Ngày 7/8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, đợt mưa lũ xảy ra từ 1-6/8 trên địa bàn các tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng đã gây thiệt hại rất lớn về người và của.
Theo đó, đợt mưa lũ đã làm 26 người chết (Yên Bái: 6, Sơn La: 12, Lai Châu: 2, Điện Biên: 5, Cao Bằng: 1); 15 người mất tích (Yên Bái: 9, Sơn La: 5, Lai Châu: 1); 27 người bị thương (Yên Bái: 13, Sơn La: 12, Cao Bằng: 2); 231 nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; 425 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở; 398 hộ phải sơ tán, di dời; 338,5 ha lúa bị cuốn trôi, vùi lấp do sạt lở.
Mưa lũ cũng làm sạt lở 25.141m3 đường quốc lộ (Điện Biên: 13.442m3 trên QL 12, QL 279B, QL 279C, QL 4H; Yên Bái: 7.314m3 trên QL32; Sơn La: 2.385m3, Cao Bằng: 2.000 m3).
Sạt lở 117.706m3 đường tỉnh và huyện (Lai Châu: 9.000m3 trên một số tuyến đường giao thông huyện Nậm Nhùn, Mường Tè; Điện Biên: 14.636m3 trên ĐT150, ĐT142, ĐT143; Yên Bái: 42.500 m3 đường tỉnh lộ bị sạt lở gây ách tắc giao thông; Sơn La: 50.570 m3 trên ĐT109 và một số tuyến đường cấp huyện).
145 công trình thủy lợi bị hư hỏng (Yên Bái: 141 công trình, Sơn La: 3 công trình, Điện Biên: 1 công trình); 2.072m kè bờ suối (Sơn La: 2.000m, Điện Biên: 72) bị thiệt hại.
Tổng thiệt hại vật chất ước tính trên 940 tỷ đồng.
Video: Vì sao lũ quét đồng loạt xảy ra trên diện rộng?
Để tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các cơ quan liên quan, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm người mất tích; cứu chữa người bị thương, tổ chức thăm hỏi động viên những gia đình có người thiệt mạng; giúp dân sửa chữa lại nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu, phục hồi sản xuất và đời sống.
Các đơn vị tiếp tục huy động lực lượng để khắc phục giao thông, nhất là các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện và các khu vực bị cô lập, chia cắt.
Ban Chỉ đạo yêu cầu kiểm tra các hồ chứa nước, nhất là các hồ xung yếu, các hồ đã đầy nước hoặc gần đầy nước, các hồ chứa nước nhỏ do địa phương quản lý, xử lý kịp thời các sự cố, chủ động tiêu nước thoát lũ để đảm bảo an toàn các hồ chứa.
Bình luận