• Zalo

Một thương vụ hợp tác đầu tư bình thường trên tinh thần thượng tôn pháp luật

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Sáu, 16/11/2018 13:10:00 +07:00Google News

Thật lạ khi việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cùng các bên liên quan và Tổ họp APH do Tập đoàn An Phát Holdings (APH) đứng đầu hợp tác vận hành lại Nhà máy Xơ Sợi Polyester Đình Vũ dựa trên việc phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi bên, hướng tới lợi ích tổng thể, phù hợp với quy định của pháp luật và không phương hại đến lợi ích của bên thứ 3 lại đang bị suy diễn, thậm chí là quy chụp ác ý.

Những ngày qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng lại nóng lên câu chuyện về việc hợp tác sản xuất giữa PVTEX, đơn vị đang chịu trách nhiệm quản lý, vận hành Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ, và Tổ hợp APH.

Điều đáng nói ở đây là những thông tin được đăng tải về việc hợp tác này đã không được phản ánh một cách đầy đủ, đúng bản chất vấn đề, dựa trên các nguyên tắc kinh tế thông thường, phù hợp với quy định pháp luật cũng như ghi nhận sự nỗ lực của các bên trong việc thực hiện một chủ trương, một nhiệm vụ lớn mà Bộ Chính trị, Chính phủ và Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương (Ban Chỉ đạo).

1

 Người lao động làm việc trong Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ

Một nguyên tắc cơ bản và cũng là điều kiện kiên quyết để các doanh nghiệp đi đến hợp tác với nhau đó là tạo ra sự “cộng hưởng” trong việc khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của nhau trong kinh doanh để mang lại lợi ích lớn hơn cho các bên. Câu chuyện hợp tác giữa PVTEX và Tổ hợp APH trong việc vận hành sản xuất lại Nhà máy Xơ sợi Polyester hoàn toàn thuần tuý dựa trên nguyên tắc đầu tư kinh doanh thông thường đó.

Là 1 trong 12 dự án chưa hiệu quả của ngành Công Thương nhưng Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ lại có những lợi thế rất lớn để có thể phát triển. Đó là một thị trường lớn với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sợi rất cao, thường xuyên và dư địa tăng trưởng lớn. Đó là một hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ tiên tiến. Và đặc biệt, bản thân các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may đang rất “khát” có một nguồn nguyên liệu trong nước.

Theo như chia sẻ của một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may với Petrotimes thì hiện nay, khả năng đáp ứng nhu cầu sợi cho ngành Dệt may ở trong nước còn rất hạn chế, phần lớn vẫn đang phải nhập khẩu từ nước ngoài về. Mà như vậy, mỗi lần nhập hàng, doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí như phải mở tài khoản bảo lãnh để thực hiện hợp đồng; thuê kho bãi để lữu trữ vì mỗi lần nhập phải nhập số lượng lớn, đảm bảo sản xuất trong thời gian dài…

Tuy nhiên, nếu có được nguồn nguyên liệu trong nước, như từ Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ chẳng hạn, doanh nghiệp sẽ tiết giảm được chi phí rất nhiều khi không phải mở tài khoản bảo lãnh, việc thuê kho bãi cũng giảm thiểu khi việc vận chuyển từ Hải Phòng đi các tỉnh, đặc biệt là khu vực phía Bắc, nơi tập trung một lượng lớn doanh nghiệp dệt may, rất thuận lợi.

2

 Trong phân xưởng kéo sợi DTY của Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ

Cũng xin nói thêm, Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ buộc phải tạm sản xuất từ cuối năm 2015 chủ yếu là do biến động quá bất lợi của thị trường xơ sợi trong nước và quốc tế khi giá xơ sợi đột ngột xuống thấp. Nguyên nhân chính dẫn tới sự biến động này là do giá dầu thế giới lao dốc, biến động không ngừng dẫn đến giá nguyên liệu đầu vào của xơ sợi cũng biến động theo. Việc trượt giá của đồng Việt Nam so với đôla Mỹ cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của PVTEX khi sản phẩm PVTEX bán trong nước bằng tiền đồng nhưng nguyên liệu lại phải nhập khẩu và mua bằng USD.

Đặc biệt nghiêm trọng là việc Trung Quốc thả nổi tỉ giá nhân dân tệ đã thúc đẩy các nhà máy xơ sợi Trung Quốc, Đài Loan kéo theo các nhà máy của Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ đồng loạt phá giá xơ sợi để tiến vào cuộc chiến chiếm đoạt thị trường….

Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ nắm nhiều lợi thế như vậy, có tiềm năng và dư địa tạo doanh thu cũng như lợi nhuận như vậy nhưng theo Quyết định về “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương” của Ban Chỉ đạo thì quan điểm nhất quán trong việc xử lý các dự án chưa hiệu quả là: Kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp; Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp.

Sau thời gian dài tạm ngừng sản xuất, nguồn lực về vốn của PVTEX có thể nói là đã cạn kiệt. Nắm trong tay lợi thế, cơ hội về thị trường nhưng không có vốn, các cổ đông của Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ là các doanh nghiệp Nhà nước cũng không được bỏ thêm vốn vào, việc tìm kiếm hợp tác với một đối tác bên ngoài có đủ năng lực về tài chính, công nghệ, thị trường… vì thế là hướng đi duy nhất để PVTEX vận hành lại toàn bộ nhà máy trong năm 2019 theo đúng tinh thần chỉ đạo và Đề án đã được Ban Chỉ đạo phê duyệt.

Vậy đối tác hợp tác với PVTEX trong việc vận hành lại Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ là ai? Xin trả lời ngay đó là một liên danh giữa những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực xơ sợi không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Liên danh này bao gồm An Phát Holdings và 2 đối tác nước ngoài là Reliance Industry Ltd. (Ấn Độ), Fortrec Chemicals & Petroleum Pte. Ltd. (Singapore) (gọi tắt là Tổ hợp APH).

Trong đó, An Phát Holdings là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nhựa tại Việt Nam và đang có 6 lĩnh vực kinh doanh chính là nhựa sinh học, nhựa bao bì, nhựa gia dụng, nhựa kỹ thuật, hóa dầu và xơ sợi với 12 nhà máy cùng trên 2500 lao động. Còn Reliance Industry Ltd. là một trong những tập đoàn lớn, đứng đầu thế giới về lĩnh vực lọc hoá dầu và xơ sợi, nắm trong tay những công nghệ tiến tiến nhất trên thế giới về lĩnh vực hoá dầu và xơ sợi. Trong khi đó, Fortrec Chemicals & Petroleum Pte. Ltd. lại là tập đoàn chuyên cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm xơ sợi.

Tổ hợp APH như vậy có thể nói là hội tụ đầy đủ các yếu tố đảm bảo cho việc vận hành ổn định trở lại Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ khi An Phát Holdings với năng lực tài chính của mình sẽ đảm bảo dòng tiền cho nhà máy; Reliance Industry Ltd. với lợi thế về công nghệ sẽ đảm bảo quá trình vận hành các dây chuyền, thiết bị của nhà máy được trơn tru, thông suốt; còn Fortrec Chemicals & Petroleum Pte. Ltd. sẽ là đơn vị “bảo hiểm” đảm bảo đầu ra cho toàn bộ sản phẩm của Nhà máy.

Rõ ràng việc hợp tác giữa PVTEX và Tổ hợp APH đã hội tụ đầy đủ các yếu tố để đảm bảo việc vận hành trở lại Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ được ổn định và hiệu quả. Và chắc chắn, với bất kỳ doanh nghiệp nào, trong bối cảnh nêu trên, với những tiềm năng và lợi thế được nêu trên, lại không tìm đến nhau để bắt tay hợp tác tạo ra giá trị lợi ích chung, trước hết là cho bản thân các doanh nghiệp và sau là cho nền kinh tế, cho xã hội.

Sau quá trình thương thảo, đàm phán phương án xử lý cũng như điều kiện hợp tác của các bên, trên cơ sở tình trạng thực tế của Nhà máy, quan điểm thống nhất được đưa ra là Tổ hợp APH sẽ bỏ toàn bộ các chi phí liên quan đến sửa chữa và bảo dưỡng tổng thể Nhà máy, tuyển dụng và đào tạo lao động, huy động chuyên gia kỹ thuật nước ngoài hỗ trợ trong giai đoạn đầu vận hành Nhà máy ứng vốn lưu động và cung cấp nguyên liệu đầu vào với chi phí ước tính lên tới vài trăm tỷ đồng.

