• Zalo

Một phút 'anh hùng rơm' trả giá bảy năm tù

Giáo dụcThứ Ba, 09/04/2013 11:14:00 +07:00 Google News

Ngồi đối diện với chúng tôi trong căn phòng nhỏ của trại giam Thanh Xuân (Thanh Oai, Hà Nội) là phạm nhân Phạm Hoàng Giang (SN 1995).

Ngồi đối diện với chúng tôi trong căn phòng nhỏ của trại giam Thanh Xuân (Thanh Oai, Hà Nội) là phạm nhân Phạm Hoàng Giang (SN 1995). Khi đang học lớp 10, Giang tham gia một vụ xô xát làm một người chết và một người bị thương…

phạm nhân
Phạm nhân trẻ trên sân khấu Tiếng hát tình đời (ảnh chụp tại Trại giam Phú Sơn - Thái Nguyên). Ảnh: T.L. 
Cuộc sinh nhật… chia ly

Du khoác bộ áo tù nhân, nhưng Giang vẫn khiến người đối diện nghĩ tới những cậu học trò 16, 17 tuổi vô tư, nghịch ngợm đang ngồi trên ghế nhà trường.

Mái tóc húi cao, khuôn mặt nhỏ và hay cười, nhìn Giang thật hiền pha chút tinh nghịch. Nghe cách kể về chuyện về gia đình, thời đi học… thêm cái gãi đầu ngại ngùng, khó hình dung được cảnh cậu học trò có thân hình nhỏ bé cầm dao lao vào đả chiến với nhóm thanh niên khác…

“Bố em làm trang trí nội thất, mẹ thì bán hàng ăn. Em là con thứ hai, chị gái mới lấy chồng năm nay. Lúc ở ngoài em chỉ mỗi đi học với đi chơi. Hồi trung học, em học cũng giỏi lắm, toàn tiên tiến. Sau mải chơi mới trốn học, trốn tiết dẫn đến kết quả sa sút”…

 
Nguyên nhân xích mích, gây gổ đều từ chỗ mình không suy nghĩ chín chắn, việc gì cũng làm theo cảm tính. Đông người thì máu yêng hùng nổi lên. Những lúc đó chẳng cần biết gì, chỉ cần biết làm thế nào cho hả cơn tức.
Phạm nhân Hoàng Giang
 
Giang kể về vụ án của mình. “Đó là buổi tối sinh nhật một cô bạn được tổ chức tại một quán hát trên đường Nguyễn Khuyến. Khi em mới đến, một bạn trong nhóm nói xảy ra xích mích với nhóm thanh niên khác cùng dự sinh nhật; bị dọa đánh bằng dùi cui điện”.


“Em và mấy người nữa trong nhóm rời sinh nhật, xuống ngồi tạm ở quán nước để xem nhóm kia định làm gì thì nhóm kia lại đến gây sự. Bọn em gọi điện cho mấy bạn trong nhóm còn lại trên tiệc sinh nhật xuống hỗ trợ.

Những bạn này đã sang cửa hàng dao đối diện quán karaokê mua, rồi phát cho bọn em mỗi đứa một con. Nhóm em 6 người đã lao vào đánh nhóm kia khiến một người chết, một người bị thương”- Giang kể.

Gây án xong cả nhóm hoang mang, chạy trốn tại nhà một thành viên. Sau hai ngày lẩn trốn, được gia đình vận động, Giang ra đầu thú.

Cậu còn nhớ: “Cô bạn chủ nhân buổi sinh nhật hôm ấy, sau đó xuống nhận diện nhóm thanh niên bọn em để phục vụ cho công tác điều tra. Lúc mới đầu em cũng giận nhưng sau nghĩ lại thấy tội cho bạn ấy. Vì bọn em mà tiệc sinh nhật xôm tụ biến thành chia ly”.

“Em có mức án nhẹ nhất, 7 năm tù giam. Còn mấy bạn kia, người cao nhất là 17 năm, 11 năm, 10 năm rưỡi và 8 năm. Thương mấy bạn, ngày về xa hơn”. Nói về mức án, rồi Giang ngậm ngùi: “Lúc đó em mới học kỳ I, lớp 10 trường PTTH Dân lập Đ.K. , Hoàng Mai, Hà Nội”.

Muốn thể hiện bản lĩnh

Trong câu chuyện của mình, Giang nhắc nhiều đến những từ “bồng bột”, “thích thể hiện bản thân”, “tự ái vặt”…

Theo Giang, đến khi tỉnh ngộ, biết nuối tiếc thì đã muộn. Ngày bị bắt giam, nằm ở phòng dành riêng cho trọng phạm, cậu học trò nuối tiếc giá như biết kiềm chế bản thân. Kiềm chế để giảng hòa, xí xóa xích mích.

“Nhóm em 6 người mỗi người con dao thì ai dám làm gì. Nhưng lúc ấy, mấy đứa bọn em đều suy nghĩ như nhau là muốn thể hiện bản lĩnh cái tôi vì hiếu thắng không muốn để người khác bắt nạt. Máu yêng hùng nổi lên bảo nhau phải đánh bọn này để bênh bạn mình”.

