• Zalo

Mua ô tô trả góp: Khách hàng mất ngủ khi đến kỳ thanh toán

Đầu TưThứ Bảy, 21/08/2021 10:50:24 +07:00Google News
(VTC News) -

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ hàng tháng cho khoản vay mua ô tô trả góp.

Giữa năm 2019, vợ chồng anh Đức (Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội) ký hợp đồng tín dụng vay vốn ngân hàng mua chiếc xe 45 chỗ để kinh doanh chở khách và dùng chính chiếc xe làm tài sản đảm bảo cho khoản vay.

Từ đó đến hết năm 2019, vợ chồng anh Đức vẫn trả vốn vay ngân hàng đúng hẹn.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ tháng 1/2020, công việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Hai vợ chồng anh Đức phải vay mượn khắp nơi mới đủ để trả khoản tiền gốc và lãi vay mua xe gần 40 triệu đồng/tháng.

Năm 2020 tuy dịch bệnh khó khăn, nhưng xe vẫn túc tắc chạy được tầm 10 -15 ngày/tháng, vì vậy khoản vay mượn không quá nhiều, vợ chồng tôi vẫn cố xoay sở được”, anh Đức chia sẻ.

Mua ô tô trả góp: Khách hàng mất ngủ khi đến kỳ thanh toán - 1

Mua ô tô trả góp, khách hàng mất ngủ khi đến kỳ thanh toán.

Tuy nhiên, từ tháng  5/2021 đến nay, khi dịch tái bùng phát với cấp độ mạnh hơn, thu nhập của gia đình anh bằng 0, 3 tháng nay anh Đức chưa trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng.

"Trước nguy cơ bị siết nợ, tôi vừa làm đơn xin gia hạn nợ và mong muốn ngân hàng hoãn cho đến khi dịch được khống chế", anh Đức ngậm ngùi nói.

Tương tự, cuối năm 2019, anh Nguyễn Văn Cường (Đông Anh, Hà Nội) mua một chiếc xe Hyundai i10 theo hình thức trả góp với giá hơn 600 triệu đồng. Để được vay, anh Cường phải ký hợp đồng tín dụng với một ngân hàng và mỗi tháng trả đủ 10 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.

Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát thu nhập của anh Tuấn giảm sút, khoản tiền 10 triệu đồng mỗi tháng trả ngân hàng trở thành gánh nặng với anh.

Từ đầu năm nay, tôi không còn khả năng trả nợ ngân hàng. Vì vậy, cuối tháng 6 vừa rồi, ngân hàng đã phong toả tài sản đảm bảo là chiếc xe ô tô Hyundai i10 tôi đã thế chấp”, anh Cường cho hay.

Chị Hoàng Giang, một tiểu thương buôn bán tại Hà Nội cho hay, năm ngoái, vợ chồng chị mua ô tô bán tải trả góp để vận chuyển hoa quả, thực phẩm từ tỉnh Hải Dương lên Hà Nội bán. 

Khoản lãi từ buôn bán dùng để trả nợ 400 triệu đồng vay ngân hàng. Tuy nhiên, từ khi dịch bùng phát lần thứ tư, kinh doanh đình trệ, cố gắng chắt chiu cũng chỉ đủ ăn nên không có tiền trả nợ ngân hàng,.

Tôi đã liên hệ với ngân hàng để làm đơn đề nghị, hy vọng sẽ được ngân hàng giãn thời hạn trả nợ, giảm phần nào lãi suất, nhưng đến nay gần 2 tháng vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía ngân hàng. Nguy cơ bị siết nợ là rất cao”, chị Giang than thở.

Dịch bệnh đã khiến nhiều gia đình khó khăn, rơi vào cảnh thất nghiệp, thu nhập giảm sút. Đây chính là nguyên nhân chính khiến nhiều người không thể trả được các khoản vay trả góp mua ô tô.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, số lao động thất nghiệp gia tăng do nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh nên buộc phải cắt giảm lao động.

Cụ thể, số người thất nghiệp trong quý II/2021 là 1,2 triệu người (2,62%), tăng so với quý I là 0,2% và tăng 0,46% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 7 với mức độ phức tạp của dịch bệnh, số lao động thất nghiệp tăng cao, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị lên hơn 4%.

Điều này đã gián tiếp khiến khách hàng vay tiền mua ô tô trả góp có nguy cơ bị siết nợ. Gần đây, nhiều khách hàng cá nhân gửi đơn xin được ngân hàng cơ cấu nợ, giảm lãi vay hiện hữu.

Theo nhân viên 1 ngân hàng TMCP có nhiều hợp đồng tín dụng mua xe trả góp cho biết, gần đây, số lượng ô tô bị thu hồi trừ nợ đang tăng lên do không có khả năng thanh toán. Tại ngân hàng này, số khách hàng không có khả năng trả nợ và bị thu xe hai tháng lại đây cao gấp 1,5 lần so với trước. Nhiều nhất là xe tải và xe chở khách.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận, các ngân hàng đã nhận được hàng nghìn đề nghị giãn nợ, giảm lãi suất của khách hàng cá nhân. Theo tính toán sơ bộ, tại nhiều ngân hàng, trong tổng số dư nợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dư nợ của khách hàng cá nhân chiếm tới 1/3, nguyên nhân là do thất nghiệp hoặc thu nhập giảm sút.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, mặc dù ngân hàng tích cực vào cuộc, song nếu dịch bệnh kéo dài, tình hình nợ xấu của khách hàng cá nhân sẽ còn tăng. Thu nhập giảm sút có thể đẩy nhiều gia đình vào cảnh mất khả năng trả nợ. Thậm chí, nếu dịch bệnh kéo dài, kinh tế đóng băng, thì khả năng vỡ nợ hàng loạt có thể xảy ra.

Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của ngành ngân hàng, cần rất nhiều bộ, ngành khác cùng vào cuộc. Cụ thể, Bộ Tài chính cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ về thuế, phí để doanh nghiệp có thêm nguồn lực trả lương cho người lao động; Chính phủ cần sớm ban hành các gói hỗ trợ an sinh cho lao động mất việc, cho người nghèo…

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn