Cũng chỉ tại vía lớn
Đứng giữa một rừng sao đầy sung sức và sự mới lạ, Đàm Vĩnh Hưng lúc bấy giờ cũng chỉ được coi như một nhân tố mới để có thể ‘câu kéo’ khán giả đến xem một bản sao của Thanh Lam như thế nào.
Những năm đầu thế kỷ 21, những show dạng sự kiện bắt đầu nổi lên do một nhãn hàng nào đó tổ chức. Năm đó có một hãng trà lần đầu tiên vào thị trường Việt Nam đã ra quần bùng nổ bằng 62 show ở 62 tỉnh thành khắp cả nước.
Và Đàm Vĩnh Hưng đã hụt mất 62 show đó trong sự ấm ức: ‘Toàn bộ sân vận động lớn nhỏ trên cả nước được họ trưng dụng để tổ chức những chương trình ca nhạc. Người ta muốn có sự mới lạ nên đã mời tôi cùng những ca sỹ tên tuổi của showbiz lúc bấy giờ.
Thế nhưng khi đó, quản lý của một ngôi sao đã nhìn danh sách ca sỹ và nói rằng nếu có tôi thì ca sỹ đó sẽ không tham gia. Cực chẳng đã, ban tổ chức phải gạch tên tôi để giữ lại ngôi sao kia.
Nghĩ cũng buồn cười, khi đó thì mình ấm ức nhưng nếu ca sỹ kia có tài năng tương xứng với sự nổi tiếng thì đâu có sợ một, hai người mới nổi như tôi?
Sau này công ty tổ chức sự kiện đó đã kể lại và mong tôi thông cảm nên tôi mới biết được sự thật đằng sau vu việc này.
Thực ra cũng tại tôi nổi tiếng nhanh quá. Những năm 98,99 tôi đã nếm đủ cả những vất vả của nghề: chờ đợi, bị tranh show, di chuyển bằng xe heo, bị quỵt tiền, ca sỹ ganh tị….
Thời đó nữ lên là bị nữ ghét, nam lên là bị nam ghét, còn tôi lên là cả nam lẫn nữ đều ghét. Nghĩ cũng phải, cũng tại vía tôi lớn, thần thái áp đảo sân khấu.
Tôi không quan tâm việc mình hát trước hay sau ai, tôi chỉ biết làm cho phần biểu diễn của mình thật tốt. Đến khi mình làm quá thì họ ghét và thêu dệt đủ thứ chuyện xung quanh mình.'
Thực ra không phải tự nhiên mà Đàm Vĩnh Hưng lại có thể nổi ngay được như thế, anh đã phải trải qua thời kỳ đi hát chỉ có vài chục nghìn một show.
Thậm chí vài chục nghìn cũng có nhiều người tranh nhau để hát. Đến nỗi mà quán bar nơi anh hát hàng ngày đã phải cắt xuống một ca sỹ chỉ được hát một ngày trong một tuần.
Đàm Vĩnh Hưng không chấp nhận điều đó, anh đề nghị phải được hát ít nhất hai ngày vì với từng đó tiền, làm sao một người có thể đủ sống.
Ngay lập tức, anh bị cắt hết show tại quán bar đó, và Đàm Vĩnh Hưng đã thề rằng sau này, phải 100 nghìn mới mời được anh(!).
Thời đó cả Sài Gòn làm gì có ai hát được nhạc Thanh Lam đâu. Mà quán bar thì làm sao mời được Thanh Lam ‘xịn’ từ Hà Nội vào hát.
Vậy là sau đó một thời gian, họ phải gọi Đàm Vĩnh Hưng lại thật, và phải mời anh với mức giá ‘tận’ 100 nghìn thật. Thế mới nói, cuộc sống không thể biết được ngày mai thế nào.
‘Thời đó, ca sỹ phòng trà bắt đầu lên ngôi, tôi thèm lắm. Thèm cái cảm giác tên mình được in trang trọng trên tấm băng rôn gắn ngoài cửa phòng trà, thèm ‘đẳng cấp’ khi được quảng cáo khắp mọi nơi.
Phòng trà khi đó nghe thấy tên tôi thì khinh lắm, bảo nhau là: ‘Ôi cái thằng như thế thì làm sao hát phòng trà được’.
Lúc đó tôi chơi thân với anh Liêm, chủ của một phòng trà. Anh ấy liều làm thử một show cho tôi để đo sức hút. Tôi mừng rơn, nghĩ bụng anh trả 500 ngàn là tôi hát liền, nhưng nghĩ thì nghĩ vậy, cứ phải giả bộ nói ba triệu cho nó sang cái đã.
Lúc đó nghe một số ca sỹ khác toàn bốn triệu, bảy triệu, tôi lấy ba triệu, bằng một nửa Hà Trần là được rồi, lại còn phải xuống nữa chứ đâu có được nguyên từng đó.
Anh Liêm trả tôi năm triệu cho hai đêm, anh ấy bị hớ với tôi rồi và tôi đồng ý ngay lập tức, trở về tập luyện cho đêm nhạc của mình.
Đến đêm nhạc, ai ngờ cả quán đông kín người. Tôi thấy thế liền biểu diễn bay nhảy quậy đủ trò trên sân khấu.
Một đồn mười, mười đồn trăm, các phòng trà khác thi nhau mời tôi về để khuấy động hàng quán của họ.
Phòng trà ban đầu chê tôi cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt mà mời mình, nhưng tôi không hát. Mời đến lần thứ hai cũng không chịu, đến lần thứ ba thì đồng ý nhưng phải với giá khác.
Có lẽ tôi là người đẩy giá phòng trà của ca sỹ lên một cách chóng mặt. Cứ nói bên này trả hơn, bên kia trả nhiều là họ thi nhau nâng giá để kéo bằng được tôi về.
Lại có chuyện này, một nữ hoàng show truyền hình trực tiếp thời đó nói rằng Đàm Vĩnh Hưng thì hai triệu cũng không thèm mướn. Tôi tự nhủ rằng được, sau này phải 12 triệu chị mới mời được tôi.
Catse lúc đó của tôi mới chỉ bằng nửa số đó thôi nhưng tôi thề là phải từng đó thì tôi mới xuất hiện.
Sau đó chị phải mời tôi thật, và phải chấp nhận với giá 12 triệu thật. Tôi không thù ai đến nỗi phải thề không xuất hiện trong show của họ, nhưng vấn đề là một khi đã đánh giá thấp tôi, tôi sẽ bắt họ phải trả cao hơn thì mới có được tôi trong đêm diễn của họ.
Và hầu như ai cũng phải chấp nhận bất cứ con số nào để nhận được cái gật đầu của mình.’
Nổi tiếng nhanh quá, số lượng hợp đồng cũng như những con số trên đó cứ ngày càng tăng, có khi đến chính Đàm Vĩnh Hưng cũng không ý thức được rằng sự phủ sóng của mình đã đến mức nào:
‘Khi đang chạy show ở Cà Mau, đi ô tô dọc đường thấy người ta hát Say tình ầm âm khi thấy mình. Tôi ngạc nhiên lắm, bởi tại sao ở đây lại biết Say tình được.
Khi xe hỏng, phải dừng lại dọc đường để sửa, bột bầy trẻ chăn trâu nghêu ngao Bình minh sẽ mang em ra đi mà tim tôi muốn rơi ra ngoài.
Không tưởng tượng được những vùng xa thành phố như vậy mà vẫn biết những ca khúc của tôi, sướng lắm, hãnh diện lắm chứ.
Cứ tới sân khấu là hát, hát xong cầm tiền, lên xe ngủ rồi lại đi sang địa điểm khác, lại hát, lại cầm tiền, lại ngủ lưu động như thế. Tiền vào không biết bao nhiêu cho đủ vì một ngày tôi hát ở hai, ba nơi mà mỗi nơi cũng được chục triệu.
Và cứ như thế, giấc mơ phú quý của tôi bắt đầu…’
Hiếu Cao
Bình luận