Cậu cười chua xót cho thời nông nổi, “máu anh hùng rơm” đến lúc trượt dốc mới tỉnh ngộ. “Ngày mấy đứa nằm lì trong nhà lẩn trốn chẳng nghĩ được gì, còn không biết mình có phải đi tù hay không. Nhưng vẫn anh hùng rơm, đứa nào cũng bảo, tôi ra nhận hết tội cho các bạn”.

 
Em tiếc vì đánh mất mấy năm tuổi trẻ trong trại giam. 7 năm tuổi trẻ để rút ra bài học xương máu trước khi làm gì cũng phải bình tĩnh, không thể nông nổi
Phạm nhân Phạm Hoàng Giang
 
Giang lại nuối tiếc và trách mình đã tự đánh mất mình trong những lần theo bạn bè trốn học, ham chơi, hiếu thắng. Mấy lần cậu có mặt trong những xích mích, gây gổ mà kể ra đều rất đơn giản, đó là: “nhìn đểu”, hay phát hiện người này nói xấu mình, nghe người kia dọa nạt…


“Lúc đó, em chỉ hay đàn đúm bạn bè, chủ yếu là đi theo các bạn. Con trai nghịch ngợm, thi thoảng có đánh nhau. Lúc đánh nhau thì có cả bạn giúp nữa nên không sợ lắm, chứ hồi ở ngoài em bé lắm, bé tí”, Giang nói.

Ba cái tết trôi qua trong tù, Giang tự cảm thấy lúc này mình đã chín chắn hơn trong suy nghĩ. Chưa kể, “thấu hiểu hơn những lời khuyên răn, roi vọt của bố mẹ trước đây». Cậu bảo: “Nếu được làm lại em sẽ tự nhủ và khuyên các bạn làm gì thì hãy nghĩ tới bố mẹ, gia đình. Chắc chắn em sẽ không còn ích kỷ như trước. Việc gì cũng biết làm, nhưng mải chơi, em lười lắm. Bố mẹ em mà nhờ được một lần là vui lắm rồi”, Giang ngượng nghịu.

Bài học xương máu


“Em tiếc vì đánh mất mấy năm tuổi trẻ trong trại giam. 7 năm tuổi trẻ để rút ra bài học xương máu trước khi làm gì cũng phải bình tĩnh, không thể nông nổi”, Giang chua xót.

Những ngày cải tạo trong trại được cán bộ quản giáo cảm hóa, cậu học trò một thời nông nổi bình tâm, mạnh mẽ hơn trước hoàn cảnh hiện thực. Như Hải Anh (kỳ trước chúng tôi từng kể), Giang nhận ra rằng, cuộc sống chẳng thể nào có giá như. “Bây giờ mình phải đối diện với sự thật, có nghĩ ngợi nhiều cũng đã xảy ra rồi. Cách tốt nhất là cố gắng cải tạo, sớm ra trại và hoàn lương chuộc lại lỗi lầm”, Giang hướng mắt nhìn sâu vào góc phòng.

Cậu chia sẻ thêm: “Ba cái tết xa nhà, buồn lắm anh ạ, đang ở ngoài có bố mẹ, có bạn bè,… Nhưng buồn cũng có thay đổi, giải quyết được điều gì đâu. Càng nghĩ tới gia đình thì mình càng phải cố gắng cải tạo”. Giọng sôi nổi lại một chút, Giang kể, “ngày mới vào em là người nhỏ tuổi nhất trại nên được các phạm nhân khác động viên nhiều lắm. Giờ em ở trong đội khâu gương, công việc nhẹ nhưng học được tính nhẫn nại. Chứng kiến cảnh người ra trại cũng có chút chạnh lòng khi nghĩ tới bản thân, nhưng hơn hết là tâm lý vui với anh em. Ai có ngày đi thì cũng có ngày trở về. Em phải cố gắng cải tạo tốt, còn làm một người lương thiện”.
Từ lời “mách” của bạn, Giang và những người mới đến đã sẵn sàng gầm ghè với nhóm thanh niên kia. Mâu thuẫn càng lớn khi cả hai nhóm “nhìn đểu” nhau mà như Giang mô tả “là kiểu nhìn săm soi, thách thức, nhìn chằm chằm như muốn ăn thịt mình” trong buổi sinh nhật. Hai nhóm đã không bỏ qua cho nhau.

Chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống như cái nhìn được cho là đểu, một xích mích tại cuộc sinh nhật… nhiều thanh niên sẵn sàng đánh nhau và cướp đi mạng sống của người khác. Tội ác đến từ đâu? Đi tìm lời giải cho câu hỏi này, phóng viên Tiền Phong đến Trại giam Thanh Xuân (Thanh Oai, Hà Nội), gặp một số phạm nhân trẻ đang cải tạo tại đây và ghi nhận sự trải lòng của họ.

Theo Mai Xuân Tùng - Trường Phong/Tiền Phong

Bình luận
vtcnews.vn