• Zalo

Món đồ đặc biệt của những người đi biển

Kinh tếThứ Hai, 18/11/2013 12:57:00 +07:00Google News

(VTC News) - Các ngư dân ở đảo Phú Quốc kể rằng, người dân miền biển nhìn thấy sóng Viettel là biết sắp tới nhà…

(VTC News) - Trên chiếc tàu Thổ Châu 09 - chạy 5 ngày/chuyến nối liền đảo Phú Quốc tới xã đảo Thổ Châu, thuộc quần đảo Thổ Chu ở cực Tây Nam tổ quốc (tỉnh Kiên Giang), ngư dân Lê Văn Thành kể rằng, người dân miền biển nhìn thấy sóng Viettel là biết sắp tới nhà…

Chỉ tay về phía đảo Thổ Châu còn xa tít tắp, ông Thành rút chiếc di động trong túi rồi gọi về nhà. Sóng Viettel “căng đét”: “Bà bảo sắp nhỏ lấy ít mực tươi, chiều tui đãi mấy chú từ Bắc vô…”

Thấy sóng là thấy đất liền

Cả đời lênh đênh trên biển, ông Thành chẳng thể nhớ bao nhiêu lần mình cập bến rồi ra khơi, cũng như chẳng ai đếm nổi số lần mà con sóng ngày đêm vỗ ì oạp dưới chân cầu Bãi Ngự. Sóng gió càng làm người đàn ông ấy trở nên mạnh mẽ hơn, để những chuyến tàu đầy ắp cá, mực cập bến trong niềm vui của những người vợ đợi chờ…

Với các chiến sĩ ở đảo Thổ Chu, điện thoại di động là vật dụng không thể thiếu.

Trong câu chuyện với những người khách lạ, ông kể rằng nếu như con tàu mong được cập bến thì niềm vui sướng nhất của ngư dân chính là thắng được mẻ cá, lên bờ. Nhưng, vui hơn cả là trong những ngày lênh đênh trên biển, được nghe giọng nói của người thân, của đứa cháu nội đang bi bô học lớp 1…

Kể từ khi có điện thoại di động, ông Thành cũng như những ngư dân phần nào bớt được nỗi nhớ nhà. Nhưng biển khơi mịt mùng, mỗi lần ra khơi đi đến hàng trăm km, sóng di động không thể nào với tới được. Với hầu hết các nhà mạng, sóng chỉ vươn ra tới 30km là cùng…

Thế rồi Viettel góp mặt. Sự có mặt của nhà mạng quân đội đã làm nhiều ngư dân nức lòng. Sóng di động ở đây đã vươn tới cả trăm km ngoài biển cả. “Có đêm trúng được mẻ cá lớn, gọi điện về nhà báo, bà ấy vui quá đến mất cả ngủ, đợi tàu về…”, ông Thành cười lớn, kể.

Còn theo ngư dân Nguyễn Văn Tùng, cho dù ra khơi có la bàn và các thiết bị liên lạc khác, nhưng họ thấy thực sự yên tâm hơn khi có sóng di động. Biển cả bao ba ẩn chứa nhiều bất trắc, nhưng khi điện thoại báo có sóng di động của Viettel là lúc những ngư dân biết mình đang đứng ở trên vùng biển của Tổ quốc. Và, họ vững tin đối mặt với những bất trắc ấy bởi biết chắc chỉ cách đất liền khoảng 100km.

