Nội dung trên được ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh trong văn bản gửi 2 tỉnh Bắc Giang và Nghệ An chiều nay (8/7) về việc chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Nghệ An và Bắc Giang khẩn trương rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với 2 người mắc bệnh bạch hầu: nữ sinh M.T.B., 18 tuổi ở huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) và một trường hợp đã tử vong ở Nghệ An.
Các địa phương khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm để xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch. Đồng thời tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ cũng yêu cầu các đơn vị đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Các đơn vị cần thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đặc biệt, cần lưu ý hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.
Cục Y tế dự phòng đề nghị 2 địa phương rà soát, thống kê các những người chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu. Từ đó tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Trước đó, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang, trường hợp dương tính với bạch hầu là M.T.B., 18 tuổi, tạm trú huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang), thường trú tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Ngày 25 - 28/6, M.T.B. và M.T.S. về Nghệ An thi tốt nghiệp THPT, ở cùng phòng với một người mắc bệnh bạch hầu.
Khi quay lại Bắc Giang, B. và S. đau họng, cùng lúc đó cả hai biết người bạn cùng phòng ở Nghệ An trước đây đã mất vì bạch hầu nên tự mua thuốc kháng sinh uống.
B. làm xét nghiệm và có kết quả dương tính với bạch hầu. Nữ sinh cũng được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) để điều trị. Còn S và các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh đã được cơ quan chuyên môn huyện Hiệp Hòa thu dung và đưa vào khu vực cách ly.
Bạch hầu là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khả năng gây dịch, lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường hô hấp. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng truyền nhiễm thông qua vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh.
Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da bị tổn thương, gây bạch hầu da. Trung bình sau khoảng hai tuần nhiễm vi khuẩn, người bệnh có thể bắt đầu lây nhiễm cho người khác thông qua các hình thức nói trên.
Bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.
Bình luận