Ngày 11/3/2011, trận động đất với sức mạnh không tưởng, 9 độ Richter, xảy ra ngoài khơi bờ biển phía Đông Bắc Nhật Bản. Cùng với một trận sóng thần cực lớn khiến gần 20.000 người thiệt mạng, thảm họa kéo theo sự cố vỡ ba lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy Fukushima Daiichi trên bờ biển.
Chưa biết khi nào sẽ kết thúc
Một thập kỷ sau, hầu hết người Nhật ở vùng Tohoku đã có thể tiếp tục cuộc sống của họ, nhưng ở các khu vực gần Fukushima Daiichi, nơi các hạt phóng xạ làm ô nhiễm đất, sự phục hồi không nhanh chóng như vậy.
Nhân viên tổ chức phi chính phủ Ayumi Iida cho biết: “Các tòa nhà có thể được sửa chữa sau trận động đất và sóng thần. Chỉ có thảm họa hạt nhân vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi không biết khi nào nó mới kết thúc".
Sau vụ tai nạn hạt nhân, chính phủ yêu cầu cho người dân các thành phố lân cận rời đi, đồng thời thiết lập các khu vực khoanh vùng phóng xạ xung quanh nhà máy. Gần 165.000 cư dân phải sơ tán vào lúc cao điểm nhất năm 2012.
Các nỗ lực khử nhiễm giúp hầu hết khu vực mở cửa trở lại và mọi người được về nhà. Nhưng vẫn còn gần 37.000 người sơ tán từ Fukushima và nhiều người trong số họ không có ý định quay lại.
Iida là phát ngôn viên của nhóm NPO Mothers ’Radiation Lab Fukushima Tarachine, một tổ chức được người dân thành lập sau thảm họa, nhằm bảo vệ sức khỏe và sinh kế của trẻ em sống trong khu vực chịu phơi nhiễm phóng xạ và các nguy cơ khác. Người mẹ trẻ sống ở thành phố ven biển Iwaki, khoảng 40 km từ nhà máy bị phá hủy.
Cô nói với Al Jazeera rằng cô cố gắng để bảo vệ đứa con của mình bằng cách tìm nguồn thực phẩm từ các vùng xa xôi, tìm sân chơi với mức độ phóng xạ thấp nhất và cho con khám sàng lọc các dấu hiệu ung thư tuyến giáp mỗi năm.
Cô nói: “Con cái của chúng tôi phải là trọng tâm tương lai ở đây".
10 năm qua, dù không thấy có sự gia tăng đáng kể các ca ung thư trong dân số Fukushima hoặc các dấu hiệu rõ ràng khác của bệnh liên quan đến bức xạ - trái ngược với Chernobyl, nơi phát ra lượng phóng xạ nhiều hơn 10 lần - các chuyên gia cảnh báo vẫn còn nhiều cơ sở đáng lo ngại khi việc phơi nhiễm có thể tích tụ qua thời gian.
Ngư dân, nông dân vất vả hồi phục
Tổng cộng 17.298 ha đất nông nghiệp xung quanh nhà máy bị bỏ hoang sau thảm họa.
Nhiều nông dân buộc phải rời bỏ đất bị nhiễm phóng xạ, một số không bao giờ quay trở lại sau khi lánh nạn. Đến tháng 3/2020, chỉ 32,2% diện tích đất được canh tác trở lại sau khi bị bỏ hoang ở 12 trong số các thành phố bị ảnh hưởng của Fukushima.
Gạo vẫn là sản phẩm chính ở đây, chiếm khoảng 40% doanh số bán hàng nông nghiệp, nhưng nhu cầu đã giảm so với trước do khách hàng lo ngại về bức xạ.
Giá gạo trồng ở Fukushima thấp hơn tới 10% so với mức trung bình ở Nhật Bản trong năm tài chính 2014, rẻ hơn 2,5% so với mức trung bình cả nước trong năm tài chính 2018, theo dữ liệu mới nhất hiện có của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản.
