Quy định về sử dụng làn đường
Tại khoản 7 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008, làn đường là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, làn đường có bề rộng đủ cho xe chạy an toàn.
Trong đó, Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008 nhấn mạnh, người tham gia giao thông phải đi đúng làn đường, phần đường quy định, phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ và đi bên phải theo chiều đi của mình.
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Luật Giao thông đường bộ 2008, quy định về việc sử dụng làn đường đối vơi người tham gia giao thông đường bộ gồm có như sau:
- Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
- Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
- Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.
Mức phạt lỗi lấn làn đường xe ô tô năm 2024 là bao nhiêu?
Theo điểm đ khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được thay thế, bổ sung bởi điểm đ khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
“5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều) trừ hành vi quy định tại điểm c khoản 4 Điều này. Điều khiển xe đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy. Điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà.
7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông. Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông.
Không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều này.
11. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 2; điểm h, điểm i khoản 3; khoản 4; điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ, điểm g, điểm i khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 5; điểm a, điểm b khoản 6; khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng”.
Theo đó, đối với lỗi đi sai làn đường của xe ô tô sẽ có các mức xử phạt hành chính tùy theo hậu quả như sau:
-Phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng khi điều khiển xe đi không đúng làn đường.
-Phạt từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng khi điều khiển xe đi không đúng làn đường và gây tai nạn giao thông.
Bình luận