Móc túi tại bến xe buýt: Khi chúng ta không biết xấu hổ

Bức xúc thường ngàyThứ Sáu, 31/12/2010 07:50:00 +07:00

(VTC News) - Tôi tự hỏi những con người thờ ơ với tội ác kia sau khi lên xe có tự xấu hổ với mình, hay cứ thế tiếp tục việc của mình như chưa từng có gì xảy ra?

(VTC News) - Dù được dư luận và báo chí phản ánh đã lâu, nhưng bức xúc về vấn đề trộm cắp ở điểm trung chuyển xe bus Cầu Giấy (HN) không những chưa được giải tỏa mà ngày càng trở nên căng thẳng. Ngay sau khi đăng tải nỗi bất bình của một nạn nhân mới nhất tại "điểm đen" này, BBT đã nhận được rất nhiều phản hồi của các bạn đọc khác.

Dưới đây là chia sẻ của độc giả kí danh Hoàng Quân(dohoangquan35@***), mời các bạn cùng đọc và thảo luận.


Gửi BBT VTC News.


Tôi là một độc giả thường xuyên theo dõi mục Bạn đọc của quý báo, nhất là những ý kiến phản ánh về các vấn đề xã hội. Khi được đọc bài viết "Cướp giữa ban ngày: Đã đến lúc không thể chịu đựng hơn!" trích đăng phản ánh của anh Phạm Khoa Lâm về tình trạng móc túi tại bến xe buýt, tôi cũng muốn có một vài chia sẻ.

Tôi trước đây cũng đã từng sử dụng xe buýt đôi lần để di chuyển. Khu vực nơi tôi sinh sống không có những bến xe buýt đông đúc như tại Cầu Giấy nên tôi không nhận thấy nạn móc túi ở đây. Điều đó khiến tôi lấy làm lạ, tại một địa điểm đông đúc như vậy nạn móc túi và thậm chí là cướp giật diễn ra ngay giữa thanh thiên bạch nhật đã được phản ánh từ lâu cả trên truyền hình, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào ngăn chặn tận gốc. Những kẻ bị bắt thì chỉ bị xử phạt hành chính vì giá trị tài sản không lớn.

 Những hình ảnh như thế này tại điểm trung chuyển Cầu Giấy đã trở thành... cơm bữa (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Thực tế thì tôi đã tới khu vực này nhiều lần và nhận thấy bọn trộm cắp vẫn tiếp tục hoạt động tại địa bàn này một cách ngang nhiên, trong đó có những tên tôi được biết là đã từng bị cơ quan chức năng bắt giữ. Tôi tự hỏi ý nghĩa của điều đó là thế nào? Chúng ta bắt những kẻ đó để làm gì khi cuối cùng vẫn thả chúng ra và tạo cơ hội cho chúng tiếp tục hoành hành người đi xe buýt như vậy?

Hơn nữa, anh Phạm Khoa Lâm bị cướp như vậy mà bản thân anh không dám chống lại, còn người xung quanh thì bàng quan như thể không có chuyện gì. Tôi xin hỏi thẳng: Những người xung quanh anh Lâm lúc đó có còn ý thức của một con người trong cộng đồng không vậy?

Tôi cảm thấy nực cười qua câu chuyện này, vì dường như chúng ta đã trở nên xơ cứng trước lẽ phải - dù không ít người được giáo dục đạo đức ở trường. Bọn cướp có 6 tên, 6 tên đấy nhưng xung quanh là cả chục, cả trăm người, chẳng lẽ không có một ai đủ can đảm để chống lại? Sợ bị thương hay thậm chí thiệt mạng vì thái độ côn đồ của chúng sao?

Không chống lại tức là đồng lõa với kẻ xấu, đồng lõa với kẻ xấu thì đừng nhận mình là người vô can. Đáng sợ hơn nữa khi sự thờ ơ đó là của số đông. Tôi tin chắc rằng thực ra không một ai xung quanh anh Lâm không biết điều đó, có chăng họ mang tâm lý sợ hãi trước những việc làm xấu vì có thể ảnh hưởng đến mình.

Tôi từng đi tàu điện ngầm ở Anh và nhận thấy bất kỳ hành vi cướp tài sản nào cũng đều được những người xung quanh tri hô lên để bắt giữ hung thủ, bất luận tài sản đó có nhỏ nhoi đến mấy. Thế nhưng ở Việt Nam lại là một câu chuyện khác. Tôi tự hỏi liệu những con người thờ ơ với tội ác kia sau khi lên xe có biết tự xấu hổ với mình không, hay cứ thế tiếp tục việc của mình như chưa từng có chuyện gì xảy ra?

Chúng ta không biết tự xấu hổ với chính mình khi để kẻ khác lấy đi công sức lao động của bản thân. Một khi những hành vi xấu đó tiếp tục tái diễn đến mức thành chuyện đương nhiên, tôi xin khẳng định rằng ĐƯƠNG NHIÊN nó sẽ dẫn tới sự suy đồi đạo đức của trẻ vị thành niên, lứa tuổi rất dễ bị ảnh hưởng bởi những hành động của người lớn.

Tôi xin cảm ơn anh Khoa Lâm đã có sự phản ánh kịp thời với độc giả về tệ nạn cướp giật này. Tôi cũng có lời khuyên cho anh: Hãy mang theo đoạn ống nước hay bất cứ thứ gì có thể dùng để tự vệ được khi lên xe buýt. Đừng dựa vào đám đông, hãy tin chính mình!


Hoàng Quân

Diễn đàn:

Bạn, hoặc người thân của bạn cũng từng bị, hoặc chứng kiến những tình cảnh tương tự?

Bạn bức xúc và muốn bày tỏ quan điểm của mình về những khía cạnh khác nhau của vấn nạn này: pháp luật còn kẽ hở, trách nhiệm của chính quyền địa phương, sự thờ ơ của cộng đồng trước cái ác, cái xấu, hay những vấn đề khác chỉ riêng bạn biết?

Bạn có những ý tưởng muốn "hiến kế" cho báo chí, cơ quan chức năng và người dân để giải quyết tình trạng này?

Mọi ý kiến xin gửi qua ô thảo luận cuối bài, hoặc mail về
[email protected].

Trong tình hình các đối tượng ngày càng manh động như hiện nay, bạn hoặc người thân của bạn có thể sẽ là nạn nhân
tiếp theo. Hãy hành động để bảo vệ chính mình và cộng đồng!
 

Bình luận
vtcnews.vn