• Zalo

Mua sắm Tết Dương lịch 2016: Người bán sợ không dám tăng giá

Kinh tếThứ Bảy, 02/01/2016 06:33:00 +07:00Google News

Mua sắm Tết Dương lịch 2016: Người bán sợ không dám tăng giá

Ba ngày nghỉ Tết Dương lịch năm nay là cơ hội lớn để kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, tuy nhiên người bán lại chỉ lo ế hoặc bán không hết hàng, chứ không dám nghĩ đến chuyện tăng giá. 
Doanh số thực phẩm, may mặc tăng mạnh
Theo khảo sát của phóng viên, sức mua tăng từ chiều 31/12/2015. Từ  8 - 9 giờ ngày 1/1, bãi giữ xe của nhiều chợ truyền thống và siêu thị đã đầy ắp.
Hàng hóa tại TP HCM dồi dào, giá ổn định Ảnh: TẤN THẠNH
Hàng hóa tại TP HCM dồi dào, giá ổn định Ảnh: TẤN THẠNH 
Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết các siêu thị thuộc hệ thống đều đông khách từ lúc mở cửa, ước chừng doanh số tăng gấp đôi so với ngày thường. “Doanh số tăng 2 - 3 lần thuộc các nhóm thực phẩm tươi sống, may mặc… 
Nguyên nhân là do nghỉ lễ trùng với cuối tuần, siêu thị tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nên thu hút được người tiêu dùng. Dự báo sức mua sẽ còn tăng cao trong dịp lễ này” - ông Anh nói.
Bà Trần Thị Nghĩa, Giám đốc Lotte Mart Nam Sài Gòn (quận 7), cho biết từ ngày cuối năm 2015 đến trưa 1/1, hệ thống LotteMart đón 11.000 lượt khách, doanh thu gần 4 tỷ đồng/siêu thị, tăng 20% so với ngày thường. 
Các mặt hàng bán chạy gồm thực phẩm tươi sống, thức uống và hóa mỹ phẩm. Trong đó, rượu bia, nước ngọt, đồ ăn chế biến sẵn... tăng đến 30%-35%.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết ngày đầu năm mới, sức mua tăng trưởng tốt nhưng không có sự đột biến. “Dịp này, người dân TP đi du lịch không nhiều mà chủ yếu mua sắm hàng tươi sống về chế biến, tổ chức tiệc tại nhà. 
Dù vậy, giá cả vẫn ổn định, giới kinh doanh chỉ hy vọng bán được nhiều hàng hơn trong dịp này. Hiện nay, không ai dám tăng giá vì tăng người tiêu dùng sẽ đi nơi khác. Các cửa hàng tiện lợi của Co.op Food, Satrafood, Vinmart, Vissan… đã có khắp nơi, ngay cả ở vùng ven nên người dân có nhiều cơ hội lựa chọn” - ông Mười nhận định.
Lo bán không hết hàng
Bà Nguyễn Hồng Thắm - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, doanh nghiệp bao tiêu heo VietGAP tại TP HCM - cho biết nhu cầu tiêu dùng ở chợ tăng cao nhưng không thiếu hụt nguồn cung nhờ trường học, bếp ăn tập thể ngừng hoạt động. 
“Giá bán lẻ thịt heo VietGAP tới người tiêu dùng không đổi nhưng giá mua heo đã tăng 1.000 đồng/kg, lên 47.000 đồng/kg do có thêm đơn vị tranh mua” - bà Thắm cho biết.
Theo đại diện chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), lượng hàng về chợ đêm 31-12-2015 và rạng sáng 1-1 đạt 2.247 tấn, giảm 20 tấn so với ngày trước. Trong đó, ngành hàng chủ lực của chợ là hải sản tươi sống nhập 1.111 tấn (giảm 13% so với đêm trước). 
Do dịp lễ nên sức mua ngành hàng này tăng mạnh, đặc biệt là nghêu, sò lông, sò huyết, ốc hương, chem chép… Giá bán sỉ tương đối ổn định, chỉ có cá thu tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg, lên 120.000 - 145.000 đồng/kg). 
Trái ngược với hàng thủy hải sản, rau củ quả và gia súc - gia cầm đứng giá hoặc giảm. Heo mảnh đứng giá ở mức 58.000 đồng/kg, ba rọi 82.000 đồng/kg, nạc 70.000 đồng/kg, gà thả vườn 64.000 đồng/kg.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM, hàng Tết năm nay dồi dào nên người tiêu dùng có thể yên tâm. Doanh nghiệp chỉ lo ế hoặc bán không hết hàng, chứ không dám nghĩ đến tăng giá. 
Với đặc sản cá thu, để giá không tăng cao do nhu cầu đột biến, có thể vận động tiểu thương trữ hàng vì hệ thống kho lạnh tại các chợ đầu mối hiện khá tốt.

Nguồn: Người Lao động
Bình luận
vtcnews.vn