Ngày 27/7, tại Hà Nội đã diễn ra buổi lễ công bố cấp phép nhượng quyền chương trình đào tạo huy động vốn cộng đồng CFM (Crownd Funding Mastery) của công ty Cổ phần đầu tư CMF, do chuyên gia tư vấn huy động vốn cộng đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) Nguyễn Quốc Trung sáng lập.
Tại sự kiện, chuyên gia tài chính Nguyễn Quốc Trung đã chia sẻ về chương trình huy động vốn cộng đồng CFM. Theo đó, huy động vốn cộng đồng CFM tư vấn và hỗ trợ hoạt động gọi vốn cho các công ty, mô hình kinh doanh vừa và nhỏ, theo hướng huy động nguồn vốn trong cộng đồng từ nhiều nhà đầu tư, mỗi nhà đầu tư góp một số vốn nhỏ, và chỉ chiếm một tỉ lệ cổ phần rất nhỏ trong doanh nghiệp, hoặc thậm chí không nắm giữ cổ phiếu công ty.
Với phương pháp này, chủ doanh nghiệp vừa có được nguồn vốn để phát triển mô hình kinh doanh, đồng thời không bị bất kỳ nhà đầu tư nào với số cổ phần quá cao chi phối hoạt động của mình.
Nói về thời điểm tạo ra mô hình huy động vốn cộng đồng CFM, quá trình chia sẻ mô hình này đến với các doanh nghiệp ông Nguyễn Quốc Trung bật mí:
“Năm 2015, khi đó tôi còn là CEO Move Việt Nam, chúng tôi muốn mời tỷ phú Richard Branson, Chủ tịch Virgn Group đến Việt Nam nhưng chưa đủ khả năng tài chính. Lúc đó, tôi đã giải quyết bài toán này bằng việc huy động nguồn vốn theo mô hình nhiều nhà đầu tư cùng tham gia và nhanh chóng có đủ số vốn, đưa được tỷ phú này về Việt Nam nói chuyện và thu hút 5000 người tham gia.
Điều này đã tạo động lực cho tôi nghiên cứu, phát triển mô hình CFM nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam có được nguồn vốn để phát triển mà không bị mất quyền kinh doanh vào tay các nhà đầu tư cá mập.
Hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tôi quan tâm đến “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp, nguồn vốn và dòng tiền của họ có đủ để quay vòng sinh lời và đảm bảo về pháp lý để tiến xa hơn hay không. Chúng tôi muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp trong thời gian dài đến khi doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư và ổn định tài chính, chứ không chỉ là một khóa học đơn thuần”.
Tự mình phát triển mô hình huy động vốn cộng đồng CFM từ năm 2016, đến nay, gần 200 chủ doanh nghiệp, mô hình kinh doanh vừa và nhỏ đã được ông Trung tư vấn, hướng dẫn gọi vốn.
Nói về sự khác biệt giữa gọi vốn truyền thống và gọi vốn cộng đồng, ông Nguyễn Quốc Trung cho biết: “Mô hình gọi vốn truyền thống được các doanh nghiệp biết đến nhiều hiện nay là việc mời một hoặc ít nhà đầu tư hay quỹ đầu tư rót vốn, một công ty có ít cổ đông, mỗi cổ đông rót vào doanh nghiệp một số tiền lớn, chiếm tỷ lệ cổ phần cao trong công ty. Mô hình này giúp các doanh nghiệp nhanh tiếp cận được nguồn vốn, tuy vậy, nhiều công ty bị nhà đầu tư lớn “cá mập” chi phối về chiến lược, chính sách hoặc bị nuốt chửng.
Trong khi đó, gọi vốn cộng đồng là một nhóm rất đông các nhà đầu tư góp một số tiền nhỏ. Huy động vốn cộng đồng khắc phục được điểm yếu bị “cá mập ăn thịt” như gọi vốn truyền thống, do những nhà đầu tư nhỏ nên họ gần như không thể thâu tóm, kiểm soát được quá nhiều hoạt động kinh doanh của công ty. Tiếp nữa, huy động vốn cộng đồng cũng có tính lan tỏa nhanh. Điểm yếu của huy động vốn cộng đồng là làm việc với số lượng người đông, chắc chắn khó tránh khỏi ý kiến khác nhau”.
Khi tham gia vào chương trình đào tạo huy động vốn cộng đồng, các chủ doanh nghiệp sẽ được đào tạo và định hướng về quy trình huy động vốn cộng đồng.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Quốc Trung và CFM Investment đã cấp phép nhượng quyền đào tạo chương trình gọi vốn cộng đồng CFM cho ông Nguyễn Khắc Giang - một trong những học viên cũ của chương trình.
Với việc cấp phép nhượng quyền chương trình gọi vốn cộng đồng CFM, ông Trung cùng các cộng sự kỳ vọng nhân rộng mô hình này đến với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bình luận