Kết nối tình yêu

Thượng tá Dương Đức Mười, Chỉ huy trưởng đảo Thổ Chu (Bộ Tư lệnh vùng 5, Quân chủng Hải quân Việt Nam) tâm sự, nhập ngũ từ năm 1983 thì tới năm 1982 anh ra đảo Thổ Chu làm việc.  Lúc từ giã đất liền, người lính trẻ chưa hề hay biết vợ mình đã mang thai đứa con đầu lòng, cho đến lúc anh trở lại thì vợ đã sinh nở được gần hai tháng…
Điện thoại di động là công cụ đặc biệt của người đi biển

Ngày trước, tàu ra đảo Thổ Châu chỉ một chuyến/tháng. Không có sóng di động, những người lính mong tin nhà chỉ qua những cánh thư tay. Bởi thế, năm 1994, người lính hải quân Dương Đức Mười nhận được tin bố qua đời khi gia đình đã cử hành tang lễ được 45 ngày. Đau xót vô hạn, nhưng người con ở phương Nam đành cúi đầu thắp nén nhang hướng về phương Bắc bởi không thể về kịp để làm 49 ngày cho bố.

“Giờ thì tiện lắm rồi. Sóng di động đã phủ kín đảo, nhiều người còn dạy con học qua điện thoại,” Thượng tá Mười tiếp tục mạch chuyện. Theo lời anh, ngoài việc những người lính nơi xa có thể dễ dàng liên lạc với người yêu trong đất liền thì sóng di động còn hỗ trợ rất nhiều trong công việc. Những người trên đảo từng chứng kiến việc bác sĩ của đảo không được đào tạo về mổ sinh em bé, nhưng trong tình huống khẩn cấp nếu không mổ sẽ không giữ được thai phụ và thai nhi. Vừa mổ, bác sĩ ở đảo xa vừa dùng điện thoại di động liên lạc với bác sĩ trong đất liền nhờ tư vấn. Và, ca mổ đã thành công tốt đẹp trong niềm hân hoan của mọi người.

Vẫn theo lời “chúa đảo” Thổ Chu thì so với các nhà mạng khác, mạng Viettel ở đây rất được ưa chuộng với tỷ lệ 60% người dân trong xã sử dụng. Hiện tại, nhà mạng này đang xây dựng thêm một trạm thu phát sóng để phục vụ tốt hơn sóng 3G, giúp người dân có thể thoải mái trải nghiệm Internet qua di động hoặc qua các thiết bị USB 3G với máy tính. Và Thượng tá Mười tin khi ấy, số người dân dùng dịch vụ của Viettel có lẽ sẽ đạt tới 90%.

“Sóng Viettel ngoài khơi ổn định, nên việc liên lạc về nhà cũng thuận lợi lắm. Có cậu còn buôn điện thoại với người yêu đến cả tiếng đồng hồ. Nếu có 3G tốt, có lẽ ngư dân khi ra biển lại mải lướt web, lười đánh cá mất”, ngư dân Nguyễn Văn Tùng tếu táo.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Tống Thành Đại, nguyên Phó Tổng Giám đốc của Viettel cho hay, giờ đây, sóng di động của Viettel đã phủ khắp các đảo xa. Thế nhưng, ước mong của người Viettel còn lớn hơn thế. Viettel muốn vươn xa hơn ra biển cả, để những ngư dân vững tin hơn khi ra khơi xa đánh bắt, khẳng định chủ quyền biển đảo bởi giờ đây họ đã được nối với đất liền nhờ cánh sóng.
 Xã đảo Thổ Châu nằm trong quần đảo Thổ Chu ở trên vùng biển cực Tây Nam của Tổ quốc. Quần đảo có tổng diện tích gần 14km² với tám hòn đảo, trong đó đảo Thổ Chu lớn nhất, diện tích hơn 10km², còn lại là các đảo Hòn Đứng, Hòn Nhạn, Hòn Keo Ngựa, Hòn Khó, Hòn Từ, Hòn Cao Cát và Hòn Mô.
Trung tâm hành chính xã đảo Thổ Châu đặt tại đảo Thổ Chu, cách Tây Nam đảo Phú Quốc 55 hải lý và Tây Bắc Mũi Cà Mau 85 hải lý, nằm gần đường hải biên quốc tế Bangkok (Thái Lan), Komponsom (Campuchia).


Trung Quân

Bình luận
vtcnews.vn