Qua Báo điện tử VTC News, Thầy Trần Trung Hiếu chia sẻ những cảm xúc nghẹn ngào khi trong những ngày đất nước tưởng nhớ và kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2017). Hơn ai hết, là một giáo viên Sử, thầy càng thấu hiểu trách nhiệm và thiên chức của mình trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ những giá trị đích thực của lịch sử mà trong khuôn khổ của sách giáo khoa Lịch sử hiện hành chưa đề cập đến.
Có lẽ Việt Nam là một quốc gia dân tộc hiếm hoi trên thế giới mà trong lịch sử dựng nước và giữ nước phải trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh giành lại độc lập và bảo vệ độc lập chống các thế lực xâm lược ngoại bang đến từ Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ.
Trong hàng ngàn năm lịch sử ấy, để có hòa bình, độc lập, thống nhất, dân tộc, ta phải trả giá quá đắt với sự mất đi nhiều sinh mạng và của cải từ chống quân xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Quốc thời phong kiến rồi đến chống quân xâm lược Pháp, Nhật Bản, Mỹ rồi đến cuộc chống chiến tranh xâm lược Trung Quốc bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam.
Mỗi cuộc chiến tranh đó đều có những sắc thái riêng, nhưng đều có điểm chung là gây cho dân tộc ta nhiều đau thương, mất mát. Song, có lẽ không có cuộc chiến tranh nào kéo dài bằng cuộc kháng chiến chống Mỹ 21 năm trường kỳ 1954-1975 với bao mất mát và hệ lụy. Và có lẽ, trên thế giới chỉ có ở Việt Nam hiện nay, trong nội các của Chính phủ mới có Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - cơ quan giải quyết các chế độ chính sách cho các liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những nạn nhân của chất độc màu da cam, những gia đình có công với cách mạng trong các cuộc kháng chiến trường chinh.
Video: Thế hệ trẻ thắp nến tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Một đất nước có hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, hàng vạn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng trăm Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh và rất nhiều công trình tượng đài, phù điêu khắc tạc những người anh hùng đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng là quá đủ để khẳng định một giá trị của một dân tộc.
Và cũng vì vậy, có lẽ không ở đâu như xứ sở này, đi đâu chúng ta cũng gặp nghĩa trang liệt sỹ. Làng nào, xã nào, huyện nào cũng có nghĩa trang, trong đó ngay ở tỉnh Quảng Trị có cả 2 nghĩa trang quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang đường 9. Và hầu như trong mỗi gia đình Việt Nam, hầu như nhà nào, dòng họ nào cũng có người ra trận, có thương bệnh binh, cũng có người hy sinh.
Nếu trên mỗi mộ liệt sỹ chỉ cần thắp một ngọn nến, thì đêm nào trên mảnh đất hình chữ S của chúng ta cũng rực sáng lên như một dải Ngân hà. Đó là chưa kể hiện nay, chúng ta vẫn còn trên 300.000 liệt sỹ chưa tìm thấy được hài cốt, vẫn còn nằm rải rác ở đâu đó trên những cánh đồng, những khu rừng già, trên những con suối, sườn núi ven biên giới… Đó cũng là nỗi day dứt khôn nguôi trong mỗi người Việt chúng ta.
Càng gần đến ngày đất nước tưởng nhớ và kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2017), hơn ai hết những giáo viên Sử chúng tôi càng thấu hiểu trách nhiệm và thiên chức của mình trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ những giá trị đích thực của lịch sử mà trong khuôn khổ của sách giáo khoa Lịch sử hiện hành chưa đề cập đến.
Tuy nhiên, để đọc và cảm nhận sâu sắc những giá trị lịch sử đó, tôi thiết nghĩ các giáo viên Sử cần có những kiến thức thực tế qua việc tham quan, thăm viếng một số bảo tàng chuyên ngành, các di tích lịch sử gắn liền với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, nhất là những địa danh nổi tiếng gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Vào Quảng Trị vào các dịp tháng 7 hàng năm mới thật sự cảm nhận một cách sâu sắc tại sao những người lính trong chiến tranh ác liệt như vậy, họ vẫn có một niềm tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa sẽ giành thắng lợi, tin vào những người thân yêu đang ở hậu phương cùng sát cánh, sẻ chia để tiếp cho họ sức mạnh tình cảm và tinh thần nơi giáp mặt với đạn bom quân thù.
Những lá thư, những dòng nhật ký chiến trường mà các anh đã viết cho người thân của mình trước khi vào trận đánh hay giữa 2 trận đánh đều như những người viết Sử bằng thư, nhật ký. Có người dặn người yêu là hãy chờ đến ngày 30/4 hẹn gặp lại nhau. Có thể linh cảm đặc biệt của một người lính trận, họ đã biết trước ngày 30/4 là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày mà mọi lứa đôi xa cách sẽ được đoàn tụ.
