GS Vũ Khiêu tên thật là Đặng Vũ Khiêu. Ông sinh năm 1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Sau khi tốt nghiệp tú tài tại Hải Phòng, ông lên Hà Nội làm nghề dạy học và đi theo con đường cách mạng.
Từ nhỏ, GS Vũ Khiêu đã học thuộc lòng “tứ thư”, “ngũ kinh” từ người ông nội có tư tưởng kháng Pháp đã từ quan về làng mở trường dạy học. Sau này, GS Vũ Khiêu nghiên cứu về triết học, chịu ảnh hưởng của tinh thần Nho học của Trung Quốc là không quá chú trọng tới chuyện phú quý, công danh, quan tâm nhiều hơn tới cốt cách tinh thần.
GS Vũ Khiêu đặc biệt ngưỡng mộ và cảm phục hai nhà văn hóa lớn là Nguyễn Trãi và Cao Bá Quát. Ông ngưỡng mộ cách sống trọng nhân cách, không chịu “cúi đầu” trước công danh, quyền lực của hai nhà trí thức lớn này.
Tư tưởng của hai nhà văn hóa này ảnh hưởng lớn đến cách sống của GS Vũ Khiêu – một đời sống thiên về tinh thần.
Trong nhà ông treo trang trọng một chữ “Tri”, ở dưới đề câu nói của Khổng Tử: “Sinh nhi Tri, học nhi Tri, khốn nhi Tri” (con người sinh ra là để có tri thức, học hành cũng là vì cần có tri thức, rồi khốn khổ cũng là vì tri thức). GS Vũ Khiêu cho biết, ông treo chữ Tri trong nhà với tâm nguyện chấp nhận mọi khó khăn để vươn lên cùng với tri thức. Chữ “Tri” vừa là để răn mình, vừa là để dạy cháu con.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và viết sách của mình, GS Vũ Khiêu xuất bản hàng trăm tác phẩm có giá trị trên nhiều lĩnh vực như triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hoá, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn, cuộc đời một số thi hào…
Các tác phẩm tiêu biểu như Đẹp (1963), Cao Bá Quát (1970), Ngô Thì Nhậm (1976), Anh hùng và Nghệ sỹ (1972), Cách mạng và Nghệ thuật (1979), Nguyễn Trãi (1980), Bàn về Văn hiến Việt Nam. Ông là Chủ tịch Hội đồng biên soạn tổng tập Ngàn năm văn hiến Thăng Long (4 tập, nặng gần 27kg), tham gia biên soạn bộ Bách khoa thư Hà Nội, trực tiếp thực hiện tác phẩm Lịch sử khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học bộ sử Ngàn năm Thăng Long gồm hơn 100 cuốn. Gần đây nhất là bộ Văn hiến Thăng Long gồm 3 tập dày 2.400 trang…
Đầu năm 2017, GS Vũ Khiêu vinh dự đón nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Trước đó, ông được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng Nhất, công dân ưu tú Thủ đô trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội…
GS Vũ Khiêu từng đảm nhiệm các chức vụ Giám đốc Sở Văn hoá khu 10 tại Việt Bắc, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội…
GS Vũ Khiêu được Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu tặng một kỷ vật, biểu trưng đặc biệt chỉ dành cho những người hiểu biết uyên thâm về Khổng giáo. Những người bạn ngoại quốc vẫn gọi ông là “Last Confucian” – nhà nho cuối cùng của Việt Nam.
GS Vũ Khiêu kết hôn với bà Nguyễn Thị Quý và có 4 người con, mỗi người đều để lại dấu ấn của mình ở những lĩnh vực khác nhau. Con gái cả của ông là Đặng Thị Quỳnh Khanh, là một cử nhân ngành sử học. Người con trai thứ hai Đặng Vũ Cảnh Khanh - Giáo sư, Tiến sĩ ngành xã hội học. Người con thứ ba của GS Vũ Khiêu là Đặng Vũ Hạ, kỹ sư vô tuyến điện và người con thứ tư là Đặng Vũ Hoa Thạch, họa sĩ.
GS.TS Lê Thị Quý - con dâu GS Vũ Khiêu - là nhà nghiên cứu đầu ngành về giới và gia đình, nổi tiếng với những cuốn sách bình đẳng giới, phong trào nữ quyền.
GS Vũ Khiêu từng tâm sự, trong việc giáo dục con cháu, ông luôn đề cao sự tự do về tư tưởng, cảm xúc, không bao giờ ép buộc con cái phải tuân theo ý mình. Ông luôn đòi hỏi các con phải tự lập, sống bằng sức lao động của mình.
Theo thông tin từ gia đình, Giáo sư, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Vũ Khiêu đã qua đời ngày 30/9 tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, hưởng thọ 106 tuổi.
Bình luận