(VTC News) – Anh H nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, thân nhiệt cao, mạch nhanh, thở dốc, co giật, nôn mửa, người lơ mơ do bị say nắng…
Các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết vừa tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân trong tình trạng rất nguy kịch do bị say nắng.
Đó là anh H.M.H., (39 tuổi, trú tại huyện Bố Trạch), được nhập viện cấp cứu trong tình trạng sức khỏe rất nguy kịch, thân nhiệt cao, mạch nhanh, thở dốc, co giật, nôn mửa, đau đầu nhiều, người lơ mơ…
Ngày 4/5, sau khi được cấp cứu và điều trị kịp thời, hiện anh H đã qua cơn nguy kịch.
Theo người nhà anh cho biết, anh làm nghề thợ xây dựng, chiều cùng ngày trời nắng to, nhiệt độ trên 40 độ C, anh lại làm việc ngoài trời. Đang làm việc bỗng nhiên anh ngã lăn ra với các triệu chứng như trên nên được những thợ xây làm cùng anh nhanh chóng đem đi nhập viện cấp cứu.
Sự nguy hiểm khi bị say nắng
Theo các bác sỹ, say nắng là hiện tượng sốc nắng do phơi mình quá lâu dưới ánh sáng mặt trời hoặc ở nhiệt độ cao. Khi tiếp xúc với nhiệt độ thời tiết quá cao thì cơ thể chúng ta sẽ có những rối loạn theo các mức độ tổn thương khác nhau như: bị phù, ban nhiệt, rôm sảy, chuột rút, kiệt sức do nhiệt.
Đặc biệt, khi bị say nắng thì cơ thể tăng cao rõ rệt, gây rối loạn và tổn thương các cơ quan, gây rối loạn hệ thần kinh trung ương. Kết quả là thương tổn nội mô, rối loạn đông máu, suy vi tuần hoàn, suy nhiều cơ quan, đe dọa tính mạng bệnh nhân và có thể dẫn đến tử vong.
Các bác sỹ cũng cho biết, nguyên nhân là do khi khí hậu nắng nóng, nhiệt độ tăng cao làm gia tăng sự sinh nhiệt trong cơ thể, kết hợp với việc lao động, vận động … hay bản thân cơ thể chúng ta ngăn cản sự thải nhiệt như mặc nhiều quần áo, béo phì, mất nước, tuổi quá nhỏ dưới 4 tuổi, hoặc quá cao trên 78 tuổi … sẽ là các điều kiện khiến cho chúng ta dễ bị “say nắng”.
Cần làm gì khi bị “say nắng”
Theo lời khuyên của bác sỹ, việc đầu tiên khi gặp người bị “say nắng” là cần phải bình tĩnh để xử lý. Nhanh chóng đưa bệnh nhân ra khỏi nguồn nhiệt để được hồi phục trong một môi trường mát, đặt đặt nạn nhân ở tư thế nằm trong một môi trường mát mẻ sau đó chườm mát toàn thân bằng khăn thấm nước mát, lau nhẹ nhàng vùng nách, cổ, bẹn, chân tay...
Nếu bệnh nhân còn tỉnh thì cho uống nước từ từ, từng ít một hoặc uống dịch oresol. Nhanh chóng cởi hết quần áo và được đắp khăn ướt trong lúc di chuyển người bệnh đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Các bác sỹ cũng khuyến cáo, trong những ngày nắng nóng, những người phải làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao (như thợ xây dựng, công nhân cầu đường …) cần trang bị mũ, nón che kín đầu và gáy.
Thường xuyên uống nước ngay cả khi không khát, nước uống nên pha thêm ít muối, đồng thời ăn nhiều rau xanh và hoa quả cũng giúp cơ thể chống lại “say nắng”.
Tâm Huyền
Bình luận