Theo thông cáo của Ủy hội sông Mekong (MRC), đợt mưa sớm trên khắp vùng Mekong góp phần khiến mực nước sông trở lại mức bình thường.
“Toàn vùng đã có lượng mưa đáng kể từ tuần thứ ba của tháng 4, mặc dù lượng mưa tổng cộng chỉ ở mức trung bình”, Tiến sĩ Lâm Hùng Sơn, Giám đốc Trung tâm Quản lý lũ lụt và hạn hán hhu vực, thuộc Ban Thư ký MRC cho biết.
Mực nước sông Mekong được theo dõi sát vì nếu xuống thấp sẽ đe dọa sinh thái và sinh kế, an ninh lương thực của hàng chục triệu người dân dựa vào dòng sông này. Ngoài ra, mực nước thấp có thể khiến cá chết, tăng nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt của thủy sinh trên sông, theo các chuyên gia.
Ở Việt Nam, mực nước tại thị xã Tân Châu trên sông Tiền và thành phố Châu Đốc trên sông Hậu (đều thuộc tỉnh An Giang) đang dao động (do thủy triều) trên dưới mức trung bình.
Trong khi mực nước tại các trạm đo ở Thái Lan, Lào và Campuchia đều cao hơn hoặc phù hợp với trung bình. Trạm Chiang Saen của Thái Lan, trạm xa nhất của MRC về phía thượng nguồn, đạt mức 3 m (tức cao hơn trung bình 1,2 m).
Tháng 7/2019, mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục (kể từ khi đo đạc 60 năm trước). Nguyên nhân là do các hoạt động giữ nước của Trung Quốc ở đập Cảnh Hồng và lượng mưa sụt giảm, hạn hán.
Gần đây, nghiên cứu của công ty Eyes on Earth Inc., chuyên tư vấn về nước cho thấy, đập nước của Trung Quốc ở thượng lưu sông Mekong đã giữ lại một lượng nước lớn, gây ra hạn hán nghiêm trọng cho hạ lưu, cho dù mực nước ở thượng nguồn vẫn cao hơn trung bình hàng năm. Chính phủ Trung Quốc vẫn phản bác và đổ lỗi cho hạn hán.
Hệ quả vẫn đang diễn ra ở lưu vực cho tới thời điểm này, khi đang chuyển sang mùa mưa, theo thông cáo của MRC, cơ quan liên chính phủ quản lý tài nguyên nước trên sông Mekong.
“Do lưu lượng chảy ở sông Mekong rất thấp vào năm ngoái, mực nước (trung bình) trong mùa khô năm nay vẫn thấp hơn so với mực nước của mùa khô năm 2018 - 2019”, Tiến sĩ Sơn nói thêm và cho biết tình hình đang dần được cải thiện.
Video: Biến đổi khí hậu khiến người dân hạ lưu sông Mekong khốn khổ
Cũng theo MRC, lượng mưa từ trung bình đến cao đang được dự báo trên cả bốn nước hạ lưu sông Mekong trong các tháng 5-7/2020. Campuchia, Lào và Thái Lan được dự báo sẽ có lượng mưa cao hơn Việt Nam.
Khu vực Mekong đang chịu ảnh hưởng của sự chuyển đổi giữa các hiện tượng El Nino và La Nina, do đó khiến mưa đến sớm hơn bình thường, và có phân bố không đều.
“Chúng tôi đang dự báo sẽ có mưa nhiều trong ba tháng tới. Mọi người phải cẩn thận về nguy cơ lũ quét đến bất ngờ, gây thiệt hại tài sản, mùa màng, tính mạng”, ông Sơn nói thêm.
Tháng 5 dường như sẽ khô đối với cả bốn nước. Nhưng tháng 6, Campuchia và Thái Lan sẽ có nhiều mưa hơn Lào và Việt Nam. Sang tháng 7, Campuchia, Lào và Thái Lan đều có lượng mưa lớn, trong khi Việt Nam thì có mưa ít hơn.
Bình luận