Ngày 27/10, tài xế Phạm Hồng Tư (SN 1983, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) lái xe buýt số 10 mang BKS 53N-4067 thì va chạm với anh Nguyễn Vũ Kiều Hưng (33 tuổi, ngụ Bình Thạnh) điều khiển xe máy mang BKS 50B3 - 0447 chở theo vợ con nhỏ tại đường 3/2 (gần Vòng xoay Dân Chủ, phường 12, quận 10).
Điều đáng nói sau va chạm, tài xế Tư đã dùng dao nhỏ đâm nhiều nhát vào nách, ngực trái anh Hưng và truy đuổi đến cùng cho đến khi người dân can ngăn.
Anh Hưng bị thương nặng được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện 115 còn tài xế xe buýt thản nhiên rời khỏi hiện trường.
Hành vi côn đồ, coi thường pháp luật của tài xế xe buýt gây bức xúc dư luận. PV VTC News đã có cuộc trao đổi với luật sư Đức Chánh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh xung quanh vấn đề này.
Theo luật sư Chánh, việc tài xế Tư dùng dao đâm nhiều nhát vào nách, ngực trái anh Hưng khiến người này trọng thương là hành vi vi phạm pháp luật.
“Tùy vào vị trí vết thương cũng như tỉ lệ thương tật mà truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh tương ứng. Nếu vị trí bị tấn công là vùng trọng yếu trên cơ thể của anh Hưng thì có thể bị truy cứu về tội giết người theo Điều 93 BLHS hiện hành
Nếu không phải vị trí trọng yếu trên cơ thể của anh Hưng gây ra thương tích trên 1% cùng với tính chất côn đồ, dùng hung khí nguy hiểm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS hiện hành”, luật sư Chánh nhận định.
Còn theo luật sư Phạm Công Út - Công ty luật Phạm Nghiêm, hành vi tài xế xe buýt sẽ bị quy kết vào hành vi cố ý gây thương tích, nhưng nếu có chết người thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người".
Luật sư Út cho biết, những vụ đâm nạn nhân như thế, dù tỷ lệ thương tật không cao, không gây chết người nhưng với hành vi dùng dao đâm trực tiếp vào nách, ngực trái của nạn nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người.
"Vì hung thủ dùng hung khí nguy hiểm là con dao và đâm vào vùng trọng yếu của của nạn nhân", luật sư Út phân tích.
Video: Tạm giữ tài xế xe buýt đâm người giữa phố Sài Gòn
Nhưng cũng có không ít những vụ án tương tự như câu chuyện trên thì hung thủ cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích, trong khi nạn nhân bị tổn hại sức khoẻ có vụ lên đến 90%.
Luật sư Đức Chánh lý giải, với mật độ giao thông như hiện nay thì chuyện va chạm ngoài đường thường xảy ra nên mọi người tham gia giao thông cần giữ bình tĩnh, kiềm chế cũng như kiểm soát hành vi của mình để giải quyết dựa trên tinh thần tuân thủ pháp luật.
“Cần tự giải quyết, thương lượng với nhau. Còn khi cảm thấy không giải quyết ổn thỏa được với nhau thì nên liên hệ cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc theo quy định.
Người trong cuộc cần nhìn nhận việc giải quyết vấn đề theo hướng hành xử văn minh, không nên đẩy vụ việc đi quá xa, không kiểm soát được dẫn đến việc có thể mình vướng vào vòng lao lý hoặc nạn nhân của hành vi phạm tội”, lời khuyên luật sư Chánh.
Còn theo luật sư Út, với áp lực của giới tài xế xe buýt trong thành phố đông dân do họ phải khởi hành, về bến đúng giờ (nếu không sẽ bị phạt nên) nên dễ tạo áp lực.
“Khi hai bên va chạm nhau cần phải mở lời xin lỗi nhau (có thể mình không phải là người có lỗi) để hai bên va chạm nhanh chóng rời hiện trường nhằm không làm mất thời gian của mình, và cũng không làm kẹt xe, tắc đường, ảnh hưởng thời gian công việc của người khác”, luật sư Út khuyên.
Video: Mâu thuẫn trong quán Karaoke, đánh bạn bất tỉnh
Bình luận