• Zalo

Một đời 'giời đày'

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 05/03/2013 07:12:00 +07:00Google News

(VTC News) – Giếng dân gian vừa đứt một mạch ngầm. Kẻ chợ lê bồi mất một giọng than, lay vạn kiếp người cùng qua dâu bể.

(VTC News) – Í ò… tiếng líu (cái nhị) rên nhại sau mỗi chập trầu túa miệng, chập rượu tướt môi, bà ngừng lời xẩm xối. Nay tiếng bà đã ngừng mãi giữa thinh không. Í ò ơi! Có thực là hết rồi, thật không?

Mấy năm trước, khi thực hiện một đề tài về âm nhạc dân gian, tôi có dịp về Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, tìm tới nhà bà, thỉnh nghe “báu vật dân gian”, Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu.

Nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu. 
Bữa đó, căn nhà tuềnh toành lắm, lối ngõ phên rào chẳng đóng, thi thoảng đám gà bén mảng, bà từ trong nhà “hù” ới ra mà đuổi vì chẳng buồn nhấc gót.

Sức đuối, đâm lười, nhưng bà đùa: “Chẳng đến nỗi như chàng “Rể lười” đuổi gàkhông thèm đuổi bằng roi, hai chân anh giãy lên đành đạch, cái miệng không ùi mà gà đi…”

Hết gà thì đến... đám trẻ, chúng ùn ùn kéo nhau vào nhà bà “đòi nợ”. Bà cười phân bua: “Hôm trước có đám khách Tây về nghe tôi hát, vì bận không “hầu” được đám trẻ, tôi lỡ miệng hẹn tụi nó ở ngã ba nhưng rồi cũng không ra được. Chiều nay chúng kéo qua bắt đền”.

Thế rồi bà lôi cây líu xuống, đám trẻ ngồi quây tròn, nghe bà kể chuyện răn đời bằng hát xẩm. Chúng cười lăn lóc với “Chuyện ngược đời”, “Rể lười”,  rồi có khi rầu rầu với khúc bi ai “Trương Chi”, ngấm từng lời nhắc nhở phận làm con phải trọn đạo hiếu trong “Thập ân”...

Vài ba đứa nghe bà hát thì đế theo từng đoạn chúng thuộc, những đứa còn lại say sưa nghe như uống từng lời, nghe như lần đầu nghe bà hát vậy, mặc dầu đây đã như cái thú lâu nay giữa đám trẻ và bà.

Ngày bà Cầu bằng tuổi đám trẻ, bà đã bắt đầu kiếm tiền từ nghề hát rong. Nghe bà kể, ông cụ thân sinh ra bà lúc sinh thời có ngón đàn bầu hay đáo để. Chỉ tội mắt lòa rồi ông cụ mất năm bà lên 11 tuổi. Còn mẹ bà, nức tiếng cả vùng với ngón hát xẩm hay ôi thôi rồi. Mẹ chính là người dạy bà Cầu nhập thân vào câu hát ngay từ lúc còn bỏ bà vào thúng, quẩy đi muôn nơi.

11 tuổi, bà cùng mẹ vượt dòng sông Đáy sang đất Ninh Bình hành nghề kiếm sống. Bà biết uống rượu, ăn trầu từ đó, lâng lâng điệu hát khắp các vùng trời, lời ca như vận vào người: “Một đời đánh phấn đeo hoa. Một đời khổ ải cũng qua một đời”.

Bà Cầu không biết chữ, bài xẩm cũng chẳng nhớ mình thuộc bao nhiêu, chỉ biết lúc hát là vanh vách vọng ra. Tiếng ca của bà khoẻ, có thừa chất dân dã, phóng khoáng mà không phải người hát xẩm nào cũng có được.

Ngày xưa đi hát, bà thường mang theo một cái chậu thau để đựng tiền, một chiếc chiếu trải ra một góc chợ hay đầu con ngõ nào đó rồi miệng hát, chân phách, tay sênh, tay kia gõ trống mảnh. Lời ca khi ấy còn thanh mảnh chưa đậm chất xẩm như sau này nhưng người xem vẫn xúm đông, hết lời thán phục.

Có nhiều người biết đến bà đã theo bà về học nhưng chẳng thành vì hát xẩm vốn của lớp người kẻ chợ, lam lũ, mỗi lời than là tiếng vọng tâm hồn, nếu không đồng cảm thì khó mà học được.

