• Zalo

Mỏi mòn chờ tiền bồi thường đền bù mặt bằng

Thời sựThứ Tư, 07/08/2019 07:31:00 +07:00Google News

Dù UBND TP đã có công văn yêu cầu huyện Bình Chánh giải quyết bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho người dân nhưng hơn 1 năm qua, mọi việc vẫn “bình chân như vại".

Cầu cứu khắp nơi

Theo bà Vương Thị Tuyết (sinh năm 1955, thường trú: số 3A64/3 ấp 3, tỉnh lộ 10, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM), năm 2012, khi nhà nước mở rộng cải tạo tỉnh lộ 10, gia đình bà bị giải tỏa hơn 705 m2 đất.

Tại thời điểm đó, dù chưa có phương án đền bù cụ thể nhưng gia đình bà luôn chấp hành chủ trương của Nhà Nước, tuân thủ phương án mà chính quyền đề ra. 

Sau khi giải tỏa, ngày 13/8/2012, UBND huyện Bình Chánh có Quyết định bồi thường số 4498/QĐ-UBND cho gia đình bà Tuyết và những hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo đó, UBND huyện Bình Chánh xác định 316,5 m2 của hộ bà Tuyết không bồi thường vì họ cho rằng đó là đất đường, gia đình bà Tuyết lấn chiếm. Quyết định này chỉ thừa nhận bồi thường cho gia đình bà Tuyết 250 m2 đất ở và 316,5 m2  còn lại được áp giá đền bù đất ruộng. 

Do không đồng ý với quyết định 4498/QĐ-UBND từ UBND huyện Bình Chánh nên bà Tuyết đã làm đơn khiếu nại.

a2

Văn bản chỉ đạo bồi thường tiền đền bù cho người dân từ UBND TP.HCM.

Đến ngày 19/11/2013, UBND huyện Bình Chánh có quyết định giải quyết khiếu nại của bà Tuyết, tuy nhiên quyết định số 7977/ QĐ-UBND lại cho rằng "Theo tài liệu 299/TTg, gia đình bà Tuyết không có đăng ký sử dụng trong sổ".

Sau khi tìm hiểu và đối chiếu với các trường hợp bị thu hồi giải tỏa khác trên địa bàn huyện, bà Tuyết nhận thấy nội dung của quyết định số 4498 và 7977 là không phù hợp và thỏa đáng nên tiếp tục khiếu nại.

“Hơn 705m2 đất bị giải tỏa trên nằm chung trong 1000m2 đất có nguồn gốc do chồng tôi đăng ký kê khai sổ ruộng đất 5B. Trong đó, phần đất bị giải tỏa là hơn 705 m2, bao gồm 566,5 m2 thuộc phần thửa số 17 và 138,6 m2 là đường (tờ bản đồ số 06, tài liệu 299/TTg). Hiện trạng trên thửa đất số 17 có nhà xây dựng trước năm1980", bà Tuyết nói. 

Theo bà Tuyết, điều đáng nói là trong 1000 m2 đất được xác định là đất thổ cư nhưng gia đình bà có khai báo 100 m2 là diện tích xây nhà, 50m2 là ao, số còn lại là trồng cây. Tuy nhiên, khi giải tỏa hơn 705 m2 đất, người ta lại cho rằng diện tích đất nhà ở và ao chỉ có 150 m2, riêng 850 m2 còn lại là đất trồng cây hàng năm khác rồi áp dụng mức giá đền bù đất ruộng là vô lý.

“Vì chồng tôi đăng ký 1000 m2 đất thổ cư và xây dựng nhà, đào ao là 150 m2 còn 850 m2 đất thổ cư còn lại tôi sử dụng mục đích khác, không lẽ bắt tôi xây nhà rộng 1000m2 hay đào ao 1000 m2 mới công nhận là đất thổ cư?”, bà Tuyết bức xúc nói.

Mấy năm qua, bà Tuyết cất công đi khiếu nại khắp nơi nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết.

