• Zalo

Mừng Quốc tế Phụ nữ 8/3, Google vinh danh ước nguyện phái nữ

Kinh tếThứ Ba, 08/03/2016 06:31:00 +07:00Google News

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là ngày gì mà Google phải gửi tới toàn thể người dùng một clip ngắn tôn vinh vẻ đẹp và giá trị người phụ nữ

(VTC News) - Mừng Quốc tế Phụ nữ, Google tìm kiếm đã gửi tới toàn thể người dùng một clip ngắn tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của bất kỳ người phụ nữ nào trên Trái đất này với tựa 'tương lai tôi sẽ'.

Ngay từ ngày hôm qua 7/3, Google tìm kiếm đã thay doodle mới của mình bằng một clip ngắn với tựa đề ""One Day I Will" nhằm chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, cũng như để chia sẻ nguyện vọng của những người phụ nữ đối với thế giới.

Trong nhiều năm qua, Google tìm kiếm luôn thay đổi doodle vào ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 với những clip nói về thành tựu của người phụ nữ trong khoa học, dân quyền, báo chí, thể thao, nghệ thuật, công nghệ và nhiều hơn thế nữa.
Hình ảnh doodle mới của Google nhằm kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm 2016
Hình ảnh doodle mới của Google nhằm kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm 2016 
Những clip này luôn luôn để nhằm mục đích vinh danh những người phụ nữ đã tạo nên những bước ngoặt vĩ đại thay đổi cả lịch sử, đôi khi họ còn phải đối mặt với những trở ngại dường như không thể vượt qua.

Tuy nhiên ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, Google đã làm doodle để vinh danh những những người phụ nữ của tương lai, với 337 phụ nữ và trẻ em gái ở 13 quốc gia khác nhau cùng nói về chủ đề ước nguyện của họ trong tương lai, rằng "Một ngày nào đó tôi sẽ" (One Day I Will).

Từ những bé gái đến những cụ già - họ đến từ những nơi như San Francisco, Moscow (Nga), Cairo (Ai Cập), Berlin (Đức), London (Anh), Paris (Pháp), Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan), New Delhi (Ấn Độ) và Tokyo (Nhật Bản).

Tất cả đều thực sự nổi bật với cá tính riêng, nguyện vọng riêng của mình. Những nguyện vọng thực sự đa dạng như những người phụ nữ và bé gái đã chia sẻ, từ những việc làm mang tính cá nhân như bơi với lợn ở Bahamas cho tới những việc làm mang tính cộng đồng như tạo ra một loại tiếng nói dành riêng cho những người không thể nói được.

Cứ một người phụ nữ nói câu "Một ngày nào đó tôi sẽ ..." trong clip, người xem sẽ thấy nguyện vọng được nói ra cũng ngày càng to lớn hơn và phong phú hơn.
Hình ảnh trong clip trên trang chủ của Google tìm kiếm
Hình ảnh trong clip trên trang chủ của Google tìm kiếm 
Như Jane Goodall chia sẻ niềm hy vọng của mình rằng một ngày nào đó sẽ được thảo luận về vấn đề môi trường với Đức Giáo Hoàng. Trong khi người đoạt giải Nobel Malala Yousafzai và nhà hoạt động Muzoon Almellehan lại có nguyện vọng được làm một việc trong một tương lai không còn sự sợ hãi, nơi mà mọi cô gái đều có thể đi học.

Theo Google giới thiệu, việc người phụ nữ nói lên những nguyện vọng của mình không phải luôn luôn là việc dễ dàng đối với họ.

Khi Google hỏi những người phụ nữ và trẻ em gái trên đường phố rằng hãy nói lên nguyện vọng của mình, họ thường phải dừng lại và suy nghĩ trong một vài phút. Cho dù phản ứng của họ là chi tiết hoặc chỉ khái quát, cụ thể hay chỉ trừu tượng, hài hước hoặc là ấm áp, nhưng tất cả đều là những ước mơ của họ và đều là những điều quý giá rất đáng trân trọng.
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 hay còn gọi là Ngày Liên Hiệp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế được Liên Hiệp Quốc chính thức hóa vào năm 1977.

Trong một thế kỷ qua, người phụ nữ đã giành được sự bình đẳng trước pháp luật trong hầu hết các lĩnh vực và ở hầu hết các nước trên thế giới. Tuy thế, hiện nay phụ nữ vẫn không ngừng tranh đấu vì quyền bình đẳng với nam giới.

Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản phát triển tột bậc, nhất là ở nước Mỹ. Nền kỹ nghệ phát triển, thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Họ bị bóc lột sức lao động, bị trả lương rẻ mạt và cuộc sống rất cực khổ, điêu đứng.

Căm phẫn trước sự áp bức tàn bạo đó, ngày 8/3/1899, tại hai thành phố Chicago và New-York (của nước Mỹ) đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nữ công nhân ngành dệt may, đòi tăng lương, giảm giờ làm.

Mặc dù bị thẳng tay đàn áp, bắt bớ, đuổi ra khỏi nhà máy nhưng chị em vẫn đoàn kết, bền bỉ đấu tranh, buộc bọn chủ tư sản phải nhượng bộ.

Ðến tháng 2 năm 1909 lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức "Ngày phụ nữ" mít tinh, biểu tình rầm rộ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ.

Tại New-York đã có 3000 chị dự cuộc họp phản đối chính phủ công nhận quyền bầu cử của phụ nữ.

Những cuộc đấu tranh đầu tiên đó của nữ công nhân Mỹ đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới. Trong phong trào đấu tranh lúc bấy giờ, đã xuất hiện 2 nữ chiến sĩ cách mạng lỗi lạc là bà Cơ-la-re-Zet-Kin (người Ðức) và bà Rô-da-luya-Xăm-Bua (người Ba Lan).

Hai bà đã phối hợp với bà Nadezhda Krupskaya (vợ của Lê-nin) vận động thành lập Ban Thư ký quốc tế phụ nữ để lãnh đạo phong trào.

Trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào phụ nữ trên thế giới. Ngày 26 và 27 tháng 8 năm 1910, đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ thế giới đã được triệu tập ở Copenhagen (thủ đô Ðan Mạch), về dự có 100 nữ đại biểu của 17 nước, đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày quốc tế phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.

Từ đó đến nay, ngày 8/3 trở thành ngày hội của phụ nữ thế giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng và thực hiện quyền nam nữ bình đẳng.

Từ thập niên 70 đến nay, đã có 4 hội nghị là những sự kiện Quốc tế to lớn đối với đời sống chính trị của toàn thế giới đặc biệt đối với phụ nữ. Vì lẽ đó, vấn đề giải phóng phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ là một vấn đề toàn cầu.

Trong 365 ngày của một năm, phụ nữ có riêng một ngày để được xã hội quan tâm và bù đắp những thiệt thòi, vất vả trong cuộc sống. Họ luôn âm thầm hy sinh và chịu đựng để xây dựng hạnh phúc gia đình. Vì vậy, họ xứng đáng nhận được sự tôn trọng và quan tâm hơn nữa từ một nửa kia còn lại của thế giới, chia sẻ với họ những khó khăn trong công việc và gia đình.

Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại: Họ vừa là người nội trợ, vừa tham gia lao động xã hội, đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, không những thế họ còn giữ một thiên chức cao cả là một người mẹ, mang nặng đẻ đau ra những đứa con và nuôi dạy chúng thành người. Phụ nữ ngày nay đang dần khẳng định mình là phái đẹp chứ, không còn là phái yếu như trước kia.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn