• Zalo

Mỗi người Việt đang 'gánh' bao nhiêu tiền nợ công?

Kinh tếChủ Nhật, 12/06/2016 10:22:00 +07:00Google News

Đồng hồ đo nợ công toàn cầu của tạp chí The Economist vừa công bố mức nợ công của các nước, trong đó có con số mới nhất về nợ công của Việt Nam.

Nếu năm 2006, mỗi người Việt Nam chỉ gánh 279 USD nợ công thì nay đã tăng gần 4 lần, lên mức 1.039 USD, theo đồng hồ đo nợ công toàn cầu của tạp chí The Economist.

Trong bối cảnh nợ công căng thẳng, mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, cơ quan Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố và Ngân hàng phát triển Việt Nam, ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam và các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đề nghị các đơn vị nêu trên sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài thực hiện một số công việc nhằm xây dựng ngưỡng an toàn vay ODA, vay ưu đãi không ảnh hưởng trần nợ công.

Nợ công Việt Nam theo đồng hồ đo nợ công toàn cầu của The Economist. Ảnh chụp màn hình 

Nợ công tăng cao là vấn đề mang tính lịch sử

Cũng trong tuần qua, trao đổi với báo chí liên quan đến vấn đề nợ công, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, nợ công tăng cao như hiện nay là vấn đề mang tính lịch sử, nợ công dồn lại do từ nhiều năm trước, cách nhìn nhận về sử dụng nguồn vốn vay vẫn còn hạn chế, chẳng hạn cho rằng vốn rẻ, thời hạn dài nên trong sử dụng và quản lý không thật chặt chẽ.

Ông Tiến cũng cho biết, liên quan đến việc trả nợ, Việt Nam có thể đàm phán với các chủ nợ để hỗ trợ xoá nợ, cho vay đảo nợ hoặc các chủ nợ này cũng có thể mua lại nợ. Trường hợp bán vốn nhà nước để trả nợ cũng là một phương án nhưng chỉ là giải pháp khi không còn giải pháp nào nữa.

Giải thích thêm về việc tỷ lệ nợ công tăng nhanh chóng trong năm qua, vị đại diện này cho biết, cần nhìn nhận ở góc độ mang tính kỹ thuật.

Cụ thể, đây là vấn đề liên quan đến việc thực hiện song song kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư trong khi GDP trên thực tế đạt được thấp hơn so với dự báo thì công tác chi đầu tư lại được xây dựng trên GDP dự báo.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2011- 2015, nợ công gia tăng nhanh chóng với mức 16,7%/năm. Theo đó, cuối năm 2015, về số tuyệt đối, dư nợ công lên đến 2.608 nghìn tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011 (1.393 nghìn tỷ đồng). Về số tương đối, cuối năm 2015, nợ công/GDP ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội. 

Mỗi người dân Việt Nam đang gánh 1.039 USD nợ

Trong báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia cho biết, quy mô nợ công thực tế có thể đã cao hơn so với mức công bố do cách thức xác định nợ công của Việt Nam và một số tổ chức quốc tế uy tín có sự khác biệt.

Cụ thể, nợ công theo tiêu chuẩn Việt Nam dựa trên nguyên tắc: trách nhiệm thanh toán thuộc về chủ thể đi vay; còn nợ công theo tiêu chuẩn quốc tế được xác định trên cơ sở: chủ sở hữu thực sự hay pháp nhân đứng sau chủ thể đi vay phải có trách nhiệm thanh toán.

Theo đó, nợ công theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ bằng nợ công theo tiêu chuẩn Việt Nam cộng với nợ của: Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước,  tổ chức bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội và một số địa phương. Căn cứ theo tiêu chuẩn quốc tế, nhiều chuyên gia đưa ra ước tính và cho rằng tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã vượt mức 100%.

Báo cáo của BIDV cũng chỉ ra mộ số bất cập trong việc sử dụng nợ công như một phần đáng kể của nợ công được sử dụng để trả nợ thay cho đầu tư phát triển, hiệu quả sử dụng không cao nhất là đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, cơ cấu chi ngân sách không bền vững cũng ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nợ công, chi ngan sách chủ yếu là chi thường xuyên ở mức tăng trưởng 18,44%/năm trong khi chi đầu tư phát triển từ 2013 đến nay chỉ ở mức 4,8%...

Ngoài ra, BIDV cũng chỉ ra những rủi ro liên quan đến nợ công hiện nay là chỉ tiêu nợ phải trả cả gốc và lãi có nguy cơ tiến sát vượt ngưỡng cảnh báo, nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh trong khi nguồn trả nợ công không bền vững, nợ công tác động tiêu cực với nền kinh tế, gây sức ép cân bằng ngân sách nhà nước.

Cũng theo BIDV, Chính phủ liên tục phát hành trái phiếu Chính phủ bù đắp hệ quả quy mô nợ công tăng theo tần suất và quy mô phát hành trái phiếu Chính phủ. Lãi suất cũng bị đẩy lên cao, gây khó cho doanh nghiệp từ đó làm giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước để thanh toán các khoản vay.

Trên đồng hồ đo nợ công toàn cầu của The Economist, nợ công Việt Nam đến ngày 11/6 là 94,85 tỷ USD, chiếm 45,6% GDP. Trung bình mỗi người dân Việt Nam đang gánh 1.039 USD nợ, tương đương gần 23 triệu đồng.

Trước đó, năm 2006, nợ công của Việt Nam là 23,34 tỷ USD, chiếm 43,9% GDP. Trung bình mỗi người dân Việt Nam đã gánh 279 USD nợ. Như vậy, sau chưa đầy 10 năm, nợ công Việt Nam đã tăng lên gấp 4 lần và trung bình mỗi người dân đã gánh gấp 3,7 lần nợ công so với 2006.

Nguồn: Bizlive
Bình luận
vtcnews.vn