Mòn mỏi đợi chờ

Ngày 15/7/2017, bà Tuyết gửi đơn tố cáo lên Thanh Tra TP.HCM và đã được xử lý, xem xét. Đến ngày 14/12/2017 Sở Tư pháp đã có văn bản số 20053/STB-VB gửi UBND TP khẳng định, căn cứ theo quy định pháp luật và các nội dung xác minh nêu trên, Sở Tư pháp thống nhất với nội dung đề xuất của thanh tra TP đối với phần diện tích đất tại báo cáo số 528/BC- TTTP-P3 ngày 5/10/2017.

Cụ thể, Sở Tư pháp thống nhất với Thanh tra TP về việc xem xét, hỗ trợ cho bà Tuyết theo quy định tại khoản 1 điều 16 quyết định số 35/2010/QĐ-UBND ngày 28/5/2010 của UBND TP.

a1

Đơn cứu xét từ gia đình bà Vương Thị Tuyết.

Ngày 13/2/2018, UBND TP.HCM có văn bản số 682/UBND-NCPC chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh giải quyết bồi thường, hỗ trợ cho gia đình bà Tuyết với phần diện tích 705,1 m2 bị ảnh hưởng trong dự án đầu tư mở rộng tỉnh lộ 10 với 4 nội dung:

Diện tích 566,5 m2 bồi thường theo đơn giá đất ở, vị trí mặt tiền đường; diện tích 100 m2 hỗ trợ theo đơn giá bằng 30% đơn giá đất ở; diện tích 38,6 m2 hỗ trợ theo đơn giá đất nông nghiệp; xem xét, giải quyết việc miễn thuế sử dụng đất đối với 250 m2 đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH02442 ngày 24/4/2013 cho bà Vương Thị Tuyết theo đúng quy định của pháp luật.

Đến ngày 25/6/2018, bà Tuyết nhận được quyết định số 5666/QĐ-UBND của UBND huyện Bình Chánh đề ngày 15/6/2018 nói rõ, chỉ giải quyết đối với nội dung thứ hai và thứ ba (phần đất lề đường 138 m2; trong đó 100 m2 hỗ trợ bắng 30% đơn giá đất ở, 38,6 m2 hỗ trợ theo đơn giá đất nông nghiệp), không giải quyết nội dung thứ 1 và thứ 4 (5 lần hạn mức đất ở).

Không đồng ý với quyết đinh trên, bà Tuyết tiếp tục làm đơn kiến nghị gởi đến Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, Thanh tra huyện Bình Chánh...

“Ngày 3/9/2018, tôi nhận được văn bản số 6356/BBT ngày 30/8/2018 do ông Nguyễn Văn Tài - Phó chủ tịch Bình Chánh trả lời cho trường hợp của tôi, nhưng văn bản chỉ trả lời chung chung cho có, không cụ thể tập trung, không rõ ràng cụ thể hướng giải quyết chỉ đạo từ công văn của UBND TP”, bà Tuyết bức xúc.

Tiếp đó, ngày 14/5/2019 UBND TP.HCM đã có công văn 1834 gửi Hội đồng thẩm định TP, Thanh tra TP, Sở Tài nguyên Môi trường và UBND huyện giao hội đồng thẩm định cùng các đơn vị xem xét hướng dẫn giải quyết cho bà Tuyết; giao UBND huyện Bình Chánh tổ chức tiếp công dân, thông tin cho bà Tuyết về tiến độ hướng giải quyết... 

Được biết, ngày 18/7, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM mời các đơn vị tham gia họp, thống nhất đối với mức bồi thường cho bà Tuyết và UBND TP đã có công văn 682/UBND-NCPC ngày 13/2/2018 chỉ đạo giao UBND huyện thực hiện.

Tiếp xúc với báo chí, đại diện UBND huyện Bình Chánh thừa nhận, đã nhận được văn bản chỉ đạo từ UBND TP và đang củng cố những tài liệu liên quan để thực hiện theo quy định.

Gia Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn