BS Nguyễn Cát Phương Vũ, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết: “Trung bình 1 tháng, bệnh viện tiếp nhận hơn 20 ca bệnh nhi uống nhầm hóa chất, xăng dầu và các chất độc hại khác nhau.
Gần đây nhất, một trường hợp nhập viện vì uống nhầm xăng vừa được cứu sống, khi nhập viện bệnh nhi chỉ còn thoi thóp rất nguy kịch. Sau khi cấp cứu ca bệnh này, Bệnh Viện Nhi đồng Thành phố lại tiếp nhận 1 ca uống nhầm nước rửa móng tay để lẫn lộn với nước uống khiến trẻ nguy kịch khác”.
Theo BS Vũ, uống nhầm xăng, dầu, hóa chất đựng trong chai nước giải khát là tai nạn đặc biệt nguy hiểm, hóa chất sẽ gây ngộ độc, bỏng thực quản, khí quản, gây suy đa tạng có thể cướp đi sinh mạng của cả trẻ em lẫn người lớn.
Trước đó, ngày 17/3, bệnh viện tiếp nhận bé V.G.B. (17 tháng tuổi, ngụ tại Cẩm Mỹ, Đồng Nai) tới cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Bé bị suy hô hấp tím tái phải thở qua ống nội khí quản, thở máy, mạch nhanh trên 200 lần/phút.
Kết quả thăm khám, chẩn đoán xác định bệnh nhi bị tổn thương gan thận, tổn thương phổi nặng, xuất huyết phổi, tri giác hôn mê, phổi mờ trắng xoá 2 bên, nguy cơ tử vong đến 80%. Bé thoi thóp bên giường sau uống nhầm xăng đựng trong chai giải khát.
Nguyên nhân khiến bé nguy kịch nhập kịch được xác định do ngộ độc vì uống nhầm xăng để trong chai nước giải khát. Sau gần 1 tuần lọc máu, chăm sóc tích cực theo dõi liên tục, điều trị kháng sinh thích hợp, cho bé thở máy, nuôi ăn qua tĩnh mạch, phim chụp X-quang cho thấy phổi bé B. sáng dần.
Sang tuần tiếp theo, các chỉ số huyết áp, khí máu... của bệnh nhi trở lại bình thường. Các bác sĩ cho phép ngưng lọc máu, những ngày tiếp theo, bé tiếp tục được cai máy thở. Tới ngày 29/3, bé B. khỏe mạnh trở lại, có thể làm thủ tục xuất viện.
Theo các bác sĩ, trẻ uống nhầm hóa chất thường có một số biểu hiện như: Ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất...
Khi con bị ngộ độc do nuốt nhầm dầu hỏa, cha mẹ không được gây nôn hay cho trẻ ăn uống bất kỳ thứ gì khác… Vì nếu cha mẹ gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản.
Trẻ dễ bị viêm phổi là do hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp, sẽ gây ngộ độc, bỏng khí quản, nặng hơn là dẫn tới suy đa tạng có thể cướp đi sinh mạng của cả trẻ em thậm chí cả người lớn.
Qua những trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng tuyệt đối không sử dụng chai nước giải khát để đựng những dung dịch xăng, dầu, chất tẩy rửa hoặc hóa chất nói chung. Những chai lọ chuyên dụng cho việc chứa các loại chất trên cũng phải để xa tầm tay của con trẻ.
Video: Mực ngâm trong nước, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm
Bình luận