Trong nỗ lực khắc phục thiệt hại danh tiếng này, tỉnh Fukushima sẽ bắt đầu việc bán rộng rãi gạo từ giống lúa mới sau 14 năm phát triển. Tỉnh tuyên bố nó có chất lượng cao và hương vị tốt hơn.
Nobuyasu Igari, 38 tuổi, nông dân ở Naraha, phía Nam nhà máy hạt nhân nói: “Tôi rất có động lực để trồng lúa mới, vì Fukushima chưa có giống lúa riêng để đại diện cho tỉnh".
Anh nói thêm: “Nông dân sẽ hưởng lợi vì gạo mới sẽ bán được giá cao hơn". Trong đợt bán hàng bắt đầu từ mùa thu năm ngoái tại một số cửa hàng, 2 kg gạo mới có tên "Fuku Warai" (Nụ cười của sự may mắn) đã thu về 1.728 yên, cao gấp đôi so với các loại gạo khác của Fukushima.
Ngành thủy sản ở Fukushima cũng đang trong quá trình phục hồi.
Năm đầu tiên sau trận động đất, hơn một nửa số mẫu cá được kiểm tra về mức độ phóng xạ cesium đã phát hiện vượt quá giới hạn cường độ phóng xạ là 100 becquerels/kg. Nhưng độ phóng xạ giảm dần qua các mẫu và các hạn chế vận chuyển được dỡ bỏ đối với tất cả các sản phẩm thủy sản tại khu vực vào tháng 2/2020.
Nhưng vấn đề đau đầu đối với ngư dân địa phương là làm thế nào để xử lý một lượng lớn nước nhiễm phóng xạ được lưu trữ trong các bồn chứa nhà máy Fukushima.
Nước được sử dụng để làm mát các lò phản ứng đã nóng chảy. Sau khi sử dụng, nước bị ô nhiễm sẽ đi qua một hệ thống lọc để loại bỏ các chất phóng xạ khác nhau, ngoài tritium khó tách hơn.
Chính phủ Nhật khẳng định rằng sẽ không có thiệt hại nào đối với môi trường nếu nước được đổ ra Thái Bình Dương, ngoài khơi Fukushima sau khi bị pha loãng, và khi mức tritium giảm xuống dưới mức giới hạn cho phép.
Nhưng nhiều ngư dân địa phương bày tỏ lo ngại vì hoạt động xả thải có thể "một lần nữa tạo ra thiệt hại về danh tiếng".
Ngành đánh bắt cá của Fukushima từ lâu hưởng lợi từ các ngư trường đánh bắt xa bờ phong phú. Họ đạt doanh thu bán cá 18,7 tỷ yên trong năm 2010 và xếp thứ 24 ở Nhật Bản. Cá bơn đánh bắt ngoài khơi Fukushima đã từng đặc biệt phổ biến và bán với giá cao trên thị trường.
Nhưng mục tiêu nối lại các hoạt động chính thức từ tháng 4 bị giáng đòn mạnh khi các chuyến hàng cá quân đen (black rockfish) bị tạm dừng vào ngày 22/2. Một mẫu cá đánh bắt ngoài khơi Shinchi, tỉnh Fukushima, cho thấy mức 500 becquerels cesium, lần đầu tiên vi phạm giới hạn kể từ tháng 1/2019.
Chính quyền của Thủ tướng Yoshihide Suga đã cam kết sẽ đưa ra quyết định chính thức về số phận của lượng nước tích tụ càng sớm càng tốt, vì sẽ cần hai năm chuẩn bị để xả nước. Nhà điều hành nhà máy, TEPCO, dự kiến sẽ cạn dung tích bể chứa vào mùa thu năm 2022.
Một giải pháp khác có thể là xây thêm bể chứa. Giám đốc phụ trách việc ngừng hoạt động nhà máy tại Fukushima của TEPCO, Akira Ono, không loại trừ khả năng đó nhưng cho biết có những lo ngại rằng nó có thể làm gián đoạn quá trình ngừng hoạt động.
Bình luận