Để triển khai thực hiện các hỗ trợ tài chính nêu trên, trong phương án hợp tác, Tổ hợp APH có đưa một số điều kiện tiên quyết về pháp lý, thuế, khấu hao, cổ phần hóa, tiêu thụ các sản phẩm hóa dầu, trong đó có việc được tham gia mua sản phẩm hạt nhựa PP của Công ty CP Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) phục vụ cho chính hoạt động sản xuất kinh doanh của An Phát Holdings với các điều kiện mua bán tương tự, ngang bằng, bình đẳng như BSR đang áp dụng với các công ty khác, không có bất cứ một khác biệt nào. Đây thực sự là một đề xuất hợp tình, hợp lý, kể cả không có sự hợp tác với PVN/PVTEX thì cũng rất đáng trân trọng vì đã đem đến cho BSR một khách hàng lớn, trực tiếp, lâu dài mà BSR rất cần trong việc phát triển thị trường bền vững, ổn định, hiệu quả.

Ông Đinh Văn Sơn, Thành viên HĐTV PVN, khi trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề tiêu thụ sản phẩm nhựa PP của BSR trong việc hợp tác giữa PVTEX và Tổ hợp APH đã khẳng định: Trong quá trình đàm phán, trao đổi hợp tác, chuyện các đối tác khi đàm phán hợp tác tận dụng lợi thế, vị thế của nhau trong hoạt động kinh doanh là bình thường và phù hợp với các quy định pháp luật.

“Đây là chúng ta đang thực hiện một chủ trương lớn của Đảng, của Chính phủ. 12 dự án chưa hiệu quả nếu không được xử lý sẽ để lại gánh nặng rất lớn cho nền kinh tế. PVN rất ý thức được trách nhiệm về vấn đề. Mục tiêu giải cứu các dự án chưa hiệu quả không thay đổi, công cụ Tập đoàn sử dụng trong trường hợp PVTEX là không đổi. Sản phẩm nhựa PP của BSR chỉ là một công cụ trong các giải pháp. Mong báo chí truyền thông thông tin đúng, đủ, khách quan, trách nhiệm và phản ánh đúng bản chất của vấn đề”, ông Đinh Văn Sơn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An trong buổi làm việc mới đây tại PVTEX về việc họp tác vận hành lại Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ đã bày tỏ sự vui mừng khi các Bên hợp tác rất tốt và đem lại hiệu quả rõ rệt, công suất đã tăng lên gấp đôi, công tác sản xuất, kinh doanh được tổ chức bài bản, kế hoạch cho thời gian tới rõ ràng.

Những cam kết khi hợp tác đang được các bên triển khai nghiêm túc, trong đó khúc mắc về điều khoản tham gia mua sản phẩm hạt nhựa PP được làm rõ, đặc biệt là thiện chí, quyết tâm của các bên trong quá trình triển khai vận hành trở lại Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh: Hai bên phải thể hiện quyết liệt đến cùng, dù có khó khăn nào cũng phải cùng nhau vượt qua để không ảnh hưởng đến phương án, kế hoạch mà các bên đã thống nhất.

Cũng xin nhấn mạnh thêm rằng, toàn bộ quá trình lựa chọn Tổ hợp APH là đối tác hợp tác vận hành Nhà máy Xơ sợi Polysester Đình Vũ đều được PVN/PVTEX báo cáo Ban Chỉ đạo và các Bộ ngành có liên quan. Nội dung hợp tác giữa PVTEX và Tổ hợp APH cũng được PVN/PVTEX nhiều lần báo cáo tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo và trong các báo cáo về việc xử lý các dự án chưa hiệu quả của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Từ 1/11/2018, PVTEX đã bước vào giai đoạn mới khi chính thức nâng công suất phân xưởng sợi DTY lên gấp đôi giai đoạn đầu tiên với 6 dây chuyền sản xuất, dự kiến sẽ sản xuất khoảng 400 tấn sợi DTY/tháng.

Mục tiêu của PVTEX đến cuối Quý IV/2018 sẽ tiếp tục nâng công suất sản xuất sợi DTY lên 10 dây chuyền và quý I năm 2019 sẽ vận hành toàn bộ 29 dây chuyền sản xuất sợi.

Tính đến hết tháng 10, PVTEX đã xuất bán cho các khách hàng trên 1.200 tấn sợi các loại. Chất lượng sản phẩm loại A đạt hơn 95,4%. Ký kết được hơn 60 hợp đồng bán hàng cho các khách hàng trong và ngoài nước, trong đó đã xuất bán cho các thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc. Lợi nhuận trước thuế sau khi khấu trừ chi phí biến đổi (chưa tính chi phí cố định) cao hơn nhiều so với kế hoạch đã đề ra.

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn