Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp quốc về Quyền Trẻ em năm 1990. Hệ thống pháp luật và chính sách phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta đã được ban hành khá đầy đủ.
Tuy nhiên, hiện nay, bạo lực thân thể trẻ em vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp.
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức tầm nhìn thế giới, 2 tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang có 44% trẻ em bị bạo lực, trong đó 23% bị đánh, tát, đòn roi.
Báo cáo về can thiệp và hỗ trợ theo đường dây nóng 18001567 phản ánh về bạo lực trẻ em, trong 689 ca bạo lực trẻ em, có 6/10 ca bạo lực thân thể. Trong đó, có 4 ca bạo lực gia đình, 2 ca bạo lực học đường.
Trước vấn nạn này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị các sở GD-ĐT, các trường chỉ đạo lồng ghép hiệu quả cuộc vận động “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, bằng tấm gương thực tiễn và bằng hành động cụ thể của thầy, cô giáo.
“Cấn triển khai thực hiện Nghị định quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; tiếp tục triển khai các hoạt động của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; triển khai công tác tư vấn học đường và thực hiện chương trình hành động phòng chống bạo lực học đường”, bà Nghĩa nói.
Còn đối với các giáo viên, Thứ trưởng yêu cầu thường xuyên trau dồi nâng cao kiến thức chuyên môn, đặc biệt là kiến thức nghiệp vụ sư phạm; nâng cao đạo đức nhà giáo, hiểu biết và có ý thức thực hiện pháp luật, luôn phấn đấu để trở thành tấm gương sáng để học sinh noi theo.
Bà Nghĩa đề nghị các thầy cô cần hết mực yêu thương, tận tình dạy dỗ, chia sẻ và quan tâm đối với học trò để làm tròn trách nhiệm cao cả của mình.
Các thầy cô cần sử dụng các phương pháp dạy học tiên tiến, phù hợp và tích cực; thay đổi tư duy, không áp đặt, hãy để học sinh lắng nghe.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng đề nghị các bậc phụ huynh luôn mẫu mực cho con trẻ noi theo, giáo dục gia đình phải được đặt lên hàng đầu và là cái nôi nuôi dưỡng, phát triển nhân cách của trẻ.
Video: Vì sao bạo hành trẻ em hay xảy ra với con công nhân?
Bình luận