Bộ Quốc phòng Belarus ngày 13/12 cho biết đã tiến hành một cuộc diễn tập để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội nước này.
Trong khuôn khổ cuộc diễn tập, được tiến hành theo lệnh của Tổng thống Alexander Lukashenko, quân đội sẽ phải nhanh chóng di chuyển đến “các khu vực được chỉ định”, sử dụng thiết bị và dựng cầu bắc qua các sông Neman, Berezina ở Tây và Đông Belarus.
Sông Neman chảy qua Litva và đổ ra biển Baltic, trong khi sông Berezina đổ vào sông Dnipro khoảng 64km ở phía Bắc biên giới Ukraine. Cuộc tập trận sẽ không tiếp cận trực tiếp biên giới dài khoảng 1.078km giữa Belarus và Ukraine.
Mục đích của Belarus
Cuộc diễn tập sẵn sàng chiến đấu là động thái mới nhất của Belarus, đồng minh thân cận của Nga, sau loạt hoạt động quân sự, bao gồm tập trận chống khủng bố tuần trước, làm dấy lên lo ngại Belarus có thể tham gia chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Hồi tháng 10, Tổng thống Alexander Lukashenko thông báo Belarus cùng Nga thành lập lực lượng quân sự hiệp đồng để đối phó “gia tăng căng thẳng ở biên giới phía Tây”. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh ông Lukashenko cáo buộc lãnh đạo NATO và một số nước châu Âu đang xem xét các phương án gây hấn với Belarus, thậm chí có thể dẫn tới một cuộc tấn công hạt nhân.
Hàng chục nghìn binh sỹ Nga và Belarus tham gia Lực lượng Hiệp đồng đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung gần biên giới với Ukraine.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, khả năng Belarus đưa quân tới Ukraine là rất thấp, ít nhất là vì không nhận được sự ủng hộ ở trong nước. Tuy nhiên có khả năng Tổng thống Lukashenko muốn tạo ấn tượng về khả năng sẵn sàng chiến đấu nhằm buộc Ukraine phải chuyển hướng binh sỹ khỏi các mặt trận khác.
Các lực lượng Ukraine hiện đang tập trung vào mặt trận phía Nam và Đông. Trước mối đe dọa tiềm ẩn từ phía Bắc, ông Andriy Demchenko, Người phát ngôn Cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraine, ngày 13/12 cho biết nước này đang tăng cường phòng thủ dọc chiều dài biên giới với Belarus. Tình hình khu vực hiện đang được kiểm soát.
Ukraine trong những tuần gần đây đã bắt đầu xây dựng một bức tường và hệ thống hào dọc biên giới với Belarus ở tỉnh Volyn phía Tây Bắc. Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng các hệ thống này nhiều khả năng là nhằm ngăn chặn người di cư vượt biên hơn là vì mục đích quân sự.
Belarus không sẵn sàng tham chiến ở Ukraine
Tổng thống Lukashenko là đồng minh duy nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là có thể “cân nhắc” gửi một số lượng quân đáng kể vào Ukraine, một động thái mà theo lý thuyết sẽ mở ra một mặt trận mới và chọc thủng tuyến phòng thủ ở phía Bắc của Kiev.
Theo báo cáo do Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) công bố vào cuối tuần trước, các lực lượng Belarus vẫn “rất khó có khả năng” tham chiến ở Ukraine, mặc dù một số thông tin hiện nay ám chỉ điều này có thể xảy ra.
ISW cho rằng, Tổng thống Lukashenko đã cho phép Nga tiếp cận lãnh thổ, cơ sở hạ tầng, căn cứ quân sự và bệnh viện của Belarus để hỗ trợ chiến dịch quân sự ở Ukraine. Mũi tiến quân đầu tiên hồi tháng 2 của quân đội Nga tới Kiev được thực hiện từ lãnh thổ Belarus. Nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái vào Ukraine cũng được tiến hành từ Belarus trong những tháng sau đó.
ISW nhận định, những nỗ lực của Nga nhằm gây áp lực để Belarus đưa quân vào Ukraine là một phần trong chiến lược dài hạn của Moskva. Tuy nhiên, “những thông tin này không thể dự báo trước khả năng tham chiến thực sự của Belarus trong tương lai gần”.
Với khoảng 12.000 quân Nga ở Belarus, nguồn lực quân sự của Minsk đang bị căng thẳng. Belarus được cho là đã cung cấp xe tăng, các phương tiện khác và đạn dược để bổ sung cho lực lượng Nga. Tháng 11, Dự án Hajun nguồn mở của Belarus báo cáo rằng Minsk đã chuyển 211 thiết bị quân sự, bao gồm 122 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72A, cho Nga.
“Belarus thiếu năng lực sản xuất xe chiến đấu bọc thép cho riêng họ, việc chuyển giao loại thiết bị này cho lực lượng Nga vừa là hạn chế hiện tại vừa có thể là lâu dài đối với năng lực của Belarus, do đó Minsk khó có khả năng đưa lực lượng cơ giới tham chiến ở Ukraine”, ISW nhận định.
Theo ước tính của ISW, quân đội Belarus có khoảng 45.000 quân, trong đó có nhiều lính nghĩa vụ thiếu kinh nghiệm tác chiến. Trong kịch bản tốt nhất, Minsk có thể triển khai được 20.000 quân nhân chuyên nghiệp và sẽ phải tuyển mộ và huấn luyện thêm nếu tham chiến ở Ukraine. Lực lượng này có thể hỗ trợ Nga cắt đứt các tuyến hậu cần của Ukraine ở phía Tây, nhưng khó có khả năng làm thay đổi cục diện chiến trường.
ISW cho rằng, tình trạng bất ổn trong nước cũng là yếu tố khiến Tổng thống Lukashenko phải cân nhắc. Ông Lukashenko đã vượt qua các cuộc biểu tình phản đối cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và ông không muốn mạo hiểm tham gia vào một cuộc chiến mà người dân Belarus không ủng hộ.
“Ông Lukashenko không có ý định tham gia cuộc xung đột ở Ukraine do lo ngại tình trạng bất ổn trong nước tái diễn. Việc điều động lực lượng tới nước láng giềng có thể sẽ khiến ông phải đối mặt với làn sóng phản đối mới”, ISW nhận định.
“Belarus sẽ tiếp tục hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng khả năng Minsk đưa quân đội tham chiến ở nước láng giềng là rất thấp. Belarus có thể cung cấp cho Nga các vật liệu mà Nga không có do các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva nhưng không tác động đến Minsk”, báo cáo của ISW kết luận.
Bình luận