Rồi có cả những người lính dặn lại vợ mình sau chiến tranh hãy đến tìm anh ở ven bờ sông Thạch Hãn. Anh còn lưu ý chị cụ thể từ đoạn nào trên dòng sông ấy. Và rồi trên thực tế, chị đã tìm được hài cốt anh đúng như anh đã chỉ dẫn khi còn đang sống. Lòng dũng cảm, kiên cường dành chiến thắng và sự bình tĩnh đón nhận sự hy sinh của người lính trận thời ấy thật quả cảm và đáng để trân trọng.
Rồi có người đã nhận quyết định học nhưng họ vẫn quyết định ở lại với đồng đội với Truông Bồn một đêm và đã hy sinh. Rồi có bà mẹ 11 người con bao gồm cả con trai, con gái, con rể, con dâu đều là liệt sỹ và cũng có rất nhiều bà mẹ chỉ có 1 người con thì giọt máu duy nhất ấy cũng đã ngã xuống nơi chiến trường vì Tổ quốc. Và còn có rất nhiều người như vậy, đã chiến đấu và chờ ngày chiến thắng và cũng rất nhiều người đã dám hy sinh mình,hy sinh một cách vô điều kiện người thân của mình cho Tổ quốc.
Video: Tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên
Và cũng chính cái sức mạnh tinh thần tuyệt đối ấy đã là động lực thôi thúc họ chiến đấu và dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc.Và cũng vì vậy, có lẽ không ở đâu như xứ sở này, đi đâu chúng ta cũng gặp nghĩa trang liệt sỹ. Làng nào, xã nào, huyện nào cũng có nghĩa trang, trong đó ngay ở tỉnh Quảng Trị có cả 2 nghĩa trang quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang đường 9. Và hầu như trong mỗi gia đình Việt Nam, hầu như nhà nào, dòng họ nào cũng có người ra trận, có thương bệnh binh, cũng có người hy sinh.
Nếu trên mỗi mộ liệt sỹ chỉ cần thắp một ngọn nến, thì đêm nào trên mảnh đất hình chữ S của chúng ta cũng rực sáng lên như một dải Ngân hà. Đó là chưa kể hiện nay, chúng ta vẫn còn trên 300.000 liệt sỹ chưa tìm thấy được hài cốt, vẫn còn nằm rải rác ở đâu đó trên những cánh đồng, những khu rừng già, trên những con suối, sườn núi… Đó cũng là nỗi day dứt khôn nguôi trong mỗi người Việt chúng ta.
Rất nhiều năm qua, cứ dịp đến tháng 7 người ta lại thấy rất nhiều đoàn cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và các tổ chức đoàn thể các địa phương lại nối đuôi nhau hành hương về với Quảng trị yêu thương. Những nén tâm hương, những ngọn nến lung linh được thắp lên trên nhiều tượng đài, nghĩa trang liệt sỹ. Những vòng hoa đỏ được thả xuống dòng Thạch Hãn, sông Bến Hải trong những tiếc nấc nghẹn ngào của đồng đội năm xưa. Đó là đạo lý, là lẽ sống của những người còn may mắn sống sót sau cuộc chiến dù có thể nhiều vết thương, bệnh tật từ chiến tranh vẫn còn hiện hữu trên cơ thể họ mỗi khi trái gió, trở trời.
Dù những những cựu chiến binh đó không có tên trong danh sách những người anh hùng nhưng họ đã tự nguyện góp tiền của, sắp xếp thời gian và sức lực để hành hương về chiến trường xưa, để vào những chốn rừng sâu núi thẳm miệt mài đi tìm mộ, hài cốt các đồng đội không may mắn được yên nghỉ tại các nghĩa trang liệt sỹ thì những nghĩa cử đó cũng xứng đáng như những người anh hùng.
Và điều cuối cùng mà chúng ta nên nhớ và có cách hành xử nhân ái hơn là không chỉ đến ngày 27/7 chúng ta mới làm những việc tưởng nhớ, tri ân. Các cơ quan đoàn thể các cấp, các ngành cần làm tốt hơn nữa chính sách đền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm cụ thể với những gia đình thương bệnh binh, liệt sỹ và những người có công với cách mạng.
Hãy đừng chỉ nhớ ngày đó bằng những câu băng rôn khẩu hiệu, tranh cổ động căng khắp phố phường, nơi công cộng, trong những bài phát biểu sáo rỗng của các vị lãnh đạo. Mỗi cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp cũng có thể chắt chiu những đồng tiền nhỏ để gây nên những quỹ tình nghĩa, tình thương cho những gia đình thương binh, liệt sỹ, có công với cách mạng, đặc biệt là những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đó mới là những việc làm thiết thực nhất để làm vơi bớt nỗi đau của của chiến tranh, làm dịu đi vết thương lòng, thể hiện truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của nhân dân ta. Và đó mới chính là những ngọn nến luôn lung linh trong đêm.
Bình luận