Sau hơn 1 tháng vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, các nhà máy điện có giá thành sản xuất cao bắt đầu nhận thấy “hụt hơi” trong cuộc chơi.
Điều kỳ lạ là có thời điểm, có nhà máy thủy điện chỉ chào giá bán là 0 đồng hoặc 1 đồng/kwh. Sở dĩ các nhà máy thủy điện này chào giá gần như bằng 0 vì khi đó, nước tại các hồ chứa của họ lên cao, đằng nào cũng phải xả nước đi.
Đại diện của nhiều đơn vị nhiệt điện cho biết: Ngay sau khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh đã bị sụt giảm về sản lượng. Thậm chí có ngày lỗ tới vài tỷ đồng.
Theo các DN, gọi là cạnh tranh những đang có những sự bấp cập do các đơn vị thi đấu cùng “võ đài” nhưng không cùng “hạng cân”.
Ví dụ, các nhà máy thủy điện lớn của nhà nước như: Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sông Đà được đầu tư xây dựng đã lâu hết khấu hao, còn một số nhà máy mới như Sơn La, Lai Châu... được đầu tư bằng nguồn vốn vay nước ngoài như vốn ODA, ADB, được nhà nước bảo lãnh, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ lãi suất thấp.
Còn ngược lại, các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa vay vốn ngân hàng thương mại đến 70 - 80% và lãi suất lại cao không được ưu đãi. Từ nguồn vốn khác nhau dẫn đến giá thành sản xuất của nhà máy thủy điện nhỏ và vừa sẽ cao hơn nhà máy thủy điện lớn của nhà nước.
Theo Bộ Công Thương, trong đợt đầu vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, có 29 nhà máy điện trực tiếp nộp bản chào giá với Công ty Mua bán điện (EPTC). Tổng công suất của 29 nhà máy khoảng 9.035MW, trong đó gồm 13 nhà máy thủy điện, 11 nhà máy nhiệt điện than và 5 nhà máy tuabin khí. Ngoài ra, còn có 26 nhà máy điện gián tiếp tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh.
Theo Công Lý/Diễn đàn kinh tế Việt Nam
Bình luận