Sự nóng lên của Trái đất, tốc độ đô thị hóa chóng mặt khiến nhiều người lo ngại những năm tới tuyết ở Sapa sẽ ngừng rơi. PV VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Lào Cai về vấn đề này.
- Trong những năm gần đây, ngoài Sapa, hiện tượng tuyết rơi cũng được ghi nhận ở một số địa phương. Vậy năm nay hiện tượng này có tái diễn?
Trước đây, ở Sapa trung bình phải từ 8 đến 10 năm mới xảy ra một đợt mưa tuyết, nhưng bỗng nhiên mấy năm gần đây nó xảy ra liên tục và cường độ mạnh hơn nhiều. Không riêng gì Sapa, ngày 24, 25/1/2016, miền Bắc có 26 điểm ở các địa phương có tuyết rơi.
Vùng núi Ba Vì (Hà Nội) và một số vùng núi của tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Lạng Sơn cũng lần đầu tiên ghi nhận được tuyết rơi. Thế nhưng năm nay, dự báo cũng sẽ có tuyết rơi nhưng tần suất là rất ít.
Theo quy luật bình thường, tuyết rơi tập trung vào cuối tháng 12, trong tháng 1, sang tháng 2 thì hãn hữu có tuyết rơi ở Sapa. Nhưng quan trắc ở Sapa từ năm 1956 đến giờ thì đa số rơi vào tháng 1 là nhiều. Những năm muộn nhất là năm Đông Xuân 1967 - 1968 rét kỉ lục, tuyết rơi vào ngày 14/2. Đặc biệt là năm 2014 tuyết rơi muộn chưa từng có vào ngày 16/3.
- Sự nóng lên của Trái đất, tốc độ đô thị hóa chóng mặt đã khiến nhiều người lo ngại những năm tới tuyết ở Sapa sẽ ngừng rơi. Ông có dự báo gì về điều này?
Nếu nói tuyết ngừng rơi hoàn toàn thì không nhưng có thể chu kì của nó sẽ dài ra. Điều này cũng không có gì lạ bởi trước đây ở Sapa trung bình phải từ 8 đến 10 năm mới xảy ra một đợt mưa tuyết.
Tôi không phủ định, với tình hình đô thị hóa như hiện nay ít nhiều ảnh hưởng đến thời tiết, nhiệt độ của Sapa. Bình thường đô thị hóa đã khiến nhiệt độ gia tăng rồi, thêm vào đó, xu thế ấm lên toàn cầu khiến khả năng tuyết rơi ở Sapa trong thời gian tới sẽ ít đi.
- Việc có tuyết rơi hay không ảnh hưởng thế nào với người dân Sapa?
Vào những mùa tuyết rơi, Sapa thu hút được nhiều khách du lịch hơn. Thế nhưng, đối với những người dân nghèo trong bản sâu, bản xa thì lại không được hưởng lợi từ dịch vụ du lịch.
Vào các đợt rét đậm, rét hại hàng năm, trâu bò, lợn gà, hoa màu của nhiều gia đình đã chết vì băng giá. Bởi vậy theo tôi, có tuyết rơi thì những người làm dịch vụ hưởng lợi chứ còn những người nông nghiệp lại bị khổ.
Nhưng đó cũng là quy luật tự nhiên mà người dân sẽ phải thích nghi, không nên quá tiêu cực với nó thì mới phát triển được.
- Theo ông, tình hình thời tiết Sapa trong những năm tiếp theo sẽ diễn biến như nào?
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ khiến mùa hè dài ra còn mùa đông thì ngắn lại.
Như các bạn cũng đã thấy, mùa đông năm nay cũng đến muộn và có thể kết thúc sớm hơn so với mọi năm. Từ giờ đến cuối năm thì xác định năm nay là một mùa Đông Xuân ấm nóng và ít mưa.
Theo dự báo của tôi thì khả năng đợt rét đậm đầu tiên ở Sapa rơi vào cuối tháng 12, đầu tháng 1 nhưng cũng không kéo dài như các năm.
- Xin cảm ơn ông!
Video: Ngắm tuyết rơi trên đỉnh Bà Nà dịp Giáng Sinh
Bình luận