• Zalo

Mức chi tiêu quân sự toàn cầu vượt kỷ lục 2 nghìn tỷ USD

Quân sựThứ Hai, 25/04/2022 11:30:03 +07:00Google News
(VTC News) -

Mức chi tiêu quân sự toàn cầu hàng năm lần đầu tiên vượt 2 nghìn tỷ USD và dự kiến tiếp tục tăng khi các nước châu Âu tái vũ trang trong căng thẳng Ukraine.

Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) hôm 25/4 công bố báo cáo cho biết trong năm 2021, các nước đã chi 2.113 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng, tăng 0,7% so với năm 2020. Sau giai đoạn giảm nhẹ từ 2011 đến 2014, chi tiêu quân sự các nước tăng 7 năm liên tiếp.

Trong căng thẳng tại Ukraine, một số nước châu Âu tiếp tục xem xét lại chi tiêu để tăng cường khả năng cho các lực lượng của mình.

Lucie Beraud-Sudreau, giám đốc chương trình chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí của SIPRI nói: “Chi tiêu quân sự của châu Âu đang trong xu hướng tăng và dự kiến sẽ ngày càng mạnh mẽ... Thường sự thay đổi diễn ra từ từ cho đến khi khủng hoảng xảy ra. Tôi nghĩ hiện tại đang là như vậy”.

Mức chi tiêu quân sự toàn cầu vượt kỷ lục 2 nghìn tỷ USD - 1

Sau giai đoạn giảm nhẹ từ 2011 đến 2014, chi tiêu quân sự các nước tăng 7 năm liên tiếp. (Nguồn: Bloomberg)

Theo Beraud-Sudreau, xu hướng tăng chi tiêu quân sự toàn cầu từ năm 2015 một phần xảy ra vì châu Âu thay đổi chính sách an ninh. Sau khi Nga sáp nhập Crimea, các nước này cảm thấy nguy cơ tăng lên, cùng lúc đó chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng gây áp lực muốn các thành viên NATO đầu tư nhiều hơn cho các lực lượng vũ trang.

Mức chi ngân sách quốc phòng của châu Âu năm 2021 chiếm 20% chi tiêu quân sự toàn cầu, trong khi đó ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, ước tính chiếm 14%, đứng thứ hai thế giới.

Mỹ vẫn là nước đang chi nhiều nhất cho lực lượng vũ trang năm 2021, ở mức 801 tỷ USD, theo SIPRI. Trong 10 năm qua, chi tiêu quân sự của Mỹ chiếm khoảng 39% chi tiêu toàn cầu. Theo nhà nghiên cứu SIPRI Alexandra Marksteiner, trong khi tiền mua bán vũ khí của nước này giảm, họ chi nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển quân sự, tập trung hơn vào các công nghệ thế hệ mới.

Đối với các nước châu Âu, từ Thụy Điển đến Tây Ban Nha, có những dấu hiệu cho thấy hiện đại hóa và nâng cấp hệ thống vũ khí sẽ là một ưu tiên của họ, Beraud-Sudreau cho biết. Họ sẽ phải lựa chọn giữa việc mua thiết bị từ các nhà sản xuất vũ khí trên thế giới, hoặc áp dụng cách tiếp cận lâu dài là đầu tư vào công nghiệp sản xuất và phát triển vũ khí trong nước.

Ngoài ra, chi tiêu cho vũ khí không phải là yếu tố duy nhất chịu tác động từ căng thẳng quân sự tại Ukraine, các chuyên gia cho biết.

Beraud-Sudreau nhận định: “Bạn còn thấy nhiều vấn đề liên quan đến hậu cần, nhiên liệu và thông tin liên lạc... Tình hình ở Ukraine khiến những người bên ngoài quan sát cho rằng họ cũng cần những thứ đó trong trường hợp chiến tranh xảy ra”.

Phương Anh(Nguồn: Bloomberg)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp