạn hoặc tham gia một câu lạc bộ nào đó thường sinh hoạt vào giờ ăn trưa.
Tại sao con không dùng nhà vệ sinh ở trường?
Những cuộc khảo sát về nạn bắt nạt cho thấy nhiều học sinh sợ dùng nhà vệ sinh ở trường vì nơi đó dễ trở thành nạn nhân nhất. Nếu con phải đợi cho đến khi về nhà để chạy ào vào nhà vệ sinh, bạn có thể nghĩ đến khả năng con bị bắt nạt ở trường.
Để tìm hiểu, bạn hãy dùng câu hỏi: "Con và các bạn ở trường có thể an toàn khi dùng nhà vệ sinh không?". Nếu mọi việc đúng như bạn nghĩ, hãy gặp giáo viên đề nghị giải pháp thay thế, chẳng hạn dùng nhờ nhà vệ sinh ở phòng y tế hay để trẻ đi cùng một người bạn thân.
Con sẽ làm gì nếu bị bắt nạt?
Trẻ cần biết cách báo cáo người lớn khi bị bắt nạt và bạn nên để trẻ làm quen với quy trình đó. Nhiều trường sẽ ghi đầy đủ thông tin hướng dẫn trên website. Bạn hãy thử hỏi: "Con sẽ báo cáo về nạn bắt nạt ở đâu nào?", "Con sẽ gặp ai để nhờ giúp đỡ?", "Khi bạn nào đó bị bắt nạt, cô giáo có biết không".
Phản ứng của trẻ sẽ giúp bạn biết được cảm nhận của trẻ về mức độ an toàn hiện tại và can thiệp nếu cần thiết.
Tại sao con lại đi một đường mới?
Bắt nạt thường diễn ra ở những nơi không bị người lớn giám sát. Nếu trẻ đột ngột thay đổi đường đến trường hoặc tránh một khu vực nhất định, đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị bắt nạt.
Bạn nên hỏi: "Sao con không bắt xe bus?", "Tại sao con lại chọn đường xa hơn trước để tới trường?", "Giám thị có hay coi chừng học sinh ở hành lang không?".
Ai nhắn tin cho con vậy?
Con bạn có úp điện thoại xuống khi tin nhắn nào đó tới? Mỗi khi dùng máy tính, thái độ của con bình thường hay vội vàng tắt hết cửa sổ khi thấy bạn bước vào phòng? Có nhiều nguyên nhân khác ngoài lý do bị bắt nạt qua mạng, nhưng bạn có thể hỏi nhẹ nhàng: "Con không muốn mẹ nhìn thấy cái gì à?".
Đồng thời, bạn nên để ý nhiều hơn đến dấu hiệu lạ khi con dùng mạng xã hội, bởi bắt nạt qua nền tảng này rất phổ biến và có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Tại sao con lại không ngủ được?
Khi bị bắt nạt, trẻ thường lo lắng, bất an và tâm trạng đó ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ. Không chỉ khó ngủ, đôi khi trẻ còn gặp ác mộng hoặc trông mệt mỏi hơn bình thường khi vừa ngủ dậy. Bạn hãy thể hiện sự quan tâm: "Con ngủ không ngon à? Ở trường có chuyện gì không con?".
Khi cảm thấy thoải mái và tin tưởng ở bố mẹ, trẻ sẽ chia sẻ với mong muốn nhanh chóng thoát khỏi tình huống xấu.
Bình luận