• Zalo

Mức án nào cao nhất cho 'nhà ngoại cảm' lừa đảo?

Pháp luậtThứ Ba, 29/10/2013 10:30:00 +07:00Google News

Nguyễn Văn Thúy và Mẫn Thị Duyên bị khởi tố về hành vi làm giả hài cốt, di vật, nơi chôn liệt sĩ theo Điều 139 Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Văn Thúy và Mẫn Thị Duyên bị khởi tố về hành vi làm giả hài cốt, di vật, nơi chôn liệt sĩ theo Điều 139 Bộ luật Hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

"Nhà ngoại cảm" Nguyễn Văn Thúy vừa bị cơ quan CSĐT Quảng Trị bắt tạm giam 4 tháng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sáng 28/10, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị có sự chứng kiến của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an và Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh, đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Văn Thúy (tức "Cậu Thủy", SN1959) và Mẫn Thị Duyên (SN 1962) cùng trú ở thôn Trác Bút (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Ngay sau đó, hai đối tượng này đã bị cơ quan an ninh điều tra di lý về tỉnh Quảng Trị để thực hiện công tác điều tra.

Theo đại diện công an tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Văn Thúy và Mẫn Thị Duyên bị khởi tố về hành vi làm giả hài cốt, di vật, nơi chôn liệt sĩ theo Điều 139 Bộ luật Hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng Nguyễn Văn Thúy trong lần tìm kiếm hài cốt ở Quảng Trị
Đối tượng Nguyễn Văn Thúy trong lần tìm kiếm hài cốt ở Quảng Trị 
Xung quanh vụ việc này, dư luận đặt ra câu hỏi, nếu xác định được hành vi lừa đảo làm giả hài cốt liệt sĩ chiếm đoạt tài sản thì các đối tượng này sẽ phải chịu mức án nào?

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh cho biết, nếu sau khi điều tra kết luận các xương tìm thấy không phải xương người và các dấu vết hố chôn có nhiều nghi vấn là mới được đào bới chôn lấp, cũng như các chứng cứ khác chứng minh là đối tượng Thúy, Duyên đã lừa đảo đó là hài cốt của liệt sỹ thì hai đối tượng này có dấu hiệu phạm tội lừa đảo theo quy định tại điều 139 Bô Luật hình sự.

Trong điều 139 Bộ Luật hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định rõ:

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến
Điều 139 quy định mức phạt cao nhất có thể đến chung thân, nhưng Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến cho biết, mức hình phạt thế nào thì còn phụ thuộc vào số lượng tiền mà hai đối tượng Thúy và Duyên lừa chiếm đoạt của các gia đình các liệt sỹ. Số tiền chiếm đoạt được càng nhiều thì tội càng nặng.

“Ở trường hợp phạm tội này, đối tượng Nguyễn Văn Thúy và Mẫn Thị Duyên không chỉ lợi dụng tâm linh đi tìm mộ liệt sỹ mà còn làm một việc rất phi đạo đức đối với các liệt sỹ đã hy sinh cao cả vì sự nghiệp độc lập thống nhất đất nước. Đây sẽ là tình tiết tăng nặng mức hình phạt của Thuý”, Luật sư Tiến cho biết.

Về việc Ngân hàng Chính sách xã hội - đơn vị chủ trì thực hiện chương trình tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, đã bỏ số tiền gần 8 tỉ để thuê đối tượng Nguyễn Văn Thúy tìm hơn trăm bộ hài cốt liệt sĩ (tìm thấy mỗi bộ hài cốt liệt sĩ, ông Thúy được chi 75 triệu đồng) - dư luận cũng đặt ra câu hỏi, trách nhiệm của họ như thế nào khi để đối tượng Nguyễn Văn Thúy, Mẫn Thị Duyên lừa đảo hài cốt liệt sĩ?

Trả lời câu hỏi này, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến cho rằng, Ngân hàng Chính sách xã hội có lẽ cũng là nạn nhân của hai vợ chồng Thúy Duyên.

“Cần phải hết sức cảnh giác với những nhà ngoại cảm, hoặc tâm linh rởm trong việc tìm mộ liệt sỹ. Cần phải có nhiều các phương pháp tài liệu chứng cứ để việc truy tìm mộ liệt sỹ có hiệu quả chính xác”, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến đưa ra những lời khuyên.

Năm 1996, hai đối tượng Nguyễn Văn Thúy và Mẫn Thị Duyên cũng đã bị công an tỉnh Bắc Ninh bắt vì tội lừa đảo, chiếm dụng tài sản và tàng trữ vũ khí quân dụng. Năm 2005, sau khi ra tù, vợ chồng Thúy, Duyên tiếp tục hành nghề tìm mồ mả và bắt đầu nhận tìm mộ liệt sĩ .





Theo Kiến thức
Bình luận
vtcnews.vn