Trong 25 loại ung thư thường gặp ở phụ nữ Việt, ung thư cổ tử cung phổ biến thứ 4; sau vú, phổi, gan. Ước tính, mỗi năm Việt Nam có 5.146 người mắc và 2.423 ca tử vong vì bệnh.
Khoảng 37,7 triệu nữ giới trên 15 tuổi có nguy cơ mắc bệnh. Trong đó, chị em sau 40 tuổi có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất. 95% trường hợp ung thư cổ tử cung do virus gây u nhú ở người HPV (Human Papilloma Virus).
Virus HPV lây nhiễm qua đường tiếp xúc, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con (khi sinh đẻ) và có thể tồn tại trong cơ thể hàng chục năm trước khi phát bệnh.
Hiện, các nhà khoa học phát hiện ra hơn 100 chủng HPV gây bệnh ở người. Trong đó, chủng HPV 16 là nguy hiểm nhất, chiếm gần 50% các trường hợp. Chủng HPV 18 xếp thứ 2, với 34%. HPV có thể gây ra ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo ở nữ; ung thư dương vật ở nam; mụn cóc sinh dục (sùi mào gà), ung thư hầu họng, hậu môn ở cả 2 giới.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu đăng tải tháng 6/2017 trên Jounal of Infection and Public Health, nhiều phụ nữ Việt hiểu biết ít về virus HPV.
Trước đó, các chuyên gia Đại học Utah, Đại học Y khoa Texas, Đại học Quốc gia TP HCM gửi bảng hỏi đến 932 sinh viên Việt Nam và Mỹ vào tháng 10/2016. Kết quả cho thấy, không chỉ trang bị ít kiến thức về virus HPV, nữ sinh Việt còn chủ quan với bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trên thế giới, ít nhất 50% người trưởng thành nhiễm virus HPV vào bất kỳ thời điểm nào trong đời. Với 90% trường hợp, hệ miễn dịch sẽ tự đào thải HPV trong 1-2 năm.
Song, nếu cơ thể suy giảm đề kháng, chúng sẽ tấn công và gây bệnh. Triệu chứng thường không rõ ràng, nên bệnh nhân dễ lây truyền cho người khác, chỉ tình cờ phát hiện qua xét nghiệm phụ khoa.
Video: Cứ 2 phút có một phụ nữ chết vì căn bệnh này
Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Võ Minh Tuấn - Phó chủ nhiệm Bộ môn Sản phụ khoa, Đại học Y Dược TP HCM cho biết, ung thư cổ tử cung ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc và cuộc sống vợ chồng.
Căn bệnh này có thể tước đi thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Bệnh nhân có thể chữa khỏi, bảo tồn thiên chức làm mẹ, nếu được phát hiện sớm.
Để phòng bệnh, nữ giới trong độ tuổi 9-26, dù đã quan hệ tình dục hay chưa, đều có thể tiêm vắcxin ngừa các chủng virus HPV nguy cơ cao. Sau độ tuổi này, nên có đời sống tình dục an toàn; kiểm tra phụ khoa định kỳ; làm xét nghiệm PAP thường niên hoặc hai năm một lần.
Bình luận