“Gừng càng già càng cay”, lời hát của bà dần dà có những thanh âm của thời gian, có sự học hằn trên thanh đới quản khi bà bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, có những quãng giật nghỉ, rồi đột ngột buông, thả vào sâu thẳm ca từ đầy triết lý nhân sinh: “Nghĩ xa xôi lại nghĩ gần/ Làm thân con nhện mấy lần vương tơ/ Chắc về đâu trong đục mà chờ/ Hoa thơm mất tuyết, biết nương nhờ vào đâu”.

Giếng dân gian đứt một mạch ngầm

Không biết, có phải vì ông Mậu (chồng bà) bỏ bà và 3 đứa con nhỏ mà đi lúc bà 33 tuổi, lời xẩm mới nhuốm điệu trách thân? Tôi hỏi bà, bà lắc đầu: “Thân tôi trách gì, cả đời giời đày, gieo cho cái nghề ngồi lề, chải chiếu, kéo líu ê a”.

Năm bà Cầu 16 tuổi, bà theo ông Mậu - trùm xẩm Yên Mô - về làm vợ lẽ. Nhưng sau này bà khăng khăng: “Ngày đó chẳng qua, ông ấy bỏ “bùa” mới rước được tôi”.

Thực tình, nghe bà Cầu kể thì ông Mậu cũng tài tử lắm. Sáo, nhị, bầu… thổi, kéo, trổ được tuốt. Ông Mậu cũng đào hoa lắm. Mắt lòa, mặt rỗ, cặp kề tuổi 50 vẫn xúi được bà Cầu về làm vợ thứ 18.

“Các cụ sấm, cấm có sai: “Tham giàu lấy chú biện tuần/ Tuy rằng bóng bẩy nợ nần chan chan/ Thà rằng lấy chú xẩm xoan/ Công nợ không có hát tràn cung mây””- Bà Cầu lý giải cái tình duyên của bà.

Ông Mậu mất, để lại cho bà chỉ trống phách, nồi niêu. Bà ở vậy nuôi ba đứa con bằng nghề hát xẩm.

Đói vẫn hoàn đói, đói cướp mất của bà một đứa con, một đứa khác phải đem đi cho, mãi về già mới tìm lại được.

Đói vẫn hoàn đói, đến căn nhà cũng mãi về già mới dựng lên được. Ngặt nỗi, tuềnh toàng gió thống, bay bay cả dàn bằng khen giăng ngang mắc cửi. Đôi khi nhìn vào chúng, bà tặc lưỡi: “Giá cái “Nghệ nhân” vặn ra mà ăn dưỡng già được thì đỡ cho con Mận phải bán gà, bán lợn nuôi mẹ...

Cả đời “giời đày” là vậy!”.

Thoắt đi mấy năm, có bữa hay tin bà nhận giải Đào Tấn vì công lao gìn giữ những giá trị nghệ thuật dân tộc, tôi mừng rơi nước mắt. Có bữa hay tin bà ốm liệt, tôi buồn ơi là sầu!

Hôm rồi, đương bụng bảo về thăm bà, thăm căn nhà tuềnh toàng, thăm đám trẻ ỉ ôi bắt đền. Nhân thể kéo chúng sang vây quanh bà để buồn vui lẫn vào trong mắt, nghe bà khoe gia tài còn lại chính là đám trẻ, là chiếc đài bán dẫn hay cái líu bịt bằng da kỳ đà mà khi hát hết bài dừng lại, bao giờ nó cũng nhại tiếng người, xiết lên í ò và bà giải thích: “Nghĩa là hết rồi!”.

Vậy mà... hết rồi thật!

Chưa kịp về, bà đã theo ông Mậu lên giời. Lên để hỏi vì sao ông giời nỡ tay “đày” bà đến thế?

Ơi hỡi ông giời ơi! Chắp tay khấn biệt bà mà trong lòng quặn thắt. Giếng dân gian vừa đứt một mạch ngầm. Kẻ chợ lê bồi mất một giọng than, lay vạn kiếp người cùng qua dâu bể.

Thành phố Vinh đêm 03 tháng 03 năn 2013

Hà Thành


Bình luận
vtcnews.vn