• Zalo

Mua dự án thế chấp hai lần, khách hàng sẽ có thể mất trắng tiền

Kinh tếThứ Năm, 04/05/2017 14:28:00 +07:00Google News

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA), hiện nay một dự án có thể đem thế chấp hai lần, những dự án này nếu không thực hiện được, khách hàng sẽ mất trắng.

Tại buổi tọa đàm "Nhà ở hình thành trong tương lai, làm gì để hạn chế rủi ro", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA) cho biết, thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp bất động sản đã sử dụng các hình thức làm ăn không đàng hoàng, lừa dối khách hàng, ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Đặc biệt, hiện nay nhiều chủ đầu tư đã đem dự án thế chấp hai lần, trong khi pháp luật chỉ cho phép dự án thế chấp một lần là thế chấp tài sản hoặc thế chấp quyền tài sản.

Hinh anh

 Mua dự án thế chấp hai lần, khách hàng sẽ có thể mất trắng tiền.

Hình thức thế chấp hai lần tức là đem sổ đỏ của dự án đi thế chấp vay tiền lần thứ nhất và thế chấp những căn hộ hình thành trong tương lai đã bán cho khách hàng để vay tiền lần thứ hai.

Hình thức thế chấp dự án này sẽ gây rủi ro rất lớn cho khách hàng, bởi nếu dự án không thực hiện được, khách hàng sẽ mất trắng. Nói cách khác, trường hợp này khách hàng sẽ mất cả nhà và cả đất.

Ngoài ra, theo ông Châu, nhiều chủ đầu tư còn có hành vi gian dối khi bán 1 mảnh đất hay 1 căn hộ cho vài người. Việc này đã diễn ra tại TP.HCM và Đồng Nai.

Chủ đầu tư chủ yếu sử dụng các hình thức như: Đổi tên dự án. Đây là trường hợp những dự án “chết”, dự án dính tai tiếng trước đây được đổi tên để xóa dấu vết nhưng thực chất vẫn là “bình mới rượu cũ”.

Thứ hai là thay đổi luôn cả tên chủ đầu tư. Trường hợp này cũng xảy ra với những chủ đầu tư làm ăn chụp giật, bị báo chí phản ánh, sau đó đổi cả tên doanh nghiệp.

Thứ ba là làm lại quy hoạch 1/500, mà quy hoạch 1/500 tăng thêm những tiện ích không có thật (tức là lừa dối về mặt thông tin đối với khách hàng). Không những vậy, có những trường hợp doanh nghiệp tự ý thay đổi quy hoạch 1/500. Dù cơ quan chức năng chưa phê duyệt nhưng họ đã đem bán.

Thứ tư là, thủ đoạn tăng giá so với cam kết giữa các bên với nhau. Ví dụ như chủ đầu tư giao bán 300 triệu/ nền, nhưng đơn vị rao bán lên đến 400 - 500 triệu/nền. Cuối cùng không giao hợp đồng cho khách hàng, dẫn đến tranh chấp.

Điều đáng nói, dù sai phạm của chủ đầu tư đã rõ, nhưng cơ quan tố tụng vẫn cho rằng đây là tranh chấp dân sự và người dân vẫn phải vác đơn đi kiện. Kết quả là, sau nhiều năm đấu tranh, người mua nhà vẫn không đòi lại được tiền, chủ đầu tư thì mất tích.

Để tránh gặp phải các rủi ro khi mua nhà hình thành trong tương lai, ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng giám đốc công ty Him Lam Land, khách hàng nên tới tận nơi tìm hiểu thông tin một cách trực quan sinh động nhất, có như vậy khách hàng mới không chọn nhầm chủ đầu tư hay dự án nhà ở. Ngoài ra, người mua cũng cần tìm hiểu rõ về lịch sử chủ đầu tư và yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ pháp lý dự án.

Video: Cách thoát hiểm khi chung cư xảy ra hỏa hoạn

Ngọc Vy - Thanh Mai
Bình luận
vtcnews.vn