Thực trạng mà chúng tôi nói đến diễn ra tại thôn Hải Thành, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Ghi nhận của PV VTC News tại địa phương này cho thấy, hàng vài chục hộ dân đã tìm đến khu nghĩa địa để dựng nhà “sống cùng” với người chết. Những ngôi mộ ở đây chở thành chỗ sinh hoạt, vui chơi của người dân.
Anh Nguyễn Văn Phúc (SN 1967) đã có trên 20 năm dựng nhà “sống chung” với người chết chia sẻ: “Tôi đến đây sống hơn 20 trước. Ban đầu nhà thưa thớt chưa được như bây giờ nên tôi cũng sợ lắm, lúc đi vệ sinh buổi tối có dám đi đâu. Nhưng rồi ở lâu rồi cũng quen, không còn cảm thấy sợ nữa”.
“Hồi mới lấy chồng về đây nhiều khi tôi mất ăn mất ngủ vì sống gần những nấm mồ. Cảm giác sợ hãi bao trùm khi đêm đến. Nhưng vì hoàn cảnh nên đành chấp nhận, dần dần cũng thành quen.” - chị Huỳnh Thị Nga (SN 1985) tâm sự.
Theo tìm hiểu của PV VTC News khu nghĩa địa kể trên đã được hình thành từ rất lâu. Các hộ dân đến đây sinh sống đều thuộc diện không có đất nên “bất đắc dĩ” phải lấn đất của người chết để dựng nhà ở.
Với những hộ dân sống trong nghĩa địa này, họ không còn cảm giác sợ khi sống cạnh những ngôi mộ. Tuy nhiên, những người lạ đi ngang không khỏi tò mò và “ớn lạnh” trước cảnh người sống “sống cùng” người chết ở nơi đây.
Bất đắc dĩ phải sống với người đã khuất nên từ nhiều năm nay người dân nơi này tập thói quen sống gần mồ mả, hàng trăm ngôi mộ không làm họ sợ hãi vì “sợ quá hóa quen” buộc sống chung với mồ mả. Nhưng người lạ vào nơi đây không khỏi sợ hãi cảnh người sống và người chết cùng sống trên một khu đất.
Theo quy định nghĩa trang phải sống tách biệt với khu dân cư, phải quy hoạch cây xanh đường đi rào chắn hợp lý. Khoảng cách tối thiểu từ ranh giới nghĩa trang đến hoàng rào hộ dân gần nhất là 1,5 km.
Thế nhưng, có vẻ như do nguyên nhân mà quy định này có vẻ như đã trở thành vô nghĩa với những hộ dân đang dựng nhà ở trái phép trong nghĩa địa thuộc thôn Hải Thành (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Liên quan đến vấn đề trên, trả lời PV VTC News, lãnh đạo UBND thị trấn Thuận An cho biết, thị trấn đã nắm được thực trạng nêu trên. Hiện UBND huyện Phú Vang cũng đã có phương án di dời các hộ dân nêu trên đến nơi ở mới. Tuy nhiên, trong thời gian bao lâu thì còn phải phụ thuộc vào nguồn ngân sách của tỉnh.
Video: Hơn 300 ngôi mộ bị đập vỡ bát hương một cách khó hiểu
Bình luận