Chị Trần Thu Trang (29 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cho biết chị và nhóm bạn của mình vừa trải qua những ngày nghỉ thất vọng khi lựa chọn đặt phòng homestay giá rẻ đi du lịch Đà Lạt.
Theo chị Trang, chị và nhóm bạn thân đã lên kế hoạch đi du lịch Đà Lạt vào thời điểm đầu tháng 6, ngay khi bắt đầu vào hè. Nhóm của chị quyết định lựa chọn tìm đặt phòng homestay để tiết kiệm chi phí cũng như phù hợp với nhu cầu.
Sau nhiều ngày tìm hiểu trên các diễn đàn mạng xã hội, chị Trang và những người bạn của mình quyết định đặt thuê phòng Homestay dạng nhà kính có giá hơn 1 triệu đồng/ 1 ngày cho phòng có 6 giường.
“Những bức hình được cơ sở homestay quảng cáo nhìn rất đẹp, hòa đồng với thiên nhiên đã ngay lập tức thu hút cả nhóm mình. Tuy nhiên, sau khi đến nơi cả nhóm đã phải thất vọng ngay từ những cái nhìn đầu tiên. Do đặc thù homestay dạng nhà kính nên phòng ở hứng nắng từ tất cả các phía, phải căng rèm và bôi kem chống nắng đi ngủ ngay trong phòng. Khác với hình ảnh gần gũi thiên nhiên ban đầu chúng mình tưởng tượng, việc đặt cây xanh trong phòng khiến muỗi xuất hiện rất nhiều.
Không những thế, chúng mình còn phát hiện ra trong phòng được lắp camera theo dõi hoạt động bình thường. Nhóm mình toàn con gái nên rất lo, nhưng khi thắc mắc chỉ được chủ homestay cho biết đó là quy định của cơ sở để giám sát các phòng chung”, chị Trang kể về nỗi thất vọng của mình.
Nhóm của chị Trang cho biết thêm, do đã đặt trọn vẹn tiền thuê phòng 3 ngày 2 đêm nên cả nhóm phải chấp nhận ngậm ‘trái đắng’. Sau chuyến đi thất vọng này, cả nhóm đều khẳng định sẽ không bao giờ lựa chọn những dịch vụ giá rẻ được quảng cáo trên mạng xã hội khi đi du lịch nữa.
Để rút kinh nghiệm cho những người khác, nhóm chị Trang đã đăng tải bài viết chia sẻ về trải nghiệm của mình lên mạng xã hội. Tại bài viết này, nhiều người cũng chia sẻ những câu chuyện của mình gặp phải khi lựa chọn dịch vụ giá rẻ khi đi du lịch. Qua đó, hầu hết đều đưa ra lời khuyên cần tìm hiểu thật kỹ những dịch vụ được quảng cáo trên mạng xã hội, không phải cứ giá rẻ là chất lượng kém, tuy nhiên, việc lựa chọn nhưng dịch vụ giá rẻ khiến nguy cơ ‘ngậm trái đắng’ tăng lên nhiều hơn.
Cũng tỏ ra thất vọng về chuyến du lịch của mình, anh Trần Trọng Tráng (Hà Đông, Hà Nội) cho biết gia đình mình vừa có chuyến du lịch Đà Nẵng 3 ngày 2 đêm không được như kỳ vọng.
“Con gái được nghỉ hè, mình và vợ đã lên kế hoạch cho cả gia đình đi du lịch ngay trong tháng 6. Vợ mình đã tìm hiểu trên các hội nhóm Facebook và đặt mua combo du lịch gồm vé máy bay và khách sạn với giá hơn 4,5 triệu đồng/ 1 người.
Theo giới thiệu, giá combo trên đã gồm vé máy bay 2 chiều, khách sạn, miễn phí bữa ăn sáng. Tuy nhiên do chưa tìm hiểu kỹ, khi vào tới nơi cả gia đình mình mới nhận ra khách sạn ở quá xa trung tâm TP Đà Nẵng, phòng ốc cũng không được gọi là tiện nghi. Việc phải di chuyển xa mỗi lần muốn vào trung tâm khiến chi phí tăng cao, combo giá rẻ lại trở thành đắt”, anh Tráng chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo anh Tráng, với việc các điểm du lịch như Hội An, Bà Nà Hill... cách xa nhau, combo du lịch của anh chỉ bao gồm vé máy bay và khách sạn nên muốn đi đâu đều phải bỏ thêm chi phí. Sau chuyến đi, chi phí phát sinh của gia đình anh đã lên tới hàng chục triệu đồng. Chuyến du lịch giá rẻ đã khiến gia đình anh lâm vào cảnh dở khóc dở cười, dù đã mua combo du lịch nhưng không khác gì tự túc cả.
Tương tự thế, chị Nguyễn Thị Linh, nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết bản thân cũng vừa trải qua nỗi thất vọng khi mua combo du lịch giá rẻ trên mạng. Chị Linh và bạn trai của mình mua combo du lịch Phú Quốc 3 ngày 2 đêm với giá hơn 3 triệu đồng/1 người gồm vé máy bay và khách sạn. Tuy nhiên, khi vào đến nơi chị nhận thấy chất lượng khách sạn không được như quảng cáo, cơ sở vật chất xuống cấp sau thời gian dài vắng khách do đại dịch. Lúc này, chị liên hệ để phản ánh với người bán về chất lượng thì sau cuộc gọi thứ nhất chị không thể liên lạc được nữa. Do đã thanh toán hết tiền mua combo du lịch, phía khách sạn cũng không làm việc trực tiếp với khách hàng nên chị và bạn trai của mình đã phải chấp nhận mất thêm tiền để thuê khách sạn khác.
"Cũng may sau đó chúng mình tìm được khách sạn ưng ý, tuy nhiên chuyến đi chơi đã không được như kỳ vọng. Đến bây giờ mình vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía bán combo du lịch", chị Linh nói.
Ngoài những ‘trái đắng’ mà du khách gặp phải khi mua các combo du lịch giá rẻ trên mạng xã hội, nhiều người cũng cho biết việc ‘loạn’ các combo du lịch và nhu cầu của người dân rất lớn khiến nhiều kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo. Không ít người do không tìm hiểu kỹ và có phần vội vàng nên đã chuyển tiền đặt cọc các gói combo du lịch giá rẻ rồi bị người bán chặn liên lạc, chiếm đoạt tiền.
Những người bị lừa hầu hết không thể lấy lại tiền do không nắm được thông tin của người bán bởi đó là các tài khoản ảo.
Mùa du lịch hè đang bắt đầu bùng nổ, không phải du khách nào cũng có điều kiện kinh tế để lựa chọn cho mình những dịch vụ du lịch tốt nhất. Khi đó, những combo du lịch giá rẻ chính là những giải pháp để kích cầu du lịch, tạo điều kiện cho bất kỳ ai cũng có thể đi du lịch.
Tuy nhiên, khi lựa chọn những combo du lịch giá rẻ, du khách hãy tìm hiểu thật kỹ để tránh “ngậm trái đắng”.
Bình luận