Hai nhà lãnh đạo đã làm sâu sắc hơn mối quan hệ vào giữa tháng 5, bằng chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài hai ngày tới Trung Quốc của ông Putin, với cam kết về một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ Trung Quốc - Nga.
Các nhà quan sát cho rằng, "tình bạn" giữa ông Tập và ông Putin xây dựng dựa trên quan hệ cá nhân gần gũi và được củng cố nhờ thế giới quan giống nhau. Bên cạnh đó, do chỉ chênh lệch nhau một tuổi, nên hai nhà lãnh đạo có thể nói đã cùng nhau trải qua nhiều dấu mốc lịch sử của thế giới, bao gồm sự sụp đổ của Liên Xô và "Thắng lợi của phương Tây".
Các cuộc khủng hoảng kinh tế mà Mỹ phải đối mặt và cuộc chiến chống khủng bố kéo dài cũng đóng vai trò định hình quan điểm của cả hai nhà lãnh đạo về tính bền vững trong vai trò lãnh đạo toàn cầu của phương Tây - và quan trọng là liệu các quốc gia của họ có được quyền có tiếng nói lớn hơn không khi tham gia vào quá trình các chuẩn mực toàn cầu và các quy tắc quốc tế.
Theo cây bút Gideon Rachman của Financial Times, cả ông Tập và ông Putin đều tin rằng “sự suy giảm sức mạnh toàn cầu của Mỹ là điều cần thiết và không thể tránh khỏi”. Một thế giới đa cực sẽ “cho phép các nền văn minh khác nhau sống theo quy tắc riêng của họ”.
Đối với Bắc Kinh và Moskva, việc sống theo các quy tắc riêng của họ có lẽ sẽ bao gồm việc quản lý các cử tri trong nước theo cách mà họ cho là phù hợp - chứ không phải theo cách mà Washington thúc đẩy.
Trung - Nga và cuộc xung đột ở Ukraine
Với trạng thái hòa bình, nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc có vai trò tốt nhất để làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột ở Ukraine. Người ta hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn ngoại giao nào đó giữa Kiev và Moskva trong những tháng tới, dưới sự chứng kiến của Bắc Kinh, với việc ông Putin ca ngợi kế hoạch hòa bình của Trung Quốc trước chuyến thăm của ông hồi giữa tháng 5.
Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra.
Thứ nhất, Bắc Kinh coi cuộc xung đột này là kết quả từ "sự hiếu chiến" của phương Tây - từ việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến việc Mỹ tiếp tục thổi bùng ngọn lửa bằng việc tiếp tục cung cấp viện trợ và vũ khí cho Ukraine. Do đó, bất kỳ việc chấm dứt chiến sự nào đều phải là sáng kiến của phương Tây, chứ không phải của Trung Quốc.
Thứ hai, cuộc xung đột Ukraine khiến Mỹ mất tập trung khỏi châu Á, do đó mang lại cho Bắc Kinh nhiều không gian và quyền tự chủ hơn để hành động vì lợi ích của mình ở châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ ba, do các lệnh trừng phạt của phương Tây, Moskva có phần phải phụ thuộc vào Trung Quốc để duy trì nền kinh tế của mình. Trong tháng 4, Trung Quốc đã nhập khẩu 9,26 triệu tấn dầu từ Nga, tăng 72% từ mức 5,41 triệu tấn vào tháng 2/2022. Việc có thể mua dầu giá rẻ từ Moskva là rất quan trọng đối với Bắc Kinh do nhu cầu năng lượng tăng vọt trong những năm qua.
Cuối cùng, cuộc xung đột như một nơi thử nghiệm để Trung Quốc đánh giá sự đoàn kết và gắn kết của phương Tây trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ với vùng đảo Đài Loan. Mặc dù quan điểm ngoại giao cho rằng các điều kiện chính trị của Kiev và Đài Loan là những vấn đề riêng biệt và không thể đánh đồng, nhưng thực tế và cách thức tiến hành xung đột dường như vẫn có mối liên hệ.
Theo CNA, giới lãnh đạo và hoạch định quân sự trên toàn thế giới có thể đang sử dụng trường hợp Ukraine nhằm hoàn thiện các giả thuyết, chiến lược quân sự của họ. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu Bắc Kinh cũng làm như vậy. Điều đó có nghĩa, miễn là cuộc xung đột không ảnh hưởng trực tiếp tới Trung Quốc, nước này có thể sẽ hài lòng với vai trò là người quan sát thay vì người hòa giải, và sẽ không chủ động can thiệp.
Bầu cử Mỹ và quan hệ với châu Âu
Điều đó không có nghĩa là ông Tập và ông Putin không có sự khác biệt.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với tình hình xung đột ở Ukraine. Một chiến thắng cho Tổng thống đương nhiệm Joe Biden có thể sẽ đảm bảo duy trì việc viện trợ của Washington cho Kiev.
Trong khi đó, nếu ông Donald Trump giành phần thắng sẽ làm phức tạp thêm vấn đề, vì cựu Tổng thống Mỹ có lập trường khá mơ hồ về cuộc chiến và quan hệ cá nhân với ông Putin.
Nhiều quốc gia châu Âu có lý do để lo lắng nếu sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine lung lay. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Putin đã làm gián đoạn trật tự an ninh châu Âu và ông dường như không ngần ngại “đối đầu” với họ.
Trong bối cảnh như vậy, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc đang cố gắng thu hút Liên minh châu Âu (EU).
Ông Tập đã thực hiện chuyến công du châu Âu đầu tiên sau 5 năm, với các chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp, Serbia và Hungary. Hai quốc gia sau là một phần trong kế hoạch cơ sở hạ tầng Sáng kiến Vành đai và Con đường đặc trưng của ông Tập.
Việc duy trì mối quan hệ với châu Âu là một nỗ lực đúng thời điểm, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dường như sẽ không có bước ngoặt, bất chấp kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Và mặc dù EU chắc chắn không chấp nhận mối quan hệ thân thiết giữa Trung Quốc với Nga, nhưng khối này dường như cũng muốn có quyền tự chủ chiến lược nhiều hơn và ít phụ thuộc hơn vào Mỹ.
Trong trường hợp Mỹ giảm bớt tầm ảnh hưởng ở khu vực, Bắc Kinh có thể tạo ra nhiều không gian ngoại giao hơn và có thêm lý do để hướng tầm nhìn của họ về một thế giới đa cực hơn.
Tuy nhiên, dù có những khác biệt trong chính sách ngoại giao, nhưng theo Phó giáo sư Benjamin Ho tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam, "chừng nào ông Tập và ông Putin còn nắm quyền, 'tình bạn' thân thiết Trung Quốc - Nga sẽ còn kéo dài. Vì đối với cả hai nhà lãnh đạo, không có lựa chọn nào có thể tốt hơn".
Bình luận