Nền kinh tế mở cửa trở lại khiến giá dầu thô tăng khoảng 40% kể từ đầu năm. Con số này được dự đoán có thể tăng thêm nữa khi người dân di chuyển nhiều hơn và nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại bằng đường hàng không tăng cao.
Nhu cầu tăng mạnh, sản lượng không theo kịp
Ngày 24/6, giá dầu tăng mạnh sau thông tin dự trữ dầu thô Mỹ giảm trong bối cảnh các nhu cầu tiêu thụ duy trì đà phục hồi do các hoạt động kinh tế được nối lại. Cụ thể, dầu WTI giao dịch ở ngưỡng 73,3 USD/thùng, dầu Brent ở ngưỡng 74,7 USD/thùng. Kết thúc phiên khuya 23/6, giá dầu Brent tăng 38 cent, tương đương 0,5% lên 75,19 USD/thùng.
"Nhu cầu đang tăng lên rất nhanh khi các nền kinh tế châu Âu mở cửa trở lại", Francisco Blanch, chiến lược gia về hàng hóa và phái sinh toàn cầu tại Bank of America nhận định.
Các nhà phân tích năng lượng thế giới đồng thuận rằng giá dầu thế giới đang tăng cao nhưng họ không rõ mức kịch trần sẽ là bao nhiêu và đà tăng này duy trì trong bao lâu.
Theo Blanch, trong ba năm tới, không loại trừ khả năng giá dầu có thể chạm mốc 100 USD/thùng.
"Đó sẽ là câu chuyện của năm 2022, 2023. Một phần là do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đang nắm ưu thế. Ngoài ra các nhu cầu đang bị dồn nén, lạm phát ở khắp mọi nơi", ông Blanch phân tích.
Các thành viên của OPEC cùng các đồng minh (nhóm OPEC+) đang dần đưa dầu trở lại thị trường. Họ đồng ý thực hiện kế hoạch tăng sản lượng khai thác thêm 350.000 thùng/ngày trong tháng 6 và thêm 450.000 thùng/ngày trong tháng 7. Arab Saudi cũng đồng ý cắt giảm sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng/ngày so với hạn ngạch trong thỏa thuận OPEC+.
Ngành công nghiệp Mỹ đang sản xuất khoảng 11 triệu thùng/ngày, giảm so với khoảng 13 triệu thùng/ngày trước đại dịch. Hiện chưa rõ các công ty Mỹ cần bao lâu để khôi phục lại mức sản xuất đó.
"Mức độ nhạy cảm của các nhà sản xuất đối với sự thay đổi giá cả đã giảm do vấn đề về vốn. Áp lực buộc các công ty phải thận trọng trong cách sử dụng vốn sau khi giá cả sụt giảm vào năm 2020. Chúng ta đang trong tình thế giá cả tăng lên. Các công ty không muốn đầu tư. Họ đang trả bớt nợ và tăng cổ tức", Blanch cho biết.
Hiện tại, sản lượng dầu đang không kịp theo nhu cầu khi các nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Ngay cả với cam kết OPEC+, giá dầu vẫn tiếp tục tăng.
OPEC dự đoán nhu cầu có thể đạt 99,8 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, nhưng chuyên gia John Kilduff của Again Capital cho biết nguồn cung dự kiến chỉ đạt khoảng 97,5 triệu thùng/ngày.
"Các nhu cầu đang bùng nổ. Các con số có thể tăng mạnh khi chúng ta đến gần hơn Ngày Lao động (6/9)", ông Kilduff cho hay.
Giá dầu sẽ đạt đỉnh nào?
Thời điểm này, nhiều chuyên gia đưa ra nhận định về diễn biến giá dầu thời gian tới, tuy nhiên việc dự báo cũng không hề đơn giản bởi giá sản phẩm này đang rất khó lường.
"Chào mừng đến với thế giới hậu đại dịch. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu đang tăng nhanh chóng từ quý đầu tiên tới quý thứ ba", Phó Chủ tịch công ty phân tích và nghiên cứu IHS Markit Daniel Yergin cho biết.
Yergin dự đoán, giá dầu Brent trung bình trong năm nay sẽ ở mốc 70 USD/thùng.
"Giá dầu có thể vọt lên mức 80 USD nhưng thị trường sẽ có phản ứng. Điều đó ảnh hưởng tới nhu cầu và cũng sẽ có phản ứng chính trị trước diễn biến này. Sẽ có những cuộc gọi. Kinh nghiệm chính trị dạn dày của Tổng thống Biden đủ để ông biết rằng giá dầu cao luôn là vấn đề với bất cứ Tổng thống Mỹ nào", Yergin nói.
Nhu cầu hiện tăng cao tới mức các nhà phân tích kỳ vọng thị trường có thể "hấp thụ" thêm sản lượng 1 triệu thùng/ngày của Iran nếu nước này tuân thủ trở lại các cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân Iran. Nhưng Tehran vẫn chưa cho thấy họ mặn mà với điều này.
Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC nhận định kịch bản trên sẽ không sớm xảy ra bởi các vòng đàm phán đưa Iran trở lại thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 không đạt được đột phá. Bà Croft tin rằng, việc đưa trở lại các thùng dầu của Iran vào thị trường có thể sẽ là nội dung thảo luận của OPEC trong mùa hè này.
Kilduff tin rằng chìa khóa cho tầm nhìn dài hạn là ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ tiếp tục các hoạt động cũ và thúc đẩy tiến độ sản xuất.
Nhà phân tích Eric Lee của Citigroup hy vọng các nhà khai thác của Mỹ sẽ sớm trở lại mức sản xuất trước đây. Nhưng ông này thừa nhận đã có những thay đổi trong thái độ của họ. "Trong khi các công ty tư nhân phản ứng nhanh chóng, các công ty lớn và thuộc sở hữu nhà nước lại thận trọng hơn rất nhiều", Lee cho hay.
OPEC + hiện không nhận thấy mối đe dọa từ Mỹ và năng lực sản xuất dự phòng đủ để tổ chức này kiềm chế giá dầu leo thang cũng như bổ sung nguồn cung nếu cần.
“Họ không thấy các nhà sản xuất Mỹ quay trở lại mạnh mẽ vào lúc này. Tôi nghĩ họ cho rằng các nhà sản xuất Mỹ sẽ không trở lại mạnh mẽ", Lee phân tích.
Bình luận