Nguy cơ lỗ chồng lỗ
Mối lo của các doanh nghiệp xuất phát từ một điểm trong Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Theo đó, khoản 3, điều 8 Nghị định này quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ (20% EBITDA) của người nộp thuế”.
Nếu áp dụng điều này, nhiều doanh nghiệp đang trong hoàn cảnh khó khăn sẽ càng chồng chất khó khăn. Một ví dụ có thể kể đến là Hoàng Anh Gia Lai, theo báo cáo tài chính năm 2017 đã được kiểm toán của Công ty mẹ, công ty này đang bị lỗ trước thuế gần 470 tỷ đồng, phần lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao (EBITDA) trong kỳ là gần 565 tỷ đồng.
Nếu áp dụng khoản 3 điều 8 của Nghị định 20, công ty chỉ được tính tối đa 20% EBITDA, tức hơn 113 tỷ đồng chi phí lãi vay là chi phí hợp lý, còn lại hơn 897 tỷ đồng không được khấu trừ. Điều này dẫn tới tổng thu nhập chịu thuế của công ty sẽ là 427 tỷ đồng, và Hoàng Anh Gia Lai từ việc đang bị lỗ và đáng lẽ chưa phải đóng thuế trong kỳ sẽ chuyển thành doanh nghiệp có phát sinh thu nhập tính thuế và phải nộp thuế.
Ngoài ra, quy định khống chế lãi tiền vay được trừ thu nhập chịu còn gây hệ quả là dẫn đến việc chi phí chồng chi phí, khi bên cho vay đã phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, song bên đi vay cũng phải nộp thuế đối với phần chi phí tiền vay vượt mức khống chế.
Hệ quả nhãn tiền là bên cạnh nhiều doanh nghiệp đang có lãi nhưng sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp áp theo khoản 3, điều 8 của Nghị định 20 sẽ thành…lỗ, hoặc có những công ty đang lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế, khiến kiệt quệ hoàn toàn, không vực dậy nổi.
Tự lấy đá ghè chân?
Nghị định số 20/2017/NĐ-CP được ban hành với mục tiêu ban đầu là nhằm hạn chế việc chuyển thu nhập của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến một doanh nghiệp khác (trong cùng Tập đoàn đa quốc gia) tại vùng lãnh thổ/quốc gia có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn so với Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp.
Trước hết cần khẳng định, đây là một Nghị định cần thiết nhưng lại phát sinh hậu quả “ngoài ý muốn” của các nhà chính sách do chưa lường hết được các bất cập khi áp dụng vào thực tiễn, dẫn đến nhầm đối tượng.
Cụ thể, bị ảnh hưởng nhất khi áp theo khoản 3 điều 8 của Nghị định này chính là các doanh nghiệp Việt Nam không có động cơ việc chuyển giá. Và hậu quả của việc “áp dụng ngoài ý muốn” này là rất nặng nề, có nguy cơ triệt tiêu sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn.
Điển hình cho “cảnh ngộ” này là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama). Trong một văn bản kêu cứu gửi lên Bộ Tài chính, Lilama cho biết để thực hiện được các dự án quy mô vừa và lớn, công ty phải huy động được vốn vay lớn từ các tổ chức tín dụng, đồng thời để thắng được các gói thầu quy mô vừa và lớn, Lilama phải liên kết công ty mẹ, công ty con và các công ty liên kết thành một khối để tham gia đấu thầu, khi thắng thầu mới giao lại dự án cho các công ty con, công ty liên kết thực hiện. Việc này dẫn đến chi phí lãi vay phát sinh sẽ cao vượt xa mức trần theo quy định của Nghị định.
“Nếu để tránh áp dụng quy định về mức trần chi phí lãi vay, tránh không có các giao dịch liên kết, Lilama sẽ phải giao việc cho các nhà thầu phụ bên ngoài, nhưng thực tế hiện nay Việt Nam có ít doanh nghiệp ngoài Lilama đáp ứng được yêu cầu để thực hiện các dự án xây lắp có quy mô vừa và lớn. Điều này sẽ làm cho Lilama giảm năng lực cạnh tranh, không định hướng được chiến lược phát triển, một số Công ty sẽ giảm việc làm và dẫn tới nguy cơ phá sản”, đại diện công ty này bộc bạch.
Câu chuyện của Lilama không hề đơn lẻ, rất nhiều doanh nghiệp Việt hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con đang bấn loạn về thêm một khoản thuế “từ trên trời rơi xuống”.
Trong bối cảnh, Chính phủ đang nỗ lực tạo mọi điều kiện phát triển cho nguồn nội lực – mà các doanh nghiệp Việt lớn là lực lượng nòng cốt thì Nghị định này có thể là một lực cản. Bên cạnh đó, về bản chất, việc áp dụng khoản 3 điều 8, Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã hoàn toàn trái với mục tiêu của các nhà làm chính sách.
Do đó, đã đến lúc các cơ quan chức năng xem xét và chỉnh sửa những điểm bất cập trong Nghị định để đảm bảo chúng ta không rơi vào cảnh “tự lấy đá ghè chân mình”.
Bình luận