• Zalo

Một địa phương vừa soán ngôi đầu về thu hút FDI

Đầu TưThứ Sáu, 27/10/2023 11:15:43 +07:00Google News

10 tháng năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng 54% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, ngôi đầu về thu hút FDI đã có sự xáo trộn trước sự vươn lên của Quảng Ninh, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 3,09 tỷ USD.

Theo báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch Đầu tư, đến ngày 20/10. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Số dự án đầu tư mới cũng tăng 66,1% so với cùng kỳ. Về vốn thực hiện, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022, tăng nhẹ 0,2% so với 9 tháng đầu năm.

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đáng chú ý, Quảng Ninh đã vượt Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM... để dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký vào Quảng Ninh đạt gần 3,09 tỷ USD, chiếm gần 12% cả nước, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện, tổng vốn đầu tư trên 750 triệu USD.

Tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện, tổng vốn đầu tư trên 750 triệu USD.

Nếu trong 9 tháng, Quảng Ninh chỉ cấp mới cho 18 dự án FDI với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt gần 810 triệu USD, thì sang đến tháng 10, tỉnh đã cấp thêm giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án mới, với tổng vốn đăng ký hơn 2,2 tỷ USD. Kết quả, tổng vốn đăng ký cho các dự án cấp mới của Quảng Ninh trong trong 10 tháng đầu năm 2023 đã tăng lên mức 3,08 tỷ USD.

Hải Phòng đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,8 tỷ USD, chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 2,14 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang,…

Nếu xét về số dự án, TPHCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (38%), số lượt dự án điều chỉnh (25,3%) và góp vốn mua cổ phần (66,6%).

Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang, Bình Dương, …

Tính lũy kế đến ngày 20/10, cả nước có 38.622 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 460,07 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 292 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc). Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 81,7% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 10 tháng.

Bình luận
vtcnews.vn