Đánh giá của Moody’s được đưa ra dựa trên tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ với sự hỗ trợ từ việc sử dụng ngày càng hiệu quả lực lượng lao động và nguồn vốn trong nền kinh tế.
Kỳ hạn trung bình của trái phiếu chính phủ dài và giảm dần sự phụ thuộc vào nợ bằng ngoại tệ cho thấy sự ổn định và giảm dần gánh nặng nợ của chính phủ, nhất là nếu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ được duy trì dài hơn dự kiến. Cấu trúc trái phiếu của Chính phủ Việt Nam cũng hạn chế sự tác động của các "cú sốc" tài chính.
Việc nâng mức xếp hạng nói trên đối với Việt Nam cũng cho thấy sự cải thiện "sức khỏe" của ngành ngân hàng mà Moody's dự báo sẽ được duy trì dù là từ các mức tương đối yếu.
Moody's cũng nâng mức trần tín nhiệm đối với trái phiếu ngoại tệ (FC) dài hạn từ Ba2 lên Ba1 và mức trần tín nhiệm đối với tiền gửi FC dài hạn từ B2 lên B1. Mức trần tiền gửi và trái phiếu FC ngắn hạn của Việt Nam vẫn không đổi ở mức “Không phải tốt nhất”. Trong khi đó, mức trần tiền gửi và trái phiếu bằng đồng Việt Nam vẫn ở mức Baa3.
Hãng nhận định sức mạnh kinh tế của Việt Nam là sự kết hợp từ cả tăng trưởng cao và sức cạnh tranh cao, khi đang trong quá trình chuyển dịch sang cách ngành có giá trị gia tăng cao. Tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2018 – 2022 được dự báo vào khoảng 6,4%.
Moody’s cho rằng nợ chính phủ sẽ vẫn ổn định quanh mốc hiện tại, tương đương khoảng 52% GDP năm 2017. Sau năm 2020, gánh nặng nợ sẽ giảm dần.
Moody’s cũng cho biết có thể nâng hạng cho Việt Nam nếu các chính sách tài khóa tiếp tục hỗ trợ giảm thâm hụt và giảm đáng kể nợ chính phủ, sức khỏe của hệ thống ngân hàng tiếp tục được cải thiện bền vững và sức mạnh thể chế được nâng lên.
Ngược lại, tín nhiệm của Việt Nam có thể bị hạ nếu hoạt động kinh tế yếu đi do căng thẳng thương mại kéo dài hoặc sức cạnh tranh suy giảm; bất ổn tài chính tái xuất hiện khiến lạm phát và chi phí thanh toán nợ lên cao; tình hình nợ và thâm hụt chuyển xấu do rủi ro bất chợt từ hệ thống ngân hàng hoặc doanh nghiệp nhà nước.
Video: Đại biểu ít tiếp xúc với dân, tín nhiệm sẽ rất thấp
Bình luận