• Zalo

Mỗi ngày họp Quốc hội tiêu tốn 1 tỷ đồng?

Thời sựThứ Hai, 04/11/2013 04:15:00 +07:00Google News

Theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn, nên tiết kiệm thời gian họp Quốc hội vì "mỗi phút ngồi hội trường, nhà nước phải bỏ ra 2 triệu đồng, vậy mỗi ngày họp tốn 1 tỷ đồng"

Đại biểu QH Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh), cho rằng nên tiết kiệm thời gian họp Quốc hội vì "mỗi phút ngồi hội trường, nhà nước phải bỏ ra 2 triệu đồng, như vậy mỗi ngày họp mất khoảng 1 tỷ đồng"

Lãng phí trong xây dựng cơ bản, mua sắm sửa dụng xe công, rồi lãng phí thời gian, giờ làm việc của công chức, viên chức... đều được các đại biểu phản ánh, thậm chí còn đề nghị phải xử lý hình sự đối với hành vi gây lãng phí.

Đề nghị xử lý hình sự với hành vi gây lãng phí

ĐBQH nêu thực trạng khi Quốc hội bàn về việc chống lãng phí tại nghị trường sáng 4/11.

 ĐBQH nêu thực trạng khi Quốc hội bàn về việc chống lãng phí tại nghị trường sáng 4/11.
ĐBQH phản ánh tình trạng đang có quá nhiều xe công, gây lãng phí lớn
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn Đà Nẵng, nêu thực trạng nhiều dự án thiếu vốn, xây dựng dở dang gây lãng phí lớn. Nguyên nhân thực trạng này do quyết định đầu tư thiếu trọng tâm trọng điểm, không căn cứ vào khả năng vốn. 
Dù biết hậu quả rất rõ nhưng việc này lại chẳng ai phải đứng ra chịu trách nhiệm. Cũng không thấy văn bản nào chỉ ra việc gây ra lãng phí đó thuộc về cá nhân nào.

Bà Thúy cho rằng thực trạng trên còn do năng lực hạn chế. Điều này liên quan nhiều đến công tác quy hoạch cán bộ.

"Thử so sánh người tham nhũng 1 tỷ đồng so với người ra chính sách sai, gây lãng phí 50 – 70 tỷ đồng thì ai gây thiệt hại cho dân, cho nước nhiều hơn? Đã đến lúc cần xem xét đến trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể khi để xảy ra lãng phí, và cần bổ sung vào luật lần này” – bà Thúy kiến nghị.

Cùng đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra lãng phí, ĐB Ngô Thị Minh, Đoàn Quảng Ninh, cũng cho rằng, nội dung này hiện vẫn chưa được nhắc đến.

Trước thực trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, nhiều dự án đang phơi nắng phơi mưa ở nhiều địa phương, ĐB Minh cho rằng cần phải quy định trách nhiệm của người đứng đầu khi sử dụng NSNN gây lãng phí.

“Phải có người công tâm thì NSNN mới được sử dụng một cách hiệu quả. Do vậy cần quy định chặt chẽ trách nhiệm của người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do những hậu quả mình gây ra” – bà Minh nói.

Thể hiện thái độ cứng rắn hơn, ĐB Triệu Là Pham, Đoàn Hà Giang, cho rằng lãng phí là cố ý chiếm đoạt tài sản, tham mô, tham nhũng nhưng trong bộ luật hình sự lại không quy định điều này. Ông đề nghị lãng phí phải được quy định trong bộ luật hình sự chứ không đơn thuần chỉ là hành vi lãng phí.

Không có việc gì khó, chỉ sợ không muốn làm đến cùng


Một nội dung được đa số đại biểu quan tâm, phản ánh trong phiên thảo luận là việc sử dụng tài sản công hiện nay.

Cho rằng hiện nay đang có quá nhiều xe công, ĐB Trương Thị Huệ, Đoàn Thái Nguyên, nêu: “Không biết có nước nào trên trên thế giới có nhiều xe công như chúng ta không?”.

Theo bà kinh phí mua phương tiện đã rất tốn kém, nhưng tiền chi phí cho xăng dầu, bảo dưỡng, chi lương cho lái xe…cũng rất lãng phí. Do vậy cần phải có quy định cụ thể, thậm chí khoán dịch vụ cho từng đơn vị khi sử dụng xe công.

Cũng đề cập đến thực trạng này, ĐB Bùi Thị An, Đoàn Hà Nội, cho rằng việc sử dụng xe công, nhà công của các Bộ trưởng, Thứ trưởng cũng đang trở thành một vấn đề lãng phí lớn. Mặt khác với thực trạng 30% “công chức cắp ô” như hiện nay cũng đang gây lãng phí lớn trong việc chi trả lương. 
Ngay cả việc tuyển dụng cũng rất tốn kém, rồi khi làm việc không hiệu quả, cán bộ công chức lại phải đi đào tạo. Nhiều nơi thời gian đào tạo cho cán bộ còn nhiều hơn cả làm việc. Rồi số không làm việc lại hay bàn tán, gây mất đoàn kết nội bộ…

“Không có việc gì khó, chỉ sợ chúng ta không muốn làm đến cùng thôi. Tôi đề nghị Quốc hội cần giám sát chặt chẽ” – ĐB An đề nghị.

Đề cập đến hoạt động ở Quốc hội, ĐB Trần Quốc Tuấn, Đoàn Trà Vinh, cho rằng nên tiết kiệm thời gian họp Quốc hội. Qua đó tại phiên họp Quốc hội chỉ nên bàn những vấn đề trọng đại của quốc gia, còn lại nên giao cho Thường vụ Quốc hội. Theo tính toán thu thập được của ĐB Tuấn, mỗi phút ngồi hội trường, nhà nước phải bỏ ra 2 triệu đồng, như vậy mỗi ngày họp mất khoảng 1 tỷ đồng.

ĐB Tuấn cũng cho rằng, vào thời điểm cuối năm, các ĐBQH phải xử lý nhiều công việc quan trọng. Các ĐB ở xa nếu phải đi lại nhiều sẽ rất tốn kém nhưng ở lại thì công việc sẽ bị đình trệ. “Lãng phí trách nhiệm thuộc ai? Có phải của Quốc hội không?" - ông Tuấn nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, việc ĐB đề nghị xử lý hình sự đối với hành vi gây lãng phí phải căn cứ vào luật hình sự nhưng có thể đề nghị xem xét bổ sung tội danh này vào. Về thời gian họp Quốc hội bao nhiêu ngày phụ thuộc vào từng kỳ họp.

Cụ thể tại kỳ họp thứ 6 này đã xin ý kiến tại phiên trù bị và đã nhận được sự đồng thuận theo chương trình. Song Phó chủ tịch Quốc hội cũng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của ĐB và sẽ xem xét ngay tại kỳ họp này còn có thể rút ngắn được thêm không thì sẽ điều chỉnh.






Theo Infonet
Bình luận
vtcnews.vn