Lôi kéo khán giả đến sân và từng bước chinh phục họ là điều mà bóng đá phải làm để nuôi dưỡng tình cảm của người hâm mộ. Sợi dây gắn kết gữa đội bóng và cổ động viên phải được hình thành một cách tự nhiên. Chẳng có thứ tình cảm nào vẹn nguyên giá trị khi bị đặt trong cảnh gượng ép, trói buộc.
Ấy vậy mà điều ngược lại đang xảy ra ở một sân đấu V-League, nơi mà phải khó khăn lắm những người làm bóng đá mới làm cho các khán đài đông vui trở lại. Không phải một lần, các cổ động viên đến sân Hàng Đẫy theo dõi trận đấu của CLB Viettel phải chịu cảnh bị "nhốt", đã đi vào thì không được phép trở ra khi tiếng còi mãn cuộc chưa vang lên.
Video: CĐV xin về giữa trận Viettel, cựu Chủ tịch Hà Nội FC mắng 'ý thức ở đâu' (Nguồn: Sport 5)
Không chỉ ban tổ chức trận đấu của đội chủ nhà cấm cản các cổ động viên. Ông Nguyễn Quốc Hội, Chủ tịch công ty cổ phần thể thao Hà Nội T&T, đơn vị chủ quản của Hà Nội FC và được giao quyền quản lý sân Hàng Đẫy, chỉ tay "mắng" những khán giả muốn ra về trong giờ nghỉ giữa hai hiệp.
"Thích thì đến, không thích thì về. Ý thức ở đâu?", ông Hội quát lên như vậy, nói thêm rằng ở bên ngoài đang có bao nhiêu người khác muốn vào mà chẳng được.
Thích thì đến, không thích thì về thực ra lại chính là quyền lợi chính đáng của người hâm mộ và là lý do để buộc các đội bóng phải cố gắng làm tốt nhất có thể. Tuy nhiên cách hành xử của tổ chức trận đấu và đơn vị quản lý sân dường như có ý ngược lại, rằng được vào sân là vinh hạnh của các cổ động viên.
Chuyện khán giả bỏ về giữa trận đấu chẳng phải chuyện hiếm có trên sân cỏ thế giới, có thể vì lý do cá nhân, hoặc khi trận đấu chẳng còn sức hút gì đối với họ. Nhìn lên khán đài mà đá là lời nhắc nhở có sức nặng với các đội bóng. Họ phải làm thế nào đó để thuyết phục các cổ động viên ngồi lại, rằng những gì họ được phục vụ ở đây đáng tiền, đáng thời gian hơn những thứ khác ngoài kia.
Chẳng phải đâu xa mà ngay ở Thái Lan, những người làm bóng đá đã đẩy mạnh phục vụ khán giả bằng cả những dịch vụ đi kèm trận đấu. Đó là điều đáng để các CLB Việt Nam học hỏi và phấn đấu, có thể đi sau một thời gian nhưng phải theo cách như vậy, thay vì "nhốt" khán giả bằng sự cấm đoán.
"Nhốt" khán giả trên sân chỉ giữ được số lượng, bởi những người vì ép buộc mà ngồi lại liệu có còn cảm hứng dõi theo trận đấu? Tình yêu bóng đá, cũng như bất cứ thứ tình cảm nào khác, phải xuất phát từ tấm lòng chân thành tự nguyện. Quyền lực cấm đoán không phải là cách để chinh phục người hâm mộ.
VPF khẳng định không có quy định nào về việc khán giả có vé đã vào sân thì không được phép ra về giữa trận. Một vị lãnh đạo VPF nói lệnh cấm như vậy "là không nên".
Nội quy ra vào sân Hàng Đẫy xem trận đấu cũng không được in cụ thể trên bất cứ bảng biểu công khai hay trong tấm vé đến tay khán giả.
Bình luận