Chị Minh Hằng ở quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: "Tôi thấy trên mạng bán nhiều loại trang sức vàng non rất đẹp. 1 chỉ vàng non có giá 600.000 đồng, chỉ bằng khoảng 1/9 so với giá vàng 4 số 9 đang được niêm yết trên thị trường. Người bán quảng cáo là vàng thật nhưng non tuổi nên rẻ. Thấy rẻ và đẹp nên tôi đã mua một bộ trang sức nhưng đeo một thời gian thì thấy vàng phai màu".
Gần đây trên các mạng xã hội, trang sức bằng vàng non được quảng cáo, rao bán khá rầm rộ. Theo đó, trang sức vàng non hay còn gọi là trang sức vàng non tuổi được làm từ các loại vàng 10K (41,7%), vàng 14K (58,3%) thường được gọi là vàng 5 tuổi 8, vàng 18K (75%) thường được gọi là vàng 7 tuổi rưỡi.
Về mặt hình thức, những sản phẩm này có mẫu mã đa dạng phong phú và đẹp mắt. Đặc biệt, giá thành của nó rất rẻ, phù hợp với túi tiền của nhiều chị em hơn.
Một chiếc nhẫn đính đá khoảng 500.000 đồng, bộ hoa tai 350.000 đồng, dây chuyền 1000.000 đồng…
Thế nhưng theo những người buôn bán vàng lâu năm, không bao giờ có chuyện vàng thật mà lại rẻ đến thế.
"Vàng thì không thể nào có giá rẻ đến vậy, riêng tiền công cũng đã vài trăm nghìn rồi, chưa kể các bộ trang sức cầu kỳ thì giá thành còn đắt hơn rất nhiều. Nếu chỉ vài trăm nghìn đồng một bộ trang sức, đeo một thời gian người dùng thấy bị bay màu, thậm chí còn bị đỏ và ngứa da...thì chắc chắn đó là vàng giả", chủ một cửa hàng vàng lâu năm ở Hà Nội nói.
Còn theo các chuyên gia, thực tế, người ta không phân loại vàng theo tuổi, đó chỉ là cách gọi trong dân gian truyền miệng. Giá trị của vàng được xác định bằng tỷ lệ phần trăm vàng có trong sản phẩm.
Vàng có tỷ lệ thấp nhất trên thị trường hiện nay là vàng 1 số 9 (74-75%), vàng có giá trị cao nhất là vàng 4 số 9, chính là vàng 24K.
"Vàng là vàng, không có chuyện vàng nhiều tuổi thì đắt, vàng ít tuổi thì rẻ. Không có khái niệm tuổi vàng, và lại càng không có thuật ngữ nào là vàng non. Đây là vàng giả hoặc vàng có thành phần cực thấp. Bất kể sản phẩm vàng trang sức nào cũng có giấy chứng chỉ vàng. Nếu không có, thì đương nhiên đó không phải là vàng, hoặc là vàng giả", một chuyên gia nhận định.
Không chỉ mất tiền, điều lo ngại hơn là nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe khi trang sức vàng non có thể chứa nhiều kim loại khác nhau.
Kinh doanh vàng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, được sự quản lý của ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, để tránh rủi ro, người dân nên mua bán vàng tại các cửa hàng, đơn vị uy tín được cấp giấy phép kinh doanh. Bởi họ có chính sách thu mua, thu đổi, hậu mãi… rõ ràng, từ đó sẽ giúp người dân tránh được những rủi ro không đáng có